Đặt chân xuống sân bay Fuerteventura, chúng tôi tưởng mình đang ở châu Phi chứ không phải một quần đảo của Tây Ban Nha. Đảo thưa thớt nhà cửa và rất ít cây xanh. Cái tên Canary Islands (quần đảo Hoàng Yến) xem ra quá mỹ miều với cảnh quan ở đây. Trên quãng đường mười cây số từ sân bay đến khách sạn không có một bóng cây, ngoại trừ mấy bụi nhỏ mọc chen giữa đá sỏi. Mà thực tế này thật ra cũng hợp lý, Canary cách châu Phi chỉ có 100 cây số. Quần đảo này xưa kia là một phần của lục địa đen, sau vì núi lửa phun trào mà bị tách rời rồi trôi ra biển.
Fuerteventura lộng lẫy mà hoang sơ
Canary nổi tiếng vì có nhiều bãi biển đẹp mê hồn và cũng vì nhiều nơi trên quần đảo có bề mặt khá giống với sao Hỏa. Nhiều nhà nghiên cứu về Hỏa tinh đã tới đây nghiên cứu địa chất học và nghiên cứu việc dùng máy đổ bộ, di chuyển trên sao Hỏa. Các nhà làm phim cũng đến đây quay ngoại cảnh cho những phim giả tưởng khám phá vũ trụ, Hỏa tinh… Đảo thu hút nhiều du khách nhất ở Canary là Lanzarote và Fuerteventura. Lanzarote có địa hình đa dạng, hấp dẫn nhất và giống sao Hỏa nhất, còn Fuerteventura thì sở hữu nhiều bãi biển tuyệt vời nên được coi là hòn đảo nghỉ dưỡng với khu resort Caleta de Fuste sang trọng. Khoảng năm 1340, các đảo này được khám phá bởi những tay buôn nô lệ đến từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Giữa thế kỷ XIX, cả quần đảo trở thành khu tự do thương mại thuộc Tây Ban Nha. Ngày nay, Canary sống nhờ du lịch. Dù chỉ có hơn 2 triệu dân nhưng hằng năm quần đảo đón 6 triệu khách đến đây tắm biển, tận hưởng khí hậu ấm áp. Chúng tôi không mê tắm biển nên không quan tâm các resort lộng lẫy làm gì, cả nhóm chỉ háo hức với địa hình sao Hỏa.
Fuerteventura có diện tích gần 1.700 cây số vuông. Trung tâm đảo là thị trấn Puerto del Rosario nhà cửa hầu hết được sơn màu trắng rất xinh. Đường cao tốc duy nhất trên đảo nối Puerto del Rosario với Caleta de Fuste đi qua vùng nông thôn khô cằn nhưng khung cảnh rất ấn tượng. Ngồi trên xe bus, du khách thích thú nhìn những ngôi nhà nhỏ trắng xóa nổi bật dưới chân dãy núi đen hình kim tự tháp huyền bí. Đặc sản của quần đảo này có lẽ là núi lửa, dọc bờ biển đầy những tảng đá màu đen với những vành đai chắn sóng cũng làm bằng đá đen.
Fuerteventura có dịch vụ cho thuê xe hơi và xe đạp rất tốt nhưng chúng tôi chọn mua tour đi chơi đảo trong một ngày để biết được nhiều nơi. Cái đẹp của đảo này nằm ở trên đường đi. Xe đi qua những đoạn một bên là cát trắng biển trong nên thơ, một bên là núi lửa đen thẫm nhìn đầy đe dọa. Giữa biển và núi là các thị trấn nhỏ hoặc khu nghỉ mát trồng nhiều cọ xanh ngắt. Trong tour vui nhất mà cũng cực nhất là màn cưỡi lạc đà đi lên núi. Lạc đà có mùi không dễ chịu chút nào và còn hay lắc lư nhưng nhiều người vẫn thích thú. Khác với lạc đà ở Morroco hay Ai Cập, lạc đà ở đây được gắn hai ghế hai bên lưng nên du khách ngồi cảm thấy cân bằng thoải mái hơn. Chỉ có điều là các con thú này được nối với nhau bằng dây xích và đi hàng một, tôi sợ một con lồng lên là cả bầy cùng nháo nhác. May sao theo lời hướng dẫn viên thì chuyện đó chưa từng xảy ra. Mọi người yên tâm ngồi trên lưng lạc đà thong thả ngắm vịnh Lajita nước xanh như ngọc lam.
Sau khi cưỡi lạc đà, chúng tôi lên xe tiến vào vùng núi lửa. Hai bên đường đầy những lòng chảo nham thạch chảy thành rãnh. Đường lên đèo khá ngoạn mục, dù có phần mạo hiểm nhưng đèo nhiều cảnh đẹp nên nhiều chỗ du khách vẫn được xuống ngắm và chụp hình. Xe cũng ghé vào vài ngôi làng địa phương cho khách mua đặc sản trên đảo, đó là một số loại xốt cay khá ngon và phô mai làm thủ công, ngoài ra còn có cả rượu rum làm từ mật ong có vị ngọt rất dễ chịu. Đoàn còn được đưa vào một xưởng bào chế mỹ phẩm từ thực vật trên đảo. Tưởng gì, thì ra đây là nơi sản xuất kem dưỡng da, mặt nạ đắp mặt từ cây nha đam. Du khách châu Âu tỏ vẻ thích màn lấy lõi nha đam trong suốt ra làm vật liệu sản xuất mỹ phẩm, còn chúng tôi ra ngoài đi dạo. Ngôi làng nhỏ xíu, cây cối thưa thớt, nhìn đâu cũng thấy đá sỏi nâu đen nhưng có không khí hết sức yên tĩnh, trong lành.
