Ông Phí Tường Trúc là một người thầy về khí công tiếng tăm tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện có trên dưới 1.000 doanh nhân trên cả nước tìm đến ngôi nhà nhỏ của ông trên đường Ba Vân, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Buổi trò chuyện cùng vị võ sư này trong một buổi chiều thảnh thơi cho mọi người những thông tin hữu ích về cách giữ gìn sức khỏe. Ông cho biết:
Một triết gia phương Đông từng nói: “Khi còn có sức khỏe ta có ngàn ước mơ, khi không còn sức khỏe ta chỉ có một ước mơ là sức khỏe”. Sức khỏe là vốn quý của con người nhưng chúng ta lại sử dụng một cách phung phí mỗi ngày. Chỉ đến khi mắc bệnh hoặc cơ thể suy yếu thì chúng ta mới nhận ra giá trị của sức khỏe. Hầu hết những người tìm đến tôi để học khí công đều vì mục đích tìm lại sức khỏe đã mất đi.
Khí công giúp tìm lại sức khỏe thế nào, thưa ông?
Khí công là khoa học đi tìm năng lượng sự sống cho cơ thể, là các phương pháp tập để tăng khí cho cơ thể bằng cách giảm năng lượng tiêu hao lúc lao động, vận động và tăng khí trong cơ thể, cũng là cách vận động gân cơ xương, lục phủ ngũ tạng nhằm liên thông đường đi cho khí trong cơ thể. Khí công là tập cho thông khí huyết trong kinh lạc, việc tập động khí công và tĩnh khí công tập trung giúp khai thông kinh mạch, máu huyết lưu thông nên chúng ta khỏe mạnh hơn.
Muốn giảm được bệnh cần giảm sự tiêu hao năng lượng và cần phải tích trữ một năng lượng tự nhiên trong cơ thể tại đan điền (huyệt nằm trên đường chính trung, dưới rốn 1,5 thốn – khoảng 3cm) khi cần có mang ra mà dùng. Chúng ta sẽ tích lũy năng lượng qua các bài tập động khí công ít dùng cơ bắp, chỉ thư giãn và thở điều hòa. Tập khí công, luôn giảm tiêu hao năng lượng nên chúng ta không cần ăn uống nhiều như trước mà vẫn có năng lượng dư thừa, nhờ đó mà hệ thống tạng phủ được thư giãn, nghỉ ngơi, từ đó giảm stress cho não bộ. Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai muốn học cũng được, người có trình độ tương đối học mới có kết quả, nhất là khi muốn chữa bệnh.
Khí công có khả năng chữa những bệnh gì?
Hầu hết bệnh tật của con người khí công đều có thể chữa lành.Khí công tăng khí hay năng lượng sự sống sẽ giúp tạo ra những tế bào mới, thay thế tế bào cũ đã hư hại. Thực tế, những người tìm đến với tôi đã chữa khỏi nhiều bệnh như: đau dạ dày, huyết áp, tiểu đường, máu không đông, suy thận, ung thư… Chủ nhiệm của Câu lạc bộ Khí công Gia Định TP. Hồ Chí Minh trước kia cũng từng là một bệnh nhân mắc nhiều bệnh cùng lúc là tiểu đường, cao huyết áp, mất ngủ. Nhờ bài tập khí công tôi hướng dẫn mà nay ông ấy đã lành bệnh và hình thành nhóm khí công Gia Định.Tôi cũng nhờ luyện tập khí công mà chữa lành bệnh suy thận và suy nhược cơ thể.
Thật ra ai trong chúng ta cũng có bệnh cả. Có những thói quen hằng ngày tưởng chừng như vô hại lại sinh ra bệnh, chẳng hạn như chạy xe máy. Chiếc xe thường được thiết kế theo một tiêu chuẩn nhất định trong khi người điều khiển có cơ thể cao, thấp khác nhau. Người điều khiển xe máy lại thường khom lưng, gục đầu, ép ngực nên rất dễ bị cong cổ, cong cột sống, gù lưng, đau mỏi lưng, xệ thắt lưng. Nếu chạy xe quá hai giờ thì máu kém lưu thông, thoái hóa cột sống, thoái hóa hệ thần kinh khu vực cột sống, từ đó gây bệnh cho tạng phủ.
Doanh nhân, dân văn phòng thường có thói quen cúi đầu nhìn màn hình máy tính, điện thoại nên hay bị cong cổ, thoái hóa đốt sống cổ, thiếu máu não… Đó là chưa kể thói quen lao động đầu óc thường xuyên, ăn uống và sinh hoạt xáo trộn giờ giấc và sống trong môi trường ô nhiễm. Doanh nhân lại thường có bệnh do uống nhiều bia rượu. Nhiều doanh nhân nói mình bị mất ngủ triền miên. Nếu không “xóa bớt” thông tin trong bộ nhớ để thư giãn não, lúc nào cũng lo lắng bất an thì không có bài tập nào giúp ngủ ngon được. Chúng ta phải quan tâm chăm sóc sức khỏe của mình trước khi bệnh tật xảy đến.
