Những món hàng quen thuộc ở các buổi đấu giá thường là cổ vật, tranh vẽ hay các tác phẩm nghệ thuật, nhưng có vẻ như người bán lẫn người mua đang dần có hứng thú hơn với các mặt hàng thời trang. Liệu mặt hàng này có được bán với mức giá tăng đến chóng mặt?
Đã có ý kiến cho rằng thà đầu tư vào túi xách Hermes còn hơn là mua cổ phiếu vì chỉ cần theo dõi một buổi bán đấu giá túi xách là thấy đủ. Mới đây, tại buổi đấu giá của Christie’s ở Hongkong, một chiếc túi Hermes Birkin da cá sấu màu hồng fuchsia có khóa bằng vàng trắng 18 carat nạm kim cương được bán với giá 223.000 USD cho một vị khách ẩn danh, phá vỡ kỷ lục 218.500 USD tại New York hồi bốn năm trước của chiếc bóp đầm mà nữ minh tinh Elizabeth Taylor từng sở hữu.
Bất cứ một món hàng thời trang nào cũng có cơ hội, tùy thuộc vào độ hiếm, sự tích hay điểm độc đáo khiến nhiều người mong được sở hữu. Đứng đầu danh sách các món hàng thời trang phổ biến tại các phiên đấu giá là túi xách, trong đó Hermes ẵm trọn hai vị trí đầu bảng, kế đó là các thương hiệu Louis Vuitton, Chanel và Celine. Người ta mua không chỉ vì thương hiệu, mà còn vì những chiếc túi đó là tinh hoa của nghệ thuật thuộc da và cắt may túi, chưa kể độ quý hiếm của chất liệu cũng như lượng túi đã bán ra hoặc chủ nhân của nó trước đây.
Tháng trước, Heritage Auctions – một cái tên lớn trong giới bán đấu giá đã lập một kỷ lục với khoảng 950 sản phẩm bán được, trong đó có 600 món mang nhãn hiệu Hermes, bao gồm 400 chiếc túi xách. Đã từng có những kỷ lục liên quan đến Hermes tại Heritage Auctions như chiếc Kelly màu đen được mua với giá 125.000 USD (giao dịch thành công hồi tháng 12 năm ngoái) và chiếc Birkin da cá sấu màu đỏ có giá những 203.500 USD (năm 2011).
Nguồn cung những mặt hàng “độc” đó đến từ đâu? Chủ nhân của những món đồ thời trang khi cần tiền thường tìm đến các nhà đấu giá hoặc chính những người giàu có đang sưu tầm hàng “độc” sẽ chủ động tìm đến họ. Có khá nhiều người giàu thích sưu tập túi xách và họ cũng sẵn sàng bán đi những chiếc đã không còn hấp dẫn với họ nữa để mua những chiếc “độc” hơn.
Các nhà đấu giá tìm thấy những lợi thế từ việc đấu giá thời trang. Matt Rubinger, một chuyên gia của Christie’s cho biết: “Bạn không thể nhấc máy lên và gọi cho một khách hàng mà mình đã không liên lạc trong nhiều năm để bán một bức tranh với giá 30 triệu USD, nhưng túi xách lại là chuyện khác”. Nhiều người phụ nữ có thể bỏ ra cả trăm ngàn USD cho một chiếc túi xách thì những đồ trang sức khác chỉ là… chuyện nhỏ! Đến với buổi đấu giá, họ thường đi cùng ông chồng sẵn sàng chiều theo ý thích của vợ mình và các nhà đấu giá sẽ có cơ hội bán thêm các tác phẩm nghệ thuật, đồng hồ và cả rượu cho họ.
Không chỉ dừng lại ở những món đồ phụ kiện thời trang xa xỉ như túi xách, đồ trang sức và đồng hồ, vào tháng 7 tới, nhà đấu giá Sotheby sẽ tổ chức phiên đấu giá đồ Haute Couture đầu tiên, quy tụ 150 “tác phẩm” thời trang. Có vẻ như tới thời điểm này, thời trang không còn là thứ phù phiếm nữa, mà đã trở thành một kênh đầu tư có lợi nhuận không hề nhỏ.