Cách Nha Trang khoảng 90km và cách trung tâm thành phố Cam Ranh khoảng 30km, Bình Lập, một thôn nhỏ của xã Cam Lập đang được giới du lịch chú ý bởi nơi đây có hai bãi biển rất đẹp và một làng chài nằm dưới chân núi khá nên thơ.
Ngày trước, muốn đến Bình Lập phải đi ghe mất hai tiếng từ Cảng Ba Ngòi bởi thôn này nằm biệt lập với đất liền, sau lưng là núi bao bọc, trước mặt là biển khơi mênh mông. Dân cư sống rải rác trên ba khu vực là Bãi Ngang, Bãi Lao và Tàu Bể. Từ năm 2007, con đường dài hơn mười cây số nối liền từ xã Cam Lập vào tận làng Tàu Bể, điểm cuối cùng của Bình Lập mới được xây dựng. Con đường này còn có một nhánh rẽ đi vào tỉnh Ninh Thuận dọc theo biển.
Từ trung tâm thành phố Cam Ranh, đi về hướng Nam, qua cầu Mỹ Thanh có đường rẽ trái vào xã Cam Lập. Đi khoảng sáu cây số thấy một ngã ba, rẽ phải sẽ đi vào Ninh Thuận qua Bình Tiên, Vĩnh Hy, rẽ trái theo hướng lên núi là đi vào Bình Lập.
Hôm ấy chúng tôi rẽ trái, lên núi để đi vào Bình Lập. Bắt đầu lên dốc, một khung cảnh rất đẹp và hùng vĩ hiện ra trong tầm mắt. Nhìn xuống bên dưới là một con đập, rồi những ô vuông nuôi trồng thủy sản, rừng dừa, xa xa là biển xanh. Nhìn về phía trước con đường chỉ thấy bạt ngàn cây xanh. Dân phượt thích chọn đi xe máy vì vừa cơ động, lại được ngắm cảnh, chụp hình tùy thích, và dừng lại bất cứ nơi nào để nghỉ chân hay ăn uống rồi đi tiếp. Đường đi tốt nhưng khá quanh co, đèo dốc. Một bên đường là núi có những tảng đá thật to, cây rừng trùng điệp, một bên là biển thấp thoáng xa xa bên dưới.
Bãi biển trước làng Tàu Bể
Bảng chỉ dẫn đầu tiên trên đường là lối vào một resort. Đây cũng là đường đi xuống Bãi Ngang. Nhưng chúng tôi chưa vội dừng lại hay rẽ xuống vì cuộc hành trình vẫn còn nhiều điểm lý thú phía trước. Hết con đường nhựa rồi đến đường bê tông, cảnh vật hai bên đường quá đẹp khiến ai nấy đều háo hức. Lác đác đây đó vài mái nhà, vườn quanh nhà cây cối xanh um, mát mẻ, những cái quán bên đường đơn sơ, dân cư thưa thớt. Đoàn qua khu vực Bãi Lao có các bãi tắm, đây chỉ là nơi kinh doanh du lịch tư nhân tự phát, chủ yếu phục vụ khách dã ngoại cuối tuần.
Những tảng đá nhiều hình thù ngộ nghĩnh
Cuối cùng chúng tôi cũng đến làng Tàu Bể, là nơi tập trung dân cư đông nhất Bình Lập. Nghề chính của người dân ở đây là đánh bắt thủy sản. Nếu trước đây khi chưa có đường thông từ xã Bình Lập đến Tàu Bể nên cuộc sống người dân khá khó khăn thì giờ đây, đường đi trong làng đều đã được bê tông hóa, nhà cửa khá khang trang. Điểm dừng chân kế tiếp của cả đoàn là Bãi Lao, một bãi biển đẹp và hoang sơ dài đến mười cây số. Bãi Lao quanh năm sóng êm vì kín gió, nước trong xanh nhìn thấy tận đáy. Những tảng đá thật to nằm rải rác trên cát, dưới nước, ngoài xa. Những chiếc thuyền đánh cá thấp thoáng. Đặc biệt là cát trắng mịn và sạch. Nhìn bên tay phải xa xa là Bãi Ngang có khu resort với phi lao vươn ra đến sát biển. Nhìn hướng ngược lại và men theo bờ biển mà đi sẽ về lại bãi biển trước làng Tàu Bể.
Một tảng đá lớn
Nhiều dân phượt có kinh nghiệm du lịch bụi cho rằng, muốn khám phá hết vẻ đẹp của Bình Lập nên bắt đầu đi từ đảo Bình Ba rồi vòng vô bán đảo Bình Lập đi kết hợp nhiều phương tiện và quan trọng là nên mang theo máy hình chụp dưới nước vì không thể bỏ qua những hình ảnh thu được bên dưới đại dương. Trước đây, Bình Lập còn nổi tiếng là điểm đến của những người đi tìm đá quý. Họ cho rằng, địa thế của Bình Lập nằm dưới chân núi Chúa (giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận) nên trong rừng, dưới các khe suối thường tích tụ nhiều đá quý.
Kim Duy