“Tưởng niệm” là một dự án triển lãm nghệ thuật sắp đặt đầu tiên ở Việt Nam do họa sĩ Doãn Hoàng Kiên thực hiện nhằm tưởng nhớ những người dân đã mất vì COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã diễn ra kéo dài trong hai năm và gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn đối với nhân loại, không những làm lay chuyển kinh tế xã hội mà còn đảo lộn cuộc sống cá nhân của rất nhiều người. Nhưng không mất mát nào lớn hơn khi nó đã cướp đi hơn 5 triệu sinh mạng người dân vô tội trên toàn cầu, trong đó có hơn 26.000 nghìn người dân Việt Nam. Như để làm vơi đi bi thương tột cùng, họa sĩ Doãn Hoàng Kiên đã công bố một dự án nghệ thuật sắp đặt với tên gọi “Tưởng niệm” vào ngày 4.12.2021, với mục đích đúng như tên gọi, nhằm tưởng nhớ đồng bào đã ra đi bởi đại dịch COVID-19.
Nghệ thuật ‘đương đầu’ với COVID-19
Trong những thời khắc đen tối của lịch sử, giờ phút mặc niệm những số phận hay khoảnh khắc trầm tư mặc tưởng của con người cá nhân, có lẽ không thứ ngôn ngữ nào lớn hơn ngôn ngữ của sự im lặng. Còn để chuyển tải đi thông điệp nhân văn đến từ lương tri, không một thứ ngôn ngữ nào vượt qua mọi biên giới và chạm đến tất cả trái tim mọi người hơn ngôn ngữ phổ quát của nghệ thuật. Khi sự im lặng tưởng nhớ gặp gỡ với nghệ thuật, thì lúc này nghệ thuật đã cất lên tiếng nói trước COVID-19.
Khi thế giới vẫn đang chung tay chiến đấu chống lại sự lây lan của dịch bệnh, thì các nghệ sĩ cũng vào cuộc với những hoạt động thiết thực, như tưởng nhớ những người đã ra đi, đồng thời cổ vũ tri ân những người đứng ở hàng tuyến đầu chống dịch. Rằng ngay cả khi thế giới chìm vào một vực xoáy sâu thẳm, khi sinh mệnh con người trở nên lay lắt và bị đe dọa hơn bao giờ hết, từ những bệnh viện là nơi “chiến trường” cam go nhất ở đó các bác sĩ giành lại mạng sống từ tay tử thần, trên những đường phố trống rỗng hiu quạnh cửa nhà đóng kín, hay bất chấp ngay cả những hạt mầm của sự ngờ vực chia rẽ đang âm thầm nảy sinh từ đáy lòng người, vẫn luôn ánh lên ánh sáng của ngọn lửa nhân văn. Nghệ thuật dẫn đạo tất cả hướng đến một mục đích lan tỏa, rằng chúng ta không quên đi đau thương của dịch bệnh, nhưng luôn tích cực đoàn kết để hướng tới một tương lai khởi sáng.
Để đáp lại và xoa dịu tiếng gọi khẩn cầu của nhân sinh đang kiệt sức vì COVID-19, đã có rất nhiều dự án nghệ thuật được các nghệ sĩ trên toàn thế giới thực hiện. Nghệ sĩ người Canada gốc Mexico, Rafael Lozano-Hemmer, vốn là F0 vô tình mang Covid trở về quê nhà sau một chuyến đi New York, đã biến đau thương thành nghệ thuật khi thực hiện tác phẩm sắp đặt Vết nứt trên đồng hồ cát (A Crack in the Hourglass) tại bảo tàng Brooklyn từ năm 2020 tới nay. Bất kỳ ai có người thân qua đời vì COVID-19 trên thế giới có thể gửi ảnh người thân của mình cùng với lời tưởng nhớ, và chân dung của người thân này sẽ được tái hiện lại bằng cát.
Hay nữ nghệ sĩ Suzanne Brennan Firstenberg đã thực hiện một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tại Quảng trường Quốc gia tại thủ đô Washington, Mỹ, với những chiếc cờ nhỏ màu trắng được cắm để tưởng nhớ đễn mỗi người Mỹ đã ra đi vì COVID-19.
“Tưởng niệm” – một tiếng nói độc lập của nghệ thuật
Có thể nói, “Tưởng niệm” là một dự án triển lãm nghệ thuật sắp đặt đầu tiên ở Việt Nam do họa sĩ Doãn Hoàng Kiên thực hiện nhằm tưởng nhớ những người dân đã mất vì COVID-19. Do bởi điều kiện COVID-19 nên triển lãm diễn ra trong một quy mô khép kín và hạn chế số người tham dự, trên một bãi bờ ven dòng sông Cái (tên gọi đoạn sông Hồng tiếp giáp với sông Đuống/sông Con).
Ý tưởng về “Tưởng niệm” xảy đến với Doãn Hoàng Kiên trong những ngày tháng anh lao động miệt mài một mình ở xưởng vẽ kể từ Tết Nguyên tiêu 2021. Bên cạnh việc sáng tác trên giá vẽ, anh bắt đầu thắp những ngọn nến nhỏ sưởi ấm bập bùng trong không gian. Không biết tự bao giờ, những vỏ nến đã qua sử dụng chất chồng ở góc xưởng vẽ đã nhen nhóm khởi lên trong anh một hình dung ám ảnh. Đặc biệt là sau khi chứng kiến những ngày tháng đại dịch COVID-19 tràn qua để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hàng ngàn trẻ em bỗng mồ côi do bị dịch bệnh cướp đi cả cha mẹ và những người thân thiết ruột thịt, rồi một trong những cuộc di cư lớn nhất lịch sử xảy ra trong hoàn cảnh không thể xót xa hơn. Vốn là một nghệ sĩ nhạy cảm, sáng tác nghệ thuật dựa trên những khắc khoải hiện sinh của lương tri, Doãn Hoàng Kiên thấy mình cần phải nói, và, muốn cất tiếng nói.
“Tưởng niệm” là một tổ hợp sắp đặt với 36 modun với hơn một nghìn ngọn nến được gắn ở trên được thắp sáng. Phần khung của modun được sơn hai màu trắng đỏ của barie – một motip nghệ thuật mang thương hiệu Doãn Hoàng Kiên kể từ triển lãm “Giới hạn – Limits” của anh vào năm 2008. Tất cả các modun hoàn toàn được anh thực hiện một mình trong xưởng vẽ, và sau đó được sắp đặt ngoài không gian triển lãm với sự giúp đỡ của bè bạn nghệ sĩ. Một điều kỳ lạ mang chiều kích tâm linh khó lý giải, là khi thử nghiệm trong môi trường lý tưởng là xưởng vẽ kín gió, mỗi ngọn nến chỉ cháy trong vòng 4 tiếng, nhưng khi được sắp đặt trong một không gian bãi sông Hồng lộng gió, có những modun vẫn thắp sáng tới 5-6 tiếng đồng hồ.
Họa sĩ Doãn Hoàng Kiên chia sẻ: “Một tác phẩm nghệ thuật đương đại sống, thành công là nhờ có sự đóng góp, chia sẻ và tương tác của tất cả mọi người.” Theo đúng ý nghĩa của một tác phẩm sắp đặt, tất cả những người tham dự triển lãm đều bắt tay tham gia thắp lên những ngọn nến, để cùng thực hành, cùng đống sáng tạo nghệ thuật, cùng chia sẻ, cùng cầu nguyện và cùng tưởng niệm.
Mỗi người tham dự cũng là một bộ phận của chỉnh thể tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, tham gia vào quá trình phát triển ý nghĩa, mà nếu thiếu họ, tác phẩm sắp đặt sẽ chỉ là một khối vật liệu trơ lì trong trạng thái tĩnh.
Vẻ đẹp của nghệ thuật sắp đặt, suy cho cùng, nằm ở chính quá trình nó từ xưởng vẽ bước ra, tồn tại và diễn ra trong không gian trưng bày, thay vì sản phẩm cuối cùng nó mang lại. Giá trị nghệ thuật lớn nhất của “Tưởng niệm,” ngoài ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó, còn ở sự đồng cảm và tham gia lan tỏa của tất cả mọi người, về lòng nhân ái và những niềm lạc quan hy vọng mà nó mang lại cho tất cả chúng ta.
Họa sĩ Doãn Hoàng Kiên sinh năm 1970 tại Hà Nội.
Tốt nghiệp trường nghệ thuật Xiếc Việt Nam khóa 7 (1983 – 1988), sau đó theo học trường Nghệ thuật Xiếc Moscow, LB Nga. Tốt nghiệp Khoa Hội họa K44 (2000-2005) và Thạc sĩ nghệ thuật – Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Đoạt Giải đặc biệt Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ 16 (Mondial Cirque de Main) tại Paris, Pháp năm 1993. Là một trong 5 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu “Tài năng sân khấu trẻ 1991” và Huy chương vàng “Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc 1991”.
Triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Giới hạn” (Limits – 2008) do quỹ CDEF Đan Mạch tài trợ. Tham gia nhiều triển lãm hội họa, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật Graphics, thiết kế Maquette cho các hoạt động nghệ thuật trong và ngoài nước.