Châu Úc là thiên đường của các loài xâm lấn. Nhờ diện tích đất đai và biển hoang dã rộng lớn, những động – thực vật lạ theo chân con người đến đây sớm phát triển, mở rộng số lượng ngoài tầm kiểm soát. Chí ít, lục địa này cũng đang bị 56 loài có xương sống du nhập hoàng hành. Chúng phá hoại môi trường tự nhiên, gây phiền hà cho nông – ngư nghiệp. Diệt mãi mà chẳng vơi, Australia lên kế hoạch chuyển kế sách: “Lên đĩa”.
Thiên đường xâm lấn
Úc là quốc gia châu lục ở châu Đại Dương có diện tích đất liền lên tới 7.617.930 km2 và dân số khoảng 25,8 triệu người. Mật độ dân số ở Úc rất thấp, trung bình chỉ 3,3 người/km2. Môi trường sinh thái tại đây vô cùng phong phú, bao gồm từ sa mạc khô hạn đến rừng mưa ẩm ướt. Nó thích hợp cho đa dạng động – thực vật. Ước tính, Úc có tầm 250.000 loài, được công nhận là quốc gia đa dạng sinh học nhất hành tinh.
Theo lịch sử hình thành các lục địa, Úc từng liền mạch với châu Phi. Cách đây khoảng 140 triệu năm, nó mới bị tách vỡ khỏi Siêu lục địa Gondwana, dần dà trôi dạt đến vị trí hiện nay. Tầm 40.000 năm về trước, Úc có người định cư. Họ mang nguồn gốc Á-Âu, di chuyển theo đường di cư biệt lập đến Úc. Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, họ duy trì lối sống săn bắt, hái lượm nguyên thủy.
Năm 1606, các nhà thám hiểm Hà Lan (một quốc gia ở châu Âu) mới phát hiện châu Úc. Năm 1770, Anh tuyên bố chủ quyền nửa phía Đông châu Úc. Sau Anh, nhiều di dân từ các quốc gia châu Âu và châu lục khác cũng đua nhau đặt chân lên châu Úc. Khác với nhóm người tiền sử, họ mang theo không ít sinh vật lạ. Chúng bao gồm từ các loài vi sinh cho đến động vật có xương sống.
Mặc dù châu Úc xếp hạng bét về diện tích so với các châu lục khác, nước Úc đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng những đất nước có diện tích lớn nhất thế giới. Ngay sau khi xâm chiếm nơi này, thực dân Anh lũ lượt mang các loài động vật có vú xa lạ tới. Chúng bao gồm từ các loài chỉ “thả để săn cho vui” như thỏ châu Âu (Oryctolagus cuniculus), cáo đỏ (Vulpes vulpes) đến thú nuôi và động vật lấy thịt, lấy sức như mèo, heo, dê, lừa, lạc đà, trâu, ngựa… Giữa thế giới tự nhiên châu Úc rộng lớn, giàu thức ăn, các loài du nhập phát triển mạnh mẽ. Chúng thoát khỏi sự khống chế của con người, trở lại làm thú hoang, chiếm lĩnh và hoành hành khắp nước Úc.
Vô phương ngăn chặn
Từ thập kỷ trước, ước tính số lượng thỏ châu Âu xâm lấn ở Úc đã đông đến 200 triệu con. Lợn hoang thì trên 23,5 triệu con, mèo hoang 6,3 triệu con, lừa hoang 5 triệu con, ngay cả chậm sinh sản như trâu nước (Bubalus bubalis) cũng ngoài 150.000 cá thể. Các loài động vật ăn cỏ xâm lấn tàn phá hệ thực vật, gây xói mòn đất, thay đổi dòng chảy của sông suối… Các loài ăn thịt thì thảm sát sinh vật bản địa. Nhiều loài cá nước ngọt du nhập như cá chép, cá rô, cá hồi… cũng gia tăng chóng mặt, phá hoại hệ sinh thái sông hồ tự nhiên.
