Khác với nhiều người, khi còn trẻ anh không có tham vọng tạo dựng sự nghiệp trong quần vợt. Vì sao vậy?
Ở tuổi thiếu niên, tôi không tập luyện bốn giờ mỗi ngày trên sân, có thể chỉ một giờ mỗi ngày và ba lần trong tuần. Khi ở trung học, mục tiêu của tôi là kiếm học bổng bậc đại học để gia đình khỏi phải trả học phí. Vì vậy tôi không hề mơ tưởng đến một sự nghiệp quần vợt. Sau này khi chơi tốt ở đại học, tôi mới suy nghĩ nghiêm túc và sau khi tốt nghiệp, tôi sẵn sàng trở thành tay vợt nhà nghề.
Khi nhìn lại, anh có muốn khuyên các tay vợt trẻ khác hãy đi theo con đường của mình?
Tôi không biết ở các quốc gia khác thì sao, nhưng với các tay vợt Mỹ, tôi thành thật khuyên họ nên qua đại học. Ở Đại họcGeorgia, tôi có tất cả cơ sở tập luyện tốt nhất, với các huấn luyện viên xuất sắc. Chúng tôi tham dự giải vô địch các trường đại học và nhờ đó được thi đấu nhiều. Ở tuổi 17, 18 mà khởi đầu chuyên nghiệp ở các giải Future và Challenger thì gặp rất nhiều khó khăn và phