Nơi được gọi là “Tam giác Quỷ Bermuda” của nước Nga
Trong suốt nhiều năm dài, 14 hang động nằm ở vùng ngoại ô thành phố St. Petersburg của nước Nga thu hút sự hiếu kỳ của du khách đam mê mạo hiểm đến từ khắp nơi trên thế giới. Chúng cũng là nơi trú ẩn lý tưởng của các băng nhóm tội phạm, những người săn kho báu ngầm. Mạng lưới hang động kỳ bí này được đồn là khu vực đáng khiếp sợ vì những ai đi vào là không bao giờ được thấy quay trở ra! Nhà ga Sablino cách thành phố St. Petersburg khoảng 40km, nằm dọc một khu dân cư khiêm tốn bên bờ sông Tosno.
Ngày nay, khu dân cư Sablino mang đậm màu sắc lịch sử mang tên mới là Ulyanovka. Sablino nổi tiếng với mạng lưới 14 hang động rối rắm như mê cung ngầm trải dài hàng chục km ven bờ sông. Người dân địa phương thường mô tả mê cung hang động là “máy xay thịt”, “máy chém”, “vỉ đập ruồi” hay “xe điện”. Người ta gọi là “xe điện” xuất phát từ cảm giác bước xuống mê cung này giống như mắc kẹt giữa một toa xe điện ngầm vào giờ cao điểm. Vào thế kỷ 18, những mỏ khai thác cát thạch anh hoạt động một cách sôi động trên bờ sông Tosno.
Những xà lan chở cát về St. Petersburg, phục vụ cho xưởng chế tác thủy tinh Imperial Glassworks. Người ta tin rằng mạng lưới hang hình thành do hệ quả tất yếu của quá trình khai thác cát. Năm 1922, hàng km mỏ cát ven sông bị bỏ hoang sau khi cơn sốt xây dựng tại St. Petersburg không còn nữa và nguồn cát trên sông Tosno được khai thác đến cạn kiệt. Trải qua nhiều thập niên, nước ngầm xói mòn đất cát, dẫn đến cấu trúc địa hình bị biến đổi.
Một cư dân từng sống tại Ulyanovka cho biết: “Gia đình tôi đều có những ký ức gắn liền với nơi này. Bà ngoại thường kể về chuyện cả nhà phải trốn trong hang suốt những ngày đầu người Đức chiếm đóng”. Sau chiến tranh, hệ thống hang Sablino trở thành nơi trú ẩn của những người bất mãn với cuộc sống, các băng nhóm xã hội đen, côn đồ và những người thích thú với cuộc sống dưới lòng đất.
Theo lời của một người sống trong hang, khoảng 300 người sống hẳn dưới những đường hầm này trong giai đoạn năm 1982-1984. Alexei Gurevich, thành viên một trong những hội nhóm sống trong hang có tên gọi là Pilgrims (Những người hành hương), mô tả: “Thật ngoài sức tưởng tượng! Có đến hàng chục người sống trong những căn hầm.
- Xem thêm: Nơi khai sinh ngành thám hiểm hang động
Lỗ hổng lớn nhất trong hang có thể đủ chỗ chứa cả Điện Kremlin được chúng tôi gọi là ‘nhà xác’ bởi vì người ta thường vứt bỏ xác chó xuống như để cố đuổi chúng tôi khỏi hang. Tuy nhiên, đó chưa phải điều tồi tệ nhất. Thỉnh thoảng có người bỗng nhiên biến mất không dấu vết. Thoạt đầu, người ta đồn đoán rằng cảnh sát hoặc một ai đó liên quan đến những vụ mất tích bí ẩn.
Khi thủ lĩnh của một hội nhóm biến mất, tin đồn bắt đầu lan truyền khắp hang về một thế lực hắc ám nào đó. Nó là thứ gì, tôi không biết”. Chính vì sự biến mất bí ẩn này mà mạng lưới mê cung hang động Sablino được coi như Tam giác Quỷ Bermuda của nước Nga.
Ngày nay, những du khách bạo gan hoàn toàn có thể tham quan Sablino theo tour du lịch để trải nghiệm cảm giác phiêu lưu dưới mê cung vào các dịp đạc biệt như đêm giao thừa, lễ Halloween hay thứ 6 ngày 13. Những cái hang nằm dưới bờ bên trái sông Tosno an toàn hơn, với vé vào cửa giá 550 rúp (khoảng 8,7 USD).
