Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm đầu tháng 10, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 82%, thấp hơn nhiều so với những năm trước (năm 2011, con số này khoảng 103%, năm 2012 là 100%). Tỷ lệ trên cho thấy vấn đề căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã hoàn toàn được giải trừ. Với tỷ lệ trên 100% như 3-4 năm trước, các ngân hàng cấp tập cho vay nhiều hơn số tiền huy động được, tình trạng thiếu thanh khoản đã diễn ra ở hầu hết các tổ chức tín dụng. Hệ quả là các ngân hàng thương mại bất đắc dĩ phải lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động để tăng thêm nguồn vốn, khiến cho lãi suất huy động có lúc lên tới 17%/năm. Nay tình trạng ấy không còn, các ngân hàng đều ổn định lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn ở mức dưới 6%/năm.
Vấn đề càng trở nên ý nghĩa khi tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đang ở mức cao, chứng tỏ sau một thời gian tái cơ cấu đa số ngân hàng đã điều tiết được thanh khoản của mình. Thêm vào đó, dù lãi suất huy động thời gian gần đây có nhích lên nhằm thu hút dòng tiền từ khu vực dân cư trong dịp cuối năm, thì lãi suất liên ngân hàng vẫn có xu hướng giảm. Chính việc thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định đã giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tiền đồng liên tục được rút về thông qua kênh thị trường mở và tín phiếu. Thanh khoản tiền đồng tốt cũng cho phép các ngân hàng tăng dự trữ USD.
Trước đó, số liệu thống kê cũng cho thấy tính đến cuối tháng 8, tỷ lệ vốn ngắn hạn dành cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể, trong đó giảm mạnh nhất chính là khối ngân hàng thương mại nhà nước (từ mức 31,95% của tháng 7 xuống chỉ còn 25,28%). Việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dành cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống ngoài việc khẳng định sự dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng, còn cho thấy chính sách tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án xây dựng hạ tầng của Ngân hàng Nhà nước đã có tác dụng. Trước đây, tại các ngân hàng thương mại nhà nước, việc cấp vốn cho các công trình xây dựng hạ tầng khiến cho tỷ lệ vốn ngắn hạn dành cho vay trung và dài hạn luôn ở mức cao, gây rủi ro thanh khoản. Bởi đa số các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, thường từ 10 đến 20 năm, trong khi nguồn vốn huy động đa số là các kỳ hạn ngắn.
Việc nguồn vốn của các ngân hàng lớn mang tính chi phối thị trường tài chính không quá dồn vào các khoản cho vay lớn kéo dài không chỉ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh của bản thân tổ chức tín dụng mà còn giúp các hoạt động cần nguồn vốn ngắn hạn của nền kinh tế hưởng lợi. Điều này cũng chứng tỏ việc hạn chế cấp vốn vào các dự án thuộc hạ tầng giao thông đã được thực hiện khá chặt chẽ sau khi Chỉ thị 05 của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực. Hệ quả tích cực cũng đến sau đó, khi có khoảng 66,5% tỷ trọng dư nợ tín dụng đã được đưa vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh. Đồng thời, nguồn vốn cho vay vào khối doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm khoảng 16% tổng dư nợ toàn hệ thống. Sự sụt giảm trong tỷ trọng cho vay vào khối này cũng có nguyên nhân từ việc cho vay vào các dự án hạ tầng giao thông – do các doanh nghiệp nhà nước quản lý – được kiểm soát chặt chẽ.
Những thông số tích cực từ hoạt động của ngành ngân hàng thời gian qua chứng tỏ đã có sự cải thiện rõ rệt trong việc khai thông nguồn tín dụng cho đầu tư và phát triển kinh tế của đất nước.
Minh Huy (DNSGCT)