Dù nhiều ý kiến cho rằng cách thức xử lý của các nhà điều hành còn nặng tính kỹ thuật, chưa thực sự giải quyết tận gốc căn bệnh nợ xấu, nhưng “nói đi cũng phải nói lại”, cũng khó cho ngành ngân hàng để có thể tự mình cáng đáng. Một khi các doanh nghiệp và cả nền kinh tế còn gặp vô vàn khó khăn, thì gánh nặng nợ xấu đè lên vai các ngân hàng không thể dễ dàng được hóa giải nhanh chóng. Thời gian qua, đặc biệt là sau khi Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (5-2013) ra đời, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ ngành và địa phương triển khai mạnh mẽ các giải pháp đã đề ra. Riêng Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu theo phạm vi trách nhiệm của mình, như yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ cho khách hàng, thường xuyên rà soát, đánh giá lại thực trạng nợ, nhất là nợ xấu để triển khai các giải pháp xử lý phù hợp, trích lập đầy đủ và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương thưởng, thù lao và phân phối lợi nhuận cho các cổ đông để tập trung nguồn lực cho xử lý nợ xấu… Đặc biệt, sự ra đời và đi vào hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực sự là công cụ hữu hiệu giúp các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, dự kiến sẽ mua được 30-35 ngàn tỉ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước cũng đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, tăng cường hiệu quả hiệu lực của công tác thanh tra giám sát để đảm bảo các tổ chức tín dụng tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các quy định trong hoạt động ngân hàng.
Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, nhờ các giải pháp đồng bộ như vậy, tốc độ tăng nợ xấu đã chậm lại đáng kể. Theo đó, tính đến hết tháng 9, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng chỉ còn chiếm 4,62% tổng dư nợ. Tốc độ tăng nợ xấu bình quân trong chín tháng đầu năm nay chỉ ở mức 2,2%/tháng, giảm đáng kể so với năm 2012 (3,91%/tháng). Đặc biệt, các tổ chức tín dụng vẫn bảo đảm được việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, giúp cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn với lãi suất thấp. Mức lãi suất hiện nay chỉ tương đương với giai đoạn 2005-2006 đã giúp giảm bớt chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đặc biệt là những chuyên gia nước ngoài, vấn đề mà hệ thống ngân hàng nước ta đang đối mặt không chỉ có nợ xấu. Chẳng hạn, trong một phát biểu mới đây, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đã cho rằng cải cách ngành ngân hàng nên là một vấn đề ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Theo đó, hệ thống ngân hàng cần tập trung giải quyết những điểm yếu liên quan đến chất lượng tài sản có, nợ xấu, trích lập dự phòng và mức vốn để từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh thật sự lành mạnh. Khi ấy, các ngân hàng – bất kể lớn hay nhỏ, thuộc sở hữu nhà nước hay cổ phần – đều là những trạm trung chuyển tốt, đưa các khoản tiền tiết kiệm của quốc gia tham gia hiệu quả vào lĩnh vực kinh tế. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là tăng cường công tác thanh tra và quản lý song song với việc giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Như vậy, có thể thấy rằng, nợ xấu chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng mà ngành ngân hàng phải đối mặt, nhằm vượt qua được giai đoạn tái cơ cấu hiện nay.
Minh Hằng