Tuy nhiên, hệ thống hang dưới bờ sông bên phải thường xuyên bị sạt lở cho nên không có tour du lịch nào đưa khách tới đây nhằm bảo đảm an toàn. Mặc dù hết sức nguy hiểm, bờ bên phải lại thu hút du khách hơn. Oksana Chudnova, một người từng thăm mê cung Sablino vào năm 2007, tiết lộ: “Trong hang Ngọc trai, bạn có thể dễ dàng đi lạc. Điều bất tiện nhất chính là cảm giác chật hẹp đến mức khó chịu do những căn hầm hẹp bằng vai người mà độ cao không quá 50cm. Nhưng chúng cũng dẫn tới nhiều nơi thú vị”.
Các nhà khảo cổ học nghiên cứu hang động thường mô tả Sablino với những cụm từ như “cát lún” dưới lòng đất và “đầm lầy cát”. Do đó, lời giải thích cho những vụ mất tích là nạn nhân bị hút vào những hố cát ướt dính cho dù không mấy thuyết phục. Theo một số lời đồn đại, hệ thống đường hầm Sablino dài hơn nhiều so với nhiều người vẫn nghĩ – có thể trải dài đến St. Petersburg hoặc thậm chí đến hồ Ladoga (hơn 70km).
Những lối đi có quy mô rộng lớn như vậy có thể từng được dùng cho mục đích quân sự. Song một số người mê mẩn Sablino tin rằng mê cung có thể chứa lỗ hổng thời gian. Oksana kể: “Một chuyện kỳ lạ từng xảy ra. Có lần tôi đang nói chuyện với người phụ trách bảo tàng địa phương, và khi chuẩn bị nói lời tạm biệt thì cô ấy nhìn chằm chằm vào tôi và nói: “Vài năm trước, một người mặc y như bạn đã đến và hỏi chính xác những câu đó”.
Phía trên mạng lưới hang động Sablino có một đài tưởng niệm cho các nhà địa chất, địa lý và các nhà khảo cổ học đã tử nạn. Bên trong một hang người ta còn xây dựng một nhà nguyện có sức chứa tới 60 người. Đây là nhà nguyện dưới lòng đất duy nhất ở Nga, theo tờ Russia Beyond. Trong khi đó, những người sống trong mê cung hang động Sablino có một ngôi mộ riêng dưới thế giới ngầm, nơi khách viếng thăm thường để lại vài thứ thuộc về người quá cố, hoặc vật gì đó để tiễn biệt họ sang thế giới bên kia.
- Xem thêm: Krasnoyarsk, phố thị giữa vùng Siberia
Khám phá hang động bí ẩn ở Uzbekistan
Cách đây gần 50 năm, Mustafaqul Zokirov rời khỏi ngôi làng khô hạn trên núi ở góc hẻo lánh của Uzbekistan để đi tìm nguồn nước. Kể từ đó, anh đã không bao giờ trở lại. Nhưng sự biến mất của Zokirov đã dẫn đến một phát hiện bất ngờ thu hút mạnh nhiều nhà thám hiểm đổ xô đến quốc gia Trung Á nổi tiếng với những thảo nguyên và thành phố cổ nằm trên Con đường Tơ lụa. Đó là Boybuloq – hang động sâu nhất châu Á với độ sâu đến 1.415m.
Những ngọn núi ở Uzbekistan luôn chứa đựng nhiều bí ẩn chưa được con người khám phá hết. Đó là sự thật đối với dãy núi Hisar miền nam Uzbekistan, nơi tìm thấy hang động Boybuloq và hành trình đến nơi đó không là nhiệm vụ dành cho người… nhát gan! Trước tiên, du khách phải vượt qua khoảng cách dài 7 giờ đường ô tô để đến ngôi làng Dehibolo (nghĩa là “ngôi làng cao nhất”).
Khi những ngọn núi biến mất sau những đám mây, con đường đèo dốc đứng cực kỳ nguy hiểm luôn đe dọa mạng sống của tài xế nếu phạm phải bất cứ lỗi nhỏ nhất nào. Thế nhưng tài xế trẻ tuổi trấn an du khách muốn mạo hiểm hang động Boybuloq: “Tôi thậm chí lái xe trong mùa đông và giữa đêm khua. Tôi biết rõ từng tảng đá và mỗi cung đường nguy hiểm. Thế nên mọi người cứ bình tâm mà thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên”.
