Ngày không ai mong đợi ấy rồi cũng đã đến, nhà thiết kế đại tài Karl Lagerfeld đã trút hơi thở cuối cùng tại Paris khiến làng thời trang và những người hâm mộ bàng hoàng tiếc nuối.
Kể từ khi ông lão tóc bạc trong bộ suit đen vắng mặt tại show diễn Haute Couture Xuân-Hè của Chanel cách đây ít lâu, đã có những đồn đoán liên quan đến sức khỏe của ông. Vẫn biết, ai rồi cũng phải mất đi, nhưng Karl Lagerfeld lại qua đời ngay trong những ngày diễn ra tuần lễ thời trang Thu-Đông, khiến ngành thời trang toàn thế giới không khỏi bất ngờ và thương tiếc một trong những huyền thoại thời trang của thời hiện đại. Đó là cảm giác trống rỗng khi người ta vẫn ngỡ rằng ông sống mãi! Bởi cứ sau mỗi show diễn của nhà Chanel lẫn Fendi, ít nhất hai lần mỗi năm, ông đều nở nụ cười như phủ nhận tình trạng sức khỏe và tuổi tác của mình.
Nổi tiếng với vai trò là giám đốc sáng tạo của thương hiệu khổng lồ Chanel, nhưng Karl Lagerfeld đã đến với Fendi trước đó từ những năm 1960, với nhiệm vụ hiện đại hóa dòng thời trang lông thú của hãng. Có lẽ sứ mệnh của ông là truyền sinh khí và nguồn cảm hứng về cái đẹp cho thời trang. Chính thương hiệu Chanel đình đám ngày nay từng đứng trên bờ phá sản khi Karl đến. Logo hai chữ C lồng ngược vào nhau do ông nghĩ ra đã trở thành biểu tượng kinh điển đến ngày nay. Kế tiếp, ông phá vỡ định kiến về một Chanel chỉ là thương hiệu của những bộ đồ tweed suôn già cỗi; thay vào đó là sự trẻ trung, tươi mới và phá cách. Ông cũng là người đầu tiên đặt ra khái niệm về một “siêu sàn diễn” với sân khấu hoành tráng đến không tưởng.
Để có thể xây dựng được những thành tựu đó, ngoài tầm nhìn và giác quan về thời trang, ông còn có tình yêu mãnh liệt với nghề và tinh thần lao động hăng say. Mỗi năm thiết kế trên dưới 20 bộ sưu tập – nếu tính cả thời gian ông còn cáng đáng thương hiệu mang tên mình – là một khối lượng công việc đồ sộ ngoài sức tưởng tượng. Karl vẫn là con ong thợ chăm chỉ nhất, đến cả những bản vẽ tay, những công việc cơ bản nhất cũng do chính ông thực hiện.
Karl Lagerfeld còn nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc và vì thế cũng có không ít kẻ thù. Sự cao ngạo của một thiên tài cho phép ông nặng lời với những người khiến ông gai mắt, cho dù họ có thể là một nhân vật tiếng tăm trong ngành. Ông cũng là người thẳng thừng từ chối những mối quan hệ gia đình với người thân. Truyền thông coi đó là miếng mồi béo bở và xây dựng nên một gã Karl Lagerfeld ngạo mạn khó ưa.
Nhiều người nghĩ rằng với một tên tuổi lớn như thế thì đám tang của ông sẽ thật hoành tráng, với sự có mặt của những nhân vật thời trang đình đám. Thế nhưng, ngược lại, đó chỉ là nghi lễ kín đáo với bạn thân và gia đình. Thể theo nguyện vọng của Karl, tro cốt của ông sẽ được rải cùng với tro của mẹ và người bạn đời quá cố ở cùng một nơi.
Trong bối cảnh thời trang hiện nay, thật khó có được một huyền thoại như Karl Lagerfeld, có lẽ vì thế mà người ta lại càng tiếc nuối với sự mất mát này hơn bao giờ hết.
“Tôi sẽ luôn nhớ về những lần đi bộ trên thung lũng với gã khổng lồ này, một vị vua, một thiên tài và cũng là một người bạn tuyệt vời!”.
André Leon Talley
Cố vấn tạp chí Vogue (Mỹ)
“Tôi thực sự xúc động bởi cái chết của ông ấy và không ngừng nghĩ rằng những hơi thở cuối cùng của ông ấy cũng đắm chìm bởi khoái cảm lớn nhất: Để cho trí tưởng tượng bay bổng trong những tác phẩm của mình”.
Giorgio Armani
“Một phần tuổi trẻ của tôi có anh, người mà tôi có thể sẻ chia những khoảnh khắc vui vẻ và vô tư. Karl, ông bạn của tôi, gã thiên tài khổng lồ, nỗi sầu thương của tôi quá lớn. Tạm biệt Karl”.
Valentino
“Nếu phần vui sướng nhất trong công việc của tôi là tìm kiếm những tài năng mới, thì phần đau đớn nhất là nhìn thấy những người tôi yêu quý rời xa cõi đời. Tôi sẽ mãi nhớ về ông, người bạn thiên tài của mình. Karl muốn chúng ta chỉ nghĩ về tương lai, nhưng hôm nay tôi muốn giữ một chỗ cho nỗi buồn về người đã khuất”.
Anna Wintour
Tổng biên tập Vogue (Mỹ)