Ông có lời khuyên nào về cách chăm sóc sức khỏe hằng ngày dành cho mọi người?
Chúng ta cần học lại cách đi, đứng, nằm, ngồi, cầm, vác vật nặng… để tiết kiệm năng lượng. Cơ thể chúng ta cần tám giờ làm việc, tám giờ nghỉ ngơi và tám giờ ngủ, hãy tập luyện động công theo ba chu kỳ này, đảm bảo giai đoạn nghỉ ngơi và ngủ để thu hồi năng lượng. Trong cơ thể, cứ một kinh và tạng cần hai giờ phục hồi khí.Từ 22 giờ trở đi là giờ của kinh mật và hai giờ sau đó là gan. Đây cũng là lúc hệ thống gan mật thu khí và thực hiện chức năng bài tiết các chất độc hại, đồng thời đó cũng là khoảng thời gian hồi phục của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đối với gan, khoảng thời gian từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là lúc gan hoạt động mạnh nhất để bài tiết các chất độc hại, vì thế trong khoảng thời gian này càng ngủ sâu thì càng có tác dụng giúp gan hoàn thành việc loại trừ các độc tố trong cơ thể.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tập khí công để giúp khí huyết lưu thông, nhất là lưu thông hệ thống kinh lạc trong mười hai kinh và điều hòa tám kỳ kinh chứa khí để giữ quân bình cho khí cơ thể, nhờ đó mà tránh xa bệnh tật, mang lại sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Các hệ thống kinh mạch quan trọng như thế nào, xin ông giải thích rõ hơn?
Hoa Đà tìm ra khí đi vào các đầu ngón tay, ngón chân. Đạt Ma Sư Tổ tìm ra cách tập động công cho vận hành khí mười hai kinh mạch trong cơ thể để tăng sức khỏe cho tạng phủ và tẩy tủy kinh (làm sạch cột sống), giúp thông máu huyết trong cột sống và thông nhâm đốc mạch (hai mạch lớn nhất trong cơ thể). Thái cực khí công giúp vận hành khí toàn thân lưu thông khí huyết mười hai kinh chủ đạo, từ đó sức khỏe tốt hơn.
Khí công là luyện tập thông khí hay năng lượng và tích lũy chúng để dành để kháng bệnh và tái tạo tế bào bị hư hỏng.Vậy khí công là phương pháp bảo trì, bảo dưỡng hệ thống năng lượng trong cơ thể người nên chữa được bệnh và kéo dài tuổi thọ.Tất cả là thông qua hệ thống kinh lạc và kỳ kinh mà có các giờ tập động khí công và tĩnh khí công phù hợp.
Thể thao cũng là cách rèn luyện sức khỏe mà nhiều người đang theo đuổi. Ông có khuyên mọi người nên luyện tập thể thao?
Thể thao là cách rèn luyện cơ bắp xuất năng lượng cơ thể ra ngoài, còn khí công lại có khuynh hướng thu hút năng lượng vào bên trong giúp lục phủ ngũ tạng khỏe, máu huyết lưu thông điều hòa. Người tập thể thao muốn cho khỏe thật sự phải học qua lớp khí công trước để biết cách làm sao giữ lại năng lượng, không xuất ra hết bên ngoài.Thể thao cũng không thể giúp chữa lành bệnh. Từ lúc trẻ, tôi đã thường đặt câu hỏi: “Khi bị bệnh, tập gì cho khỏe”. Tôi đã học qua tất cả các lớp yoga, thiền, nhân điện, cảm xạ học… nhưng chưa có bộ môn nào giải đáp được câu hỏi này.Chỉ đến khi học khí công, nghiên cứu về nó nhiều năm tôi mới có câu trả lời.
Khí công thật sự hữu ích cho sức khỏe, cần được nhân rộng nên tôi mới theo nghề này. Làm thầy dạy khí công nếu không có cái tâm thì không làm được.Tôi vốn là một kỹ sư bách khoa công nghệ và thông tin, lại có biết được chút ít ngoại ngữ (Anh, Trung, Nga, Đức, Pháp) nên có thể tìm đọc, tập hợp kiến thức khí công từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi cũng không ngừng bổ sung các kiến thức mới để phương pháp học rút ngắn thời gian mà vẫn có hiệu quả. Tuy nhiên, người học cũng phải chọn lọc, không phải ai học cũng được.Người trình độ kém hoặc không tin tưởng, không học chuyên tâm thì khó lòng học đến nơi đến chốn.
Cảm ơn ông về những thông tin trên.
- Thanh Nhã