Chưa hết, Úc còn một số sai lầm sinh thái đáng tiếc. Họ từng du nhập nhiều loài lông vũ với mục đích kiểm soát dịch châu chấu, nhưng chúng lại tấn công và tiêu diệt không ít nhà chim bản địa. Vào năm 1935, Úc nhập khẩu cóc mía (Rhinella marina) từ châu Mỹ, với mục đích lợi dụng chúng trừ bọ cánh cứng hại mía. Nào ngờ lũ cóc này siêu ăn tạp và đẻ sai. Chúng tàn sát bất kể côn trùng nào trong tầm mắt. Chỉ sau chưa đầy một thế kỷ, quần thể cóc mía xâm lấn đã đông đến trên 200 triệu con. Năm 1995, Úc lại phạm một sai lầm khác là nhập bọ lantana, côn trùng hút nhựa cây trâm hôi (Lantana). Thay vì mớ cây trâm hôi hoang mọc tràn lan, chúng tấn công 62 loài thực vật khác, chủ yếu là cây trồng.
Sự thông thương giữa các châu lục cũng tạo cơ hội cho nhiều loài “quá giang” đến Úc. Chúng bao gồm từ các sinh vật biển gây hại như vẹm, cua, hà (bám thân tàu) đến các loài côn trùng và động vật không xương sống như ong, kiến, sâu bọ và thực vật (bám trên người, đồ vật, phương tiện). Chí ít, châu Úc cũng đang bị 220 loài cỏ và cây dại xâm lấn, nâng chi phí tiêu diệt lên 4 tỷ đô Úc/năm (khoảng 66 nghìn tỷ VNĐ).
Kể từ cuối thế kỷ XIX, Úc đã phải đối mặt với thảm họa nông nghiệp vì các loài xâm lấn, đặc biệt là động vật. Họ tích cực bẫy, giết, thậm chí trao tiền thưởng cho cánh thợ săn. Bước sang thế kỷ XXI, Úc càng tích cực khống chế nhưng vẫn chưa có gì khởi sắc.
Ăn để diệt
Trong thời đại bảo vệ hệ sinh thái, chúng ta được khuyên và bị cấm tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Tuy nhiên, điều này không ứng với các loài xâm lấn ở Úc. Gần đây, quốc lục này tích cực phổ biến cuốn sách nấu ăn của Kirsha Kaechele (1976, Mỹ), Eat the Problem. Nó bao gồm 500 trang, giới thiệu và hướng dẫn tỉ mỉ cách chế biến món ngon từ các loài động – thực vật xâm lấn.
“Lên đĩa” là phương pháp diệt động – thực vật hoang dã gây hại mới được bàn tới trong vài năm gần đây. Tại Florida (Mỹ), sau nhiều nỗ lực kiểm soát cá sư tử (Lionfish) xâm lấn môi trường biển, Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia (National Oceanic and Atmospheric Administration) Hoa Kỳ quyết định: “Nếu đã không thể diệt, vậy thì cứ việc ăn sạch chúng thôi”. Họ nhờ các chuyên gia nấu ăn chỉ cách loại trừ độc vây cá sư tử, biến chúng thành đa dạng các món ngon, thu hút thực khách. Tại Pháp, đầu bếp Dominique Crenn (1965) thành công khi chế biến tảo wakame xâm nhập thành món bổ dưỡng. Philippe Parola (Mỹ) thì đóng góp một công thức nấu ăn mới cho món cá chép gốc châu Á.
Đầu tiên, Kirsha nhiệt tình giới thiệu món cóc mía. Loài lưỡng cư này nổi tiếng có độc, chỉ 4 cái bàn chân là ăn được. Tác giả Eat the Problem đề xuất chế biến chân cóc mía chua ngọt. Cô tin tưởng với nguyên liệu chỉ là tứ chi, số lượng cóc mía bị “hạ” sẽ cực cao. Tiếp đến, Kirsha trình bày cách làm món lạc đà nướng nguyên con, thịt mèo hoang kho tỏi, cá hồi sông chiên giòn, thịt thỏ hoang bó hầm nhừ, chim sáo nâu xào hành rắc phấn hoa…
Nói chung, tất cả các loài xâm lấn có thể ăn một phần hoặc toàn phần ở Australia đều được Kirsha đưa vào bếp. Đa phần công thức của cô rất đơn giản, ai cũng có thể học và làm theo. “Miệng ăn núi lở”, tác giả ẩm thực này hy vọng giải pháp của mình sẽ được áp dụng rộng rãi. Hiện tại, cô đang niêm yết Eat the Problem với mức giá rất cao: 277,77 USD (khoảng 6,4 triệu VNĐ), và đem hết doanh thu tài trợ cho chương trình Bếp-vườn Kaechele (Kaechele’s kitchen-garden).