AIR – không khí đang là một câu chuyện nóng. Không có “air” người cũng chết mà xe cũng hết chạy! Các mẫu xe (ôtô, xe máy) ra mắt trên thế giới hiện nay, đi kèm với các thông số kỹ thuật, nhà sản xuất bắt buộc phải công bố con số về khí thải, cụ thể là lượng CO2.
Ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn khí thải, con số này còn thể hiện thái độ của nhà sản xuất đối với môi trường. Gian lận về khí thải nếu bị phát hiện, ngoài khoản phạt lớn, còn là vết nhơ thương hiệu. Bởi khí thải từ phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong đã được chỉ ra là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Và đó không phải chuyện đâu xa. Báo chính thống (không phải thế lực thù địch), tờ Vietnam News của TTXVN, công bố chỉ riêng TP.HCM lượng khí thải carbon dioxide (CO2) được ước tính là 38,5 triệu tấn mỗi năm, chiếm khoảng 16% tổng lượng đất nước, trong số này, lượng khí thải CO2 từ các phương tiện giao thông chiếm 45%! Những con số lạnh lùng này cho chúng ta thấy “báo động tím”, “báo động nâu” từ không khí Hà Nội, TP.HCM hoàn toàn không đến từ trời!
Thế nhưng, ở Việt Nam hiện nay, các mẫu xe mới ra mắt hầu hết chỉ được nhà sản xuất tập trung giới thiệu về sức mạnh cũng như các công nghệ tiện ích cho người sử dụng, mà bỏ qua vấn đề khí thải. Đơn cử, thế hệ mới của Honda AirBlade vừa ra mắt cuối tuần qua, nâng cấp toàn diện: từ động cơ tới đồng hồ kỹ thuật số, hộc để đồ cực lớn có cổng sạc điện thoại và đèn soi, chìa khóa thông minh tích hợp cảnh báo trộm…, nhưng không có gì nâng cấp ở công nghệ khí thải so với những gì đã có trên mẫu xe này từ năm 2016.
Tất nhiên, cũng như các mẫu xe hai bánh khác trên thị trường, AirBlade chả cần tốn tiền nâng cấp công nghệ khí thải làm chi, vì yêu cầu tiêu chuẩn khí thải Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là Euro3 – mức tiêu chuẩn khí thải thấp so với thế giới và cả một số nước trong khu vực. Tại châu Âu từ năm 2016 đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro4 và từ đầu năm tới 2020, là Euro5 cho xe hai bánh. Hiện Thái Lan cũng đã áp dụng quy định khí thải tiêu chuẩn Euro4 cho xe máy. Áp mức tiêu chuẩn khí thải thấp càng trở nên nghiêm trọng khi Việt Nam lại là quốc gia sử dụng xe máy đông thứ hai thế giới, chủ yếu là xe máy sử dụng động cơ đốt trong!
Không biết có ai từng hiểu lầm như mình không, rằng xe máy tiết kiệm nhiên liệu hơn ôtô nên ít khí thải ô nhiễm hơn!? Thực tế ngược lại. Theo một nghiên cứu được công bố trên tờ The Guardian (Anh quốc), mức độ phát thải ô nhiễm không khí của xe hai bánh thậm chí “tệ gấp 16 lần” so với ôtô! Đặc biệt trong môi trường giao thông đô thị, do người sử dụng xe máy thường tăng tốc nhanh, trong khi động cơ xe máy đốt cháy nhiên liệu kém hiệu quả hơn ôtô, nên thường tạo ra mức phát thải cực đại, ước tính cao hơn tới 49 lần so với trung bình. Vậy sức mạnh có thể tăng tốc trong đô thị từ 40km/g lên 86km/g chỉ mất 10 giây của AirBlade mới cũng đồng nghĩa với việc quá trình tăng tốc này sẽ làm tăng mạnh lượng khí độc thải ra không khí từ ống bô thời trang?
- Xem thêm: Khi siêu giàu lo chống “ngày tận thế”
Nhưng ai thèm ngó xuống ống bô làm gì cho mệt. Mọi người chỉ lo khả năng sạc điện thoại trong cốp xe nguy hiểm khi nhiệt độ trong cốp lên cao. Không khí à, chuyện ông giời!
Thêm một con số nữa cho vui: theo số liệu của Motorcycles Data, từ năm 1990 đến 2018, lượng xe máy trên toàn Việt Nam tăng khoảng 48 lần, từ hơn 1,2 triệu chiếc lên gần 58 triệu chiếc, tập trung ở các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Chả trách ở đây toàn thấy “tím” với “nâu”.
Ps. Có ai xem phim này chưa : Hanoi Heading towards “Airpocalypse”?