Việc khai trương một khu trung tâm thương mại mới khiến nhiều người Đà Lạt cảm thấy rất hào hứng. Ở đấy họ có thể mua sắm rất nhiều loại hàng hóa với giá cả hợp lý. Nhưng với riêng tôi, sự kiện này đem lại nhiều băn khoăn. Điều mà tôi lo ngại nhất là liệu kiểu mua sắm mới này có làm mất đi sắc màu văn hóa địa phương với những mối giao tiếp xã hội của những khu chợ truyền thống hay không?
Đi cùng sự ra đời của trung tâm thương mại, những lựa chọn và các cuộc chuyện trò ở chợ sẽ được thay thế dần bởi thói quen mua sắm mới. Chúng ta sẽ tự lấy hàng hóa từ những chiếc kệ trong siêu thị thay vì trực tiếp nhận hàng từ một người bán quen thuộc. Ở đấy cũng chẳng thể nào có nhiều loại trái cây, rau quả, thịt cá như ở chợ. Và nếu bạn không thích những mặt hàng siêu thị bày ra, bạn chẳng có cơ hội để lựa chọn ở những quầy hàng khác. Khách hàng không còn thú vui mặc cả. Cũng chẳng còn những câu chuyện phiếm giữa người bán và người mua. Những mối giao tiếp xã hội sẽ giảm đi. Trong trung tâm mua sắm hay siêu thị, tất cả những người bán hàng đều mặc đồng phục. Bạn sẽ không còn được thấy những sắc màu sinh động như những khu chợ truyền thống. Ngay cả hình ảnh chiếc nón lá quen thuộc cũng không còn. Việc tiêu chuẩn hóa của các trung tâm mua sắm sẽ làm mất đi ít nhiều thú vui đi chợ ở Đà Lạt.
Các trung tâm mua sắm hay siêu thị đã và có thể mọc lên ở Đà Lạt trong tương lai cũng sẽ giống như siêu thị ở TP.HCM hay như các thành phố lớn khác ở châu Âu, Mỹ. Chúng không có gì khác nhau cả. Bạn có thể thấy điều tương tự với những chuỗi khách sạn được xây dựng nhiều nơi trên thế giới. Những khách sạn giống nhau đến mức bạn không thể biết được mình đang ở đâu nếu căn cứ vào kiến trúc hay các chi tiết trang trí trong khách sạn. Tôi sợ điều này sẽ xảy ra với Đà Lạt. Kể ra nếu trung tâm mua sắm mới có dáng dấp kiến trúc đặc trưng của Đà Lạt thì tốt hơn. Một trung tâm được xây theo kiến trúc biệt thự Pháp chắc chắn sẽ tạo ra một hình ảnh thú vị hơn là một khối bê tông xám vuông vức.
Trung tâm mua sắm mới sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với chợ truyền thống. Một số tiểu thương buôn bán ở chợ có khả năng gặp khó khăn vì họ không thể mua được nguồn hàng có giá rẻ như siêu thị để kinh doanh. Việc mới sửa lại chợ Đà Lạt gần đây khiến khu chợ khang trang hơn và việc mua bán thuận tiện hơn, nhất là vào những hôm mưa gió, nhưng điều này lại khiến cho giá thuê sạp cũng cao hơn. Người bán hàng ở chợ buộc phải tăng giá hoặc phải chấp nhận giảm lợi nhuận. Điều này sẽ khiến cho cuộc sống của họ gặp một số khó khăn nhất định.
Tôi đã đến trung tâm mua sắm mới vì tò mò. Tuy nhiên, khi ở đấy, tôi lại rất nhớ chợ Đà Lạt với sự ồn ào và quen thuộc, nhớ thú vui mua hàng và mặc cả ở các sạp nhỏ, nhớ nụ cười của người bán khi tôi quyết định mua. Vì vậy, tôi sẽ vẫn ra chợ ủng hộ những người bạn của mình cho đến khi nào họ còn kinh doanh ở đấy. Tôi thích sự độc đáo của những sắc màu địa phương vì nó giúp tôi biết rằng mình đang ở Đà Lạt, Việt Nam chứ không phải một thành phố công nghiệp nào đó trên thế giới.
Bài Renate Haeusler
Lê Tâm dịch