Trong năm vừa qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước tổ chức xếp hạng trao giải cho các dự án khởi nghiệp. Bên cạnh những dự án tạo ra sản phẩm mới, nhiều dự án gây được sự chú ý vì tạo được giá trị gia tăng đáng kể cho các sản phẩm đã rất quen thuộc với địa phương.
Điển hình có thể kể đến dự án kinh doanh củ ấu bóc vỏ (đoạt giải nhất tỉnh Đồng Tháp) và hoạt động sản xuất gia vị bún bò Huế chế biến sẵn (đoạt giải nhất Thừa Thiên – Huế).
Dự án “làm tròn” củ ấu
Gần đây, những ai đi trên quốc lộ 80 đoạn qua xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp sẽ thấy dọc hai bên đường có dãy ki-ốt bán củ ấu khá chuyên nghiệp. Mấy năm qua, củ ấu đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều người dân vùng trồng sen. Từ lâu củ ấu là món ăn vặt quen thuộc của người Việt vì mùi vị thơm ngon, dễ ăn. Tuy nhiên, lớp vỏ kém đẹp mắt và khó bóc đã làm loại thực phẩm này có giá bán rất thấp dù hàm lượng dinh dưỡng khá cao.
Nhận thấy và bước đầu khai thác được tiềm năng của củ ấu, một cô giáo trẻ ở huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp đã đạt giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp của tỉnh năm 2017. Nguyễn Anh Thy – cơ sở sản xuất Sen Ta, xã An Bình được hội đồng chấm thi đánh giá cao vì nâng được giá trị củ ấu (chưa tách vỏ) từ khoảng 6 ngàn đồng/kg lên 45-60 ngàn đồng/kg (sau khi đã tách vỏ). Sản phẩm ấu tươi tách vỏ của Anh Thy ngay khi đưa ra thị trường vào giữa năm 2017 đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt với mức tiêu thụ 600kg/tháng và hiện đã vào được hệ thống siêu thị Aeon.
Theo Anh Thy, khó khăn nhất trong giai đoạn đầu và kéo dài đến hiện nay nằm ở khâu tìm nhân công tách vỏ ấu. Việc tách vỏ ấu đang phải thực hiện thủ công chứ chưa có thiết bị nào thay thế được. Do công việc trên không mấy phổ biến nên muốn tìm được những người thợ tách vỏ ấu lành nghề, sở hữu thiết bị chuyên dụng tự chế mất khá nhiều thời gian. Để tuyển chọn được nhân công làm việc có hiệu quả, chị Anh Thy phải nhờ đến sự giới thiệu của toàn bộ những người quen biết.
Khi Sen Ta mới thực hiện tách vỏ, do chưa có kinh nghiệm nên một số sản phẩm ban đầu không đạt, ruột ấu bị thâm đen. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, ruột ấu mới giữ được màu trắng bằng phương pháp tự nhiên. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, sản phẩm củ ấu tươi tách vỏ từng bước được người tiêu dùng biết đến nhờ sự tiện lợi. Củ ấu không chỉ còn để luộc như trước kia mà có thể chiên, nấu xúp, nấu chè.
Có được thành công bước đầu nhưng Sen Ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Do các khâu thực hiện dự án đều mang tính thủ công, hiện tại cơ sở này vẫn chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn. Vì vậy mà cô chủ trẻ đang tập trung hiện đại hóa quy trình sản xuất, đầu tư nhiều hơn vào mẫu mã bao bì. Bên cạnh đó, Nguyễn Anh Thy đang định hướng tạo ra các dòng sản phẩm giá trị cao hơn như ấu sấy (với thời gian bảo quản lâu hơn), ấu ăn liền, sữa ấu…
Để nấu bún bò đúng vị Huế dễ dàng hơn
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trong nhiều giỏ quà biếu làm từ đặc sản Huế ngoài mè xửng, tôm chua, kẹo gương… thì còn có thêm một món hoàn toàn mới. Đó là gia vị nấu bún bò chế biến sẵn được đóng hộp rất chuyên nghiệp. Sản phẩm tiện lợi này đã đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2017 tại Thừa Thiên – Huế. Tác giả của sản phẩm là Lê Thị Kim Hằng và Tử Mỹ – một cặp vợ chồng thuộc thế hệ 9X nhưng đã có nhiều năm gắn bó với đặc sản Huế.
Tốt nghiệp đại học lĩnh vực du lịch, Kim Hằng rời Huế đến Hà Nội mở nhà hàng phục vụ các món đặc sản Huế. Hơn hai năm kinh doanh món Huế ở phố Huế của thủ đô, nhà hàng của Hằng làm ăn khá thuận lợi. Riêng món bún bò Huế luôn nhận được nhiều lời khen của thực khách. Điều làm khách thích thú hơn cả là các gia vị nấu bún được cô chủ trưng bày tại chỗ để ai thích thì có thể học cách nấu.
Thấy có rất nhiều khách sau khi ăn bún bò thì ngỏ ý muốn học cách nấu, Kim Hằng liền nghĩ đến việc làm ra loại gia vị chế biến sẵn để những ai không được hướng dẫn trực tiếp vẫn có thể nấu được, bởi theo chị, điều quan trọng nhất khi nấu bún bò là cách nêm các loại gia vị.
Nghĩ là làm, Kim Hằng từ bỏ công việc kinh doanh đang tiến triển tốt ở Hà Nội để trở về Huế thành lập Yeshue – công ty chế biến gia vị nấu bún bò chuẩn vị Huế, hiện thức hóa mong muốn đưa gia vị bún bò đúng vị Huế đến người tiêu dùng trên khắp đất nước Việt Nam và cả thế giới. Để có một hũ gia vị nấu bún bò chuẩn vị Huế, Kim Hằng đã phải đổ đi không biết bao nhiêu nồi gia vị sau chế biến.
Cách làm của chị là dùng gia vị mới chế nấu bún bò mời khách hàng tại các chợ, các trung tâm thương mại ăn thử và xin ý kiến phản hồi, sau đó chọn lọc, tập hợp ý kiến chung nhất để điều chỉnh cho phù hợp. Bún bò Huế khác biệt với các món bún, phở khác chính ở phần gia vị. Những gia vị không thể thiếu khi nấu bún bò theo cách của người Huế là sả, hành băm phi dầu, đặc biệt phải có ruốc được khuấy lỏng với nước. Để khi nấu, bún bò đậm đà mà không “nghe” mùi ruốc, việc xào nấu gia vị luôn được Yeshue tuân thủ theo cách truyền thống nhất.
Nhằm chọn được nguyên liệu ưng ý, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, Yeshue đã thực hiện hợp đồng với người dân các huyện A Lưới, Phú Vang, Hương Trà trong việc cung cấp sả, ruốc, hành. Ngoài được chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2005, doanh nghiệp này đang hướng đến các quy trình chế biến, theo hướng an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới để xuất khẩu.
Kim Hằng cho biết, khoảng 90% khách hàng sau khi ăn thử bún bò Huế đã mua gói, hũ gia vị. Cách này cũng được chị áp dụng khá thành công ở một số hội chợ tại Thái Lan, Lào… với sự thích thú và hưởng ứng khá tốt của cộng đồng người Việt ở các nước đó. Sau nửa năm ra mắt, sản phẩm gia vị bún bò chuẩn vị Huế đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, phổ biến nhất là trong hệ thống các siêu thị, quán ăn đặc sản…