Cuối cùng, mọi người cũng đến được ngôi làng Dehibolo nằm ở độ cao hơn 3.000m. Hành trình kết thúc và mọi người ngỡ ngàng trước cảnh tượng một ốc đảo nhỏ bé xanh rờn tựa như nơi tận cùng thế giới. Vào mùa tuyết rơi từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 4 hàng năm, ngôi làng bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Người dân phải tự sản xuất mọi thứ – ngoại trừ quần áo, thuốc men và bột mì.
Dân làng luôn tích trữ mật ong, nuôi cừu, trồng cây ăn trái và rau xanh. Vào mỗi mùa hè, dân làng cùng nhau thu lượm củi hay than đá ở những ngọn núi xung quanh để sưởi ấm qua mùa đông. Cụ già Norkhol-momo đã 70 tuổi cho biết: “Cuộc sống nơi đây thật khắc khổ. Mọi thứ ở đây được xây dựng trong vách đá”. Dân làng sống chỉ nhờ vào nguồn nước mưa và bất cứ tình trạng khô hạn nào cũng là mối đe dọa chết người cho cộng đồng.
Năm 1971, một đợt hạn hán khủng khiếp tấn công ngôi làng Dehibolo. Do đó, Mustafaqul Zokirov – thợ mộc địa phương và cha của 8 đứa con – quyết định lên đường tìm kiếm nguồn nước. Zokirov biết rõ nước đến từ hang động trên ngọn núi cao nằm cách làng Dehibolo chừng 4 giờ đường đi bộ. Cùng với đứa con trai, chút nước uống mang theo và vài con khỉ; Zokirov lặn lội đến hang động Boybuloq tìm nguồn nước.
Lúc đó, Zokirov không nhận rõ việc bản thân đang dấn bước vào hành trình cuối cùng đời mình cũng như không hề biết chuyến mạo hiểm sẽ dẫn đến một trong những khám phá địa lý vĩ đại nhất thế giới. Shahobiddin, người cháu trai của Zokirov, kể: “Ông cụ Zokirov một mình tiến vào hang động rồi sau đó không bao giờ trở lại nữa. Bên ngoài hang, người con trai đi cùng đã chờ ngóng suốt đêm trong lo lắng và đến sáng hôm sau liền báo tin xấu về cho dân làng”.
Mọi người đổ xô tìm kiếm khắp hang động như không dấu vết nào được phát hiện trong suốt 14 năm sau đó. Năm 1985, một nhóm nhà thám hiểm người Nga tìm đến ngôi làng Dehibolo để tìm kiếm Mustafaqul Zokirov. Hai năm sau, họ tìm thấy hài cốt của Zokirov cùng với chiếc đèn bên cạnh trong một góc hang động Boybuloq. Cuộc tìm kiếm cũng giúp họ nhận thức được Boybuloq là một trong những hang động sâu nhất châu Á.
Gần 50 năm trôi qua, giờ đây nhóm du khách tìm đến hang động để trải nghiệm. Mặc dù nhiệt độ 30 độ ở ngay lối vào hang, du khách cũng cảm nhận được luồng gió lạnh thổi từ trong ra. Năm 2018, cuộc thám hiểm quốc tế phối hợp Nga – Pháp – Thụy sĩ tiếp tục diễn ra nơi hang động Boybuloq. Vadim Loginov, người dẫn đầu đoàn thám hiểm, nói: “Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tìm kiếm con đường hầm kết nối 2 hang sâu nhất nằm trong dãy núi Chulbayir. Đó là Boybuloq và Vishnevsky. Nhưng đó là nhiệm vụ không hề dễ dàng”.
Vadim Loginov cũng cho biết đoàn thám hiểm đã phát hiện được những con sông và hồ mới bên trong hang động. Arnauld Mallard, nhà thám hiểm người Thụy Sĩ, bình luận: “Người ta không thể tìm thấy một hang sâu đến như thế ở độ cao đến 3.000m ở bất cứ nơi đâu trên thế giới”. Hiện nay, đoàn thám hiểm đã tiến vào hang Vishnevsky sâu khoảng 735m và có kế hoạch sẽ quay trở lại Boybuloq vào năm 2019 để tìm kiếm thêm những đường hầm mới. Đối với dân làng Dehibolo, các nhà thám hiểm đã mang đến cho họ sự kết nối hoàn toàn khác – đó là con đường mở ra với phần còn lại của thế giới.