Thời gian gần đây, Vườn quốc gia KonKaKinh đang dần trở thành điểm đến không thể thiếu trong lộ trình của du khách đến với tỉnh Gia Lai. Có khí hậu mát mẻ quanh năm, lại thêm phong cảnh rừng núi xinh đẹp đa dạng trải rộng theo vành đai cao từ 700 – 1.748m, KonKaKinh sẽ tặng cho những ai muốn thám hiểm đại ngàn Tây Nguyên một chuyến đi không thể quên.
Sáng sớm thức giấc ở Trung tâm giáo dục môi trường rừng của vườn quốc gia, tầm nhìn từ ban công của chúng tôi là cả khoảng rừng bao la mây mù giăng phủ, phía xa nắng nhẹ, phía gần mưa xiên. Trụ sở của vườn cách đây 500 mét có phòng trưng bày mẫu động thực vật với Sa bàn tổng thể về KonKaKinh. Phòng trưng bày khá hấp dẫn với nhiều mẫu thú rừng quý hiếm được trưng bày sống động.
Ăn sáng xong, đoàn bắt đầu hành trình bằng cách vượt qua một con suối lớn nước chảy xiết. Suối rộng khoảng bốn, năm mét. Phương tiện đi qua chỉ duy nhất cái cây gỗ bắc ngang. Cảm giác đi trên một cây cầu gỗ không tay vịn, bên dưới là dòng nước cuồn cuộn thênh thang cứ như là chơi trò cảm giác mạnh. Qua suối, cảnh như trong tranh vẽ: một cái nhà sàn gỗ xinh xinh ở giữa rừng, bên cạnh là dòng suối tóc tiên bàng bạc trải suốt ôm lấy lán, tứ phía cây rừng chằng chịt và ngước mắt lên là cả một khoảng trời xanh mơ mây vờn quyến rũ.
Mục đích chuyến đi này nhằm khảo sát đa dạng sinh học ở một tuyến đường rừng bao gồm việc quan sát, thu thập và ghi nhận các thông tin liên quan đến động thực vật trong rừng. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên và thích thú nhất là sự đa dạng của sinh cảnh rừng. Đi cùng đoàn với hướng dẫn viên có nhiều kiến thức, các thành viên bắt đầu học được cách quan sát từng li từng tí những dấu hiệu về động thực vật nơi đây. Mới đầu nhìn vào ai cũng chỉ thấy bức màn toàn màu xanh của lá của cây. Rồi nhìn kỹ lại một cách có phương pháp và ý thức hơn, bức màn dần được hé lộ và hiện ra bao điều kỳ thú, ngập tràn sắc màu, nào cam hồng đỏ vàng của hoa lá quả rừng, nào muôn hình vạn trạng các em nấm rừng, nào là rắn lục, ô rô, sóc, chồn…
Hôm đó, đoàn còn bắt gặp được một bộ xương khá hoàn chỉnh của một con thú họ linh trưởng, theo phỏng đoán là một con khỉ. Tuy nhiên, chúng tôi phải mất hơn 15 phút mới nhặt nhạnh gần đủ để ghép lại thành một bộ xương hoàn chỉnh vì chúng bị phân tán khắp nơi, cảm giác y như là những nhà khảo cổ thực thụ, thật là những trải nghiệm chưa từng có! Xong việc, đoàn chúng tôi tiếp tục chinh phục những thước rừng tiếp theo để đạt đến đích cuối cùng – cây thông năm lá đặc trưng của rừng hỗn giao lá kim và thường xanh tại KonKaKinh ở độ cao gần 1.400m.
Cây thông năm lá nằm ở tầng vượt tán của rừng, và ở độ cao này, mây mù giăng phủ quanh năm, mưa tháng 9 cứ tơi tả rơi trút hết xuống đầu đoàn thám hiểm. Chúng tôi ướt sũng khi chạm được vào cái cây to lớn đẹp kiêu kỳ nằm chênh vênh bên mép đá, bên cạnh là vực sâu với điệp trùng những cây to nhỏ giăng rợp. Mọi người thực hành bài học cuối cùng ngoài thực địa vào buổi sáng: khảo sát mật độ quần thể và đa dạng sinh học trên tuyến. Dù đã được học thật kỹ lý thuyết trước đó, đa số vẫn không thể mường tượng hết các phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ được tiến hành ra sao.
Khởi đầu là bài học về phương pháp khảo sát mật độ quần thể, hiểu một cách bình dị, đây là phương pháp giúp đếm số lượng thú có trong một khu vực nhất định. Bài thực hành của chúng tôi là giăng dây lập một khoảnh rừng 20m x 20m và bắt đầu đếm số lượng thú (được tượng trưng bằng mấy khúc tre non đã được các anh hướng dẫn chuẩn bị từ trước, quăng ra ngẫu nhiên và lung tung) đồng thời đo khoảng cách từ cá thể nhìn thấy được đến đường dây chuẩn mà chúng tôi đã tạo ra từ trước. Sau khi thu thập số liệu xong, chỉ bằng cách áp dụng một công thức toán học đơn giản, chúng tôi có thể dễ dàng tính toán ra được mật độ quần thể của bất kỳ một loài thú nào.
Tiếp đến, chúng tôi học tiếp về phương pháp khảo sát mức độ đa dạng sinh học trên tuyến. Bài học rất vui và trực quan. Cũng thiết lập một khoảnh rừng 20x20m, chúng tôi bắt đầu đo chu vi của từng cây (chỉ tính mấy cây có đường kính từ 10cm trở lên), rồi ước lượng chiều cao, quan sát tầng tán và xác định xem độ non già của lá, rồi cả hoa quả của từng cây nữa. Những cây to trong rừng KonKaKinh chu vi có khi đến cả vài mét, cao chót vót đến độ ngửa cổ hẳn ra phía sau lưng, tôi vẫn không thấy được mút ngọn của nó, chưa kể các cây cứ đan xen, chằng chịt vào nhau, dây leo quấn tứ tung hết cả, làm mình không thể xác định nổi ngọn nào là thuộc gốc nào.
Đây đúng là bài tập luyện cơ cổ vì cứ toàn phải ngửa cổ lên trời, chau mày nhíu mắt, dù đã có ống nhòm loại xịn hỗ trợ nhưng vẫn không thể sáng suốt quan sát phát hiện xem hoa quả lá của mấy anh cây già cụ kỵ ở trong cái khu rừng ẩm ướt này.
Quả thực, công tác nghiên cứu không có chỗ cho những kẻ thiếu kiên nhẫn và thiếu tình yêu, thiếu đam mê.