Nhà điều hành chuỗi cửa hàng KFC tại Trung Quốc đầu tuần qua đã đưa đơn kiện ba doanh nghiệp khác tại địa phương khi tài khoản xã hội truyền thông của ba tổ chức này cố tình phát tán những thông tin đồn thổi bị cho là không chính xác về thức ăn của KFC. Là chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất Trung Quốc sở hữu hơn 4.600 cửa hàng, KFC bị ba doanh nghiệp khác cho là sử dụng thịt gà biến đổi gien, gọi tắt là GMO và thậm chí gà của họ chế biến bị biến dị với sáu cánh và tám chân. Đơn khởi kiện của KFC đưa ra vào đúng thời điểm chính quyền Bắc Kinh có những hành động mạnh tay hơn nhằm trừng trị những tin đồn thổi không chính xác trên các trang mạng xã hội. Trong những năm gần đây, rất nhiều nhà tiếp thị trực tuyến tại quốc gia đông dân nhất thế giới này bị cáo buộc là đã cố tình lạm dụng sức mạnh của internet để đăng tải những thông tin kém chính xác về đối thủ, trong khi cố gắng xóa bỏ những thông tin quan trọng không hay về khách hàng của mình. KFC chính là một trong những nạn nhân lớn nhất. Hiện KFC đòi tiền bồi thường 1,5 triệu nhân dân tệ, tương đương 242.000 USD và lời xin lỗi chính thức từ phía ba doanh nghiệp đưa ra những lời đồn thất thiệt trên app di động phổ biến WeChat. Đồng thời KFC cũng đòi hỏi việc chấm dứt ngay hành động kể trên của cả ba công ty.Đến nay, Tòa án nhân dân Quận Từ Hối, Thượng Hải đã chấp nhận đơn kiện của KFC.
Theo CEO của KFC Trung Quốc Qu Cuirong, bảo vệ uy tín của các doanh nghiệp trước những lời đồn thổi trên internet ngày càng trở nên khó khăn hơn, bởi không dễ để thu thập chứng cứ và thông tin cho việc kiện tụng. Nhờ vào những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh trong việc thanh lọc môi trường trực tuyến và cải thiện tư pháp, giới doanh nghiệp giờ đây đã có nhiều tự tin và công cụ để đối mặt với thách thức đó. Ba doanh nghiệp bị truy tố bao gồm Shanxi Weilukuang Technology Company Ltd., Taiyuan Zero Point Technology Company và Yingchenanzhi Success and Culture Communication Ltd. đều thuộc thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Tuy nhiên, số điện thoại của cả ba đều không có thật và do đó sự hiện diện của họ là rất đáng khả nghi.
Hai năm trước đây, Bắc Kinh bắt đầu tiến hành đợt vận động bài trừ những thông tin đồn thổi trên internet, những dấu hiệu tiêu cực và hành động trái pháp luật tại các trang mạng xã hội. Mặc dù giới truyền thông trong nước cho rằng việc thanh lọc là rất cần thiết, nhưng không ít giới quan sát trong và cả ngoài nước cho rằng đợt vận động ấy phần lớn nhắm đến việc kiểm soát và tạo áp lực đối với những ý kiến phê bình liên quan đến nhà nước cầm quyền.
Kiên Lâm theo AP (DNSGCT)