Nếu như tháng 5 trên thị trường chứng khoán Mỹ có câu ngạn ngữ “Sell in May and go away”, nghĩa là “bán vào tháng 5 và đi chơi”, một hiện tượng được đúc kết từ số liệu thống kê, thì thị trường chứng khoán Việt Nam với gần 14 năm hoạt động chưa có đủ dữ liệu cho một dự báo tương tự. Nhìn chung, thị trường chứng khoán tháng 5 của nước ta thường không có nhiều thông tin hỗ trợ, nên xác suất giảm điểm là khá cao. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ, tùy vào diễn biến thị trường thời gian trước đó cũng như việc có thông tin hỗ trợ hay không. Như năm ngoái, VN-Index tháng 5 vẫn tăng sau khi đã giảm giá mạnh vào tháng 4. Năm nay, cuối tháng 4 VN-Index cũng đã có đợt giảm điểm khá mạnh khiến cho giá của nhiều cổ phiếu đã giảm vào vùng hấp dẫn, nên một dự báo về việc thị trường sẽ tích lũy và tăng điểm trong nửa cuối tháng 5 là có cơ sở.
Đúng như những phân tích trước đó, tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ với chỉ hai phiên đã diễn ra khá yên ả với một phiên giảm và một phiên tăng và thanh khoản vẫn cầm chừng ở mức thấp. Nhà đầu tư có tâm lý nghỉ ngơi trước lễ, khiến dòng tiền tham gia vào thị trường khá dè dặt. Bên mua không hào hứng, khiến cho lực mua giá cao gần như không có. Thị trường hoàn toàn thiếu đi lực đỡ khi các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng chỉ được giao dịch với số lượng không nhiều, thanh khoản rất thấp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trên sàn HoSE chỉ còn 49,5 triệu đơn vị, giảm 29%, trong khi trên sàn HNX là 30 triệu đơn vị, giảm tới 41% so với khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên của tuần trước. Các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chi phối hai chỉ số chính và diễn biến lên xuống của nhóm cổ phiếu này đã tạo nên sự thay đổi của VN-Index, dù xu thế chung là không có nhiều biến chuyển. Giao dịch tăng giảm diễn ra xen kẽ trong khi thanh khoản ngày càng giảm cho thấy giới đầu tư đang rất thận trọng. Ngoài ra, đã không còn sự song hành của khối ngoại và khối tự doanh các công ty chứng khoán trong hai phiên tuần qua. Nếu như trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 14,2 tỉ đồng thì khối tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng gần 178 tỉ đồng.
Nhà đầu tư chờ đợi một sự khởi sắc của thị trường trong tháng 5
Dòng tiền nhìn chung vẫn đứng ngoài quan sát thị trường dù cho những thông tin tích cực đang nhiều lên. Có một sự chuyển biến tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, điều này không chỉ thể hiện ở các doanh nghiệp niêm yết thông qua đại hội cổ đông thời gian qua, mà còn ở những thông số khác. Đặc biệt, tình hình tại các doanh nghiệp sản xuất có sự cải thiện rõ rệt trong những tháng gần đây. Tháng 4-2014, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát đã lập đỉnh mới (53,1 điểm), tăng mạnh so với con số 51,3 trong tháng 3. Đây cũng là mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện cách nay ba năm. Số đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay giúp cho sản lượng và hoạt động mua hàng của các doanh nghiệp sản xuất tăng nhanh. Nhu cầu ngày càng cao từ khách hàng và giá đầu ra ổn định đã giúp cho các doanh nghiệp có thêm nhiều đơn hàng mới. Khảo sát cũng cho biết số đơn hàng mới từ nước ngoài đã tăng kỷ lục trong tháng qua và giúp cho sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp tăng tháng thứ bảy liên tiếp. Ngoài ra, số lượng việc làm cũng tăng trở lại sau khi giảm nhẹ vào tháng 3… Sự hồi phục của sản lượng, số đơn đặt hàng mới và số đơn hàng xuất khẩu mới cũng như việc làm là rất cần thiết để nền kinh tế tăng tốc sau một thời gian dài trì trệ. Chưa kể sự tăng trưởng của khu vực sản xuất sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu trong nước, từ đó giúp kinh tế chung đi lên.
Với thị trường chứng khoán, đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ có kết quả trong năm nay. Nếu được chấp thuận, điều này có nghĩa là sẽ có thêm nguồn vốn lớn đổ vào nước ta, trong đó có các công ty Nhật Bản, vốn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản là một trong những ưu tiên hàng đầu của nước ta. Ngoài ra, việc Chính phủ đang đẩy mạnh công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và tiến hành nhiều cải cách khác, trong đó có vấn đề giảm rào cản đối với dòng vốn nước ngoài sẽ giúp thị trường có thêm động lực đi lên trong trung hạn.
VN-Index sau nghỉ lễ chưa thể hồi phục do thị trường vừa trải qua một đợt suy giảm thanh khoản mạnh, mà phiên giao dịch đầu tuần (5-5) giảm hơn 13 điểm của VN-Index với sự lao dốc của các blue-chip là một dẫn chứng. Sự khởi sắc nếu có cũng phải từ nửa sau tháng 5, còn trong ngắn hạn, nhà đầu tư được khuyên vẫn nên tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có thông tin cơ bản tốt và thận trọng với việc mua bắt đáy ở các mã đầu cơ. Thị trường vẫn sẽ có những đợt điều chỉnh trước khi bắt đầu tích lũy và khởi sắc.
Thành Huân