Khung cảnh kỳ lạ trên đảo Lanzarote
Hôm sau cả nhóm đi tàu sớm sang đảo Lanzarote. Tàu lớn, tiện nghi và đi chỉ 30 phút là tới. Nhưng đến khi đi một chút mới thấy 30 phút cũng quá dài vì sóng mạnh làm nhiều người thấy chóng mặt. Vừa đặt chân lên Lanzarote đã thấy tàn tích núi lửa hiện diện khắp nơi. Đảo có hàng trăm miệng núi lửa còn nguyên vẹn ở một vùng gọi là Mountains of Fire. Lanzarote có diện tích bằng nửa Fuerteventura, đường bờ biển dài hơn 200 cây số chỉ toàn đá đen và đỏ với những hình thù kỳ quái. Gây ấn tượng nhất phải kể đến vịnh El Golfo với bãi cát đen tuyền và những vách đá đỏ thẫm bị cắt xẻ dữ dội. Đây là dấu tích từ nham thạch núi lửa phun trào từ 30 triệu năm trước và gần đây là những đợt phun năm 1730, 1736.
Đợt núi lửa phun khủng khiếp vào những năm 1730 và 1736 đã tạo nên một vùng có khung cảnh nhìn rờn rợn như sao Hỏa, ngày nay mang tên công viên Quốc gia Timanfaya với biểu tượng quỷ sứ ngay cổng vào. Đảo lấy biểu tượng quỷ sứ bởi vì dân địa phương cho rằng núi phun lửa khủng khiếp nhưở hỏa ngục và do quỷ sứ tạo ra. Hiện giờ lửa ở đây vẫn còn âm ỉ ngay dưới mặt đất. Chúng tôi thử nhét cỏ khô xuống một khe đất, hai phút sau cỏ bốc cháy rừng rực. Hướng dẫn viên đổ nước lạnh xuống một cái ống rồi chôn sâu xuống đất chừng 7-8 mét, chỉ 2 giây sau, nước đun sôi thành hơi phun thẳng lên cao như giếng nước nóng phun. Có nhóm du khách nhiều kinh nghiệm còn đào hố rồi thả túi thịt bò xuống để nướng thức ăn bằng địa nhiệt. Thấy vậy, chúng tôi tiếc mình không luộc trứng ở hang Hervideros. Hervideros tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Nước Sôi, nước biển ở đây tràn vào hang núi lửa nên lúc nào cũng nóng đến mức có thể luộc chín bất cứ cái gì rơi xuống.
Trên đảo Lanzarote có những chỗ cả ngàn năm không có một giọt mưa. Nham thạch phun ra hàng thế kỷ vẫn còn giữ nguyên trạng không biến đổi, đi dạo ở đây có cảm tưởng như đi trên mặt trăng, khung cảnh không có chút sự sống. Đến vùng có mưa chút đỉnh mới bắt đầu thấy lún phún loài địa y chuyên mọc trên mặt đá núi lửa. Những vùng nhiều mưa hơn có phong cảnh cũng rất đặc sắc. Chen giữa đất đá đen sì là xương rồng, các loài cọ bản địa, thông bản địa, dương xỉ và cây olive dại trông khá lạ mắt. Đất ở đây có thể trồng trọt được rau quả, cây ăn trái với phương thức canh tác đặc biệt: người ta trải một lớp đất bụi núi lửa (một thứ sạn li ti rỗng ruột nên giữ được nước và sương đêm) lên đồng ruộng rồi xây tường bao quanh chắn gió. Đặc sắc nhất là cánh đồng trồng nho làm rượu. Nho được trồng trong các hố rộng 4-5 mét và sâu 2-3 mét. Trong hố cũng trải bụi núi lửa để hút nước, giữ nước cho cây. Chung quanh hố có tường bao quanh cản gió. Dây nho bò lan trên mặt đất chứ không leo trên giàn. Nho ở đây ít nước nên ngọt đậm và làm ra một thứ rượu đặc sản tuyệt ngon của vùng đất núi lửa. Dĩ nhiên giá loại rượu tinh túy này không rẻ. Còn đồn điền trồng nho La Gería được UNESCO thừa nhận là di sản thế giới.
Chương trình của chúng tôi còn đi thăm pháo đài Castillo de San Jose, thủ phủ Arrecife và ruộng muối ở phía tây của đảo. Nhưng theo ý mọi người thì chỉ với công viên Quỷ Sứ và ruộng nho như trên đất mặt trăng, Lanzarote đã là một điểm đến đáng đồng tiền bát gạo.