Bánh trung thu được coi là biểu tượng của sự phúc lành, đoàn tụ trong ngày tết truyền thống của người châu Á. Tuy nhiên, mỗi nước có một loại bánh trung thu khác nhau, nhưng đều rất độc đáo và đặc trưng cho truyền thống ẩm thực của dân tộc trong dịp Tết Trông trăng.
1. Bánh trung thu đoàn viên – Trung Quốc
Trong phong tục của người Trung Quốc, Tết Trung thu còn gọi là Tết Đoàn viên. Đây là thời điểm mọi thành viên trong gia đình tụ họp với nhau. Ý nghĩa này bắt nguồn từ đời nhà Minh, bánh trung thu của Trung Quốc thường có hình tròn, tượng trưng cho “đoàn viên”. Ngày nay, bánh trung thu có nhiều hình dạng hơn, có cả hình vuông, hình các con giống và được làm bằng nhiều nguyên liệu mới lạ.
2. Tsukimi Dango, chiếc bánh trung thu “nhỏ nhắn” của Nhật Bản
Vào ngày rằm Trung thu, người Nhật thường ăn bánh Tsukimi Dango. Dango là tên gọi chung của loại bánh bao được làm từ bột gạo (mochiko). Loại bánh này khá giống mochi (là một loại bánh gạo của Nhật), thường được dùng chung với trà.
Bánh Tsukimi Dango được bày theo hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki, và cũng có thể có thêm một số loại hoa quả nữa. Sau đó những chiếc bánh được đặt kế bên hiên nhà hoặc cạnh cửa sổ, bất cứ chỗ nào có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa ăn, vừa ngắm trăng.
Ở một số nơi người ta cho rằng bánh dango sau khi cúng xong để bên ngoài hiên nếu trẻ con tự ý đến lấy thì là một điều may mắn. Dango là món ăn được dùng quanh năm, nhưng có nhiều loại dango khác nhau và được dùng theo từng mùa.
3. Bánh trăng khuyết Songpyeon – Hàn Quốc
Songpyeon – bánh gạo hình bán nguyệt được dùng cho ngày Tết Chuseok (Tết Trung thu hay lễ Tạ ơn), ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Người Hàn Quốc lại xem trăng khuyết mới là hình ảnh lý tưởng. Bởi “trăng khuyết rồi sẽ tròn” như là sự sinh sôi, nảy nở. Và đó là lý do tại sao những chiếc bánh songpyeon được nặn theo hình lưỡi liềm.
Vào đêm Chuseok, cả gia đình sẽ tập họp lại với nhau để làm songpyeon. Người Hàn có câu truyền tụng rằng, thiếu nữ nào làm bánh songpyeon vừa ngon lại vừa đẹp sẽ gặp được ý trung nhân như ý, phụ nữ có gia đình sẽ sinh được con gái xinh xắn. Chính vì thế mà phụ nữ Hàn Quốc dành rất nhiều tình cảm, tâm trí cho việc làm bánh songpyeon.
4. Bánh trung thu Hopia – Philippines
Bánh trung thu của người Philippines là những chiếc bánh nướng đơn giản, tuy không nhiều màu sắc hay hoa văn cầu kỳ nhưng cũng vô cùng hấp dẫn bởi phần nhân phong phú. Phần nhân có thể là đậu xanh, đậu đỏ, thịt lợn, khoai lang tím… Bánh độc đáo ở phần bột ngoài xếp lớp giòn giòn. Người ta có thể tự làm bánh thủ công tại nhà nếu có lò nướng. Khi bẻ đôi bánh, lớp bột bánh mỏng, để lộ phần nhân khá hấp dẫn.
5. Bánh nướng, bánh dẻo của Việt Nam
Tết Trung thu tại Việt Nam còn gọi là Tết Trông trăng, Tết Đoàn viên hay Tết Thiếu nhi. Tháng 8 là lúc người dân thu hoạch mùa màng và tổ chức những ngày lễ để mừng vụ mùa bội thu, tặng nhau những chiếc bánh để cầu chúc sự may mắn, sum họp, vui vẻ và đầy đủ. Có hai loại bánh truyền thống chính là bánh dẻo và bánh nướng, hình tròn và hình vuông.
Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo với nhân làm bằng hạt sen, thịt mỡ, vừng, lạp xưởng, đậu xanh nhắc người ta nhớ đến không khí cả gia đình quây quần phá cỗ đêm rằm.
6. Bánh trung thu lạnh – Myanmar
Tết Trung thu ở Myanmar còn gọi là “Lễ trăng tròn” hay “Tiết quang minh”. Bánh trung thu lạnh không phải là bánh rau câu mà chúng được làm từ một loại bột đặc biệt, có nguồn gốc từ Malaysia, chỉ cần cho vào tủ lạnh là bánh có thể tự chín, mà càng để lâu lại càng ngon. Nhân bánh lạnh Malaysia này cũng được làm từ những nguyên liệu chất lượng, tươi ngon và đã qua quá trình chọn lọc kỹ càng như hạt sen, sầu riêng, mè đen, dừa,… Chính vì là bánh lạnh, nên ngay từ cảm giác đầu tiên khi thưởng thức bánh, bạn có thể cảm nhận được sự thanh mát nơi đầu lưỡi, cộng với hương thơm quyến rũ và vị ngọt dịu dàng, bánh trung thu Malaysia là tuyệt tác đặc biệt của nghệ thuật bánh kẹo hiện đại.
7. Bánh dẻo Singapore
Tết Trung thu ở Singapore mang đậm màu sắc Tết Trung thu Trung Quốc. Bánh dẻo sầu riêng Singapore: Đây là loại bánh trung thu đặc trưng của Singapore. Vì người dân nơi đây đều thích hương vị của sầu riêng. Các loại bánh trung thu ở đây đều được biến tấu từ bánh da tuyết của Trung Quốc. Da tuyết là loại bánh có vỏ giống bánh dẻo của Việt Nam nhưng mỏng hơn, được làm từ bột gạo, bột nếp và bột mì, thường được giữ lạnh sau khi làm xong và ăn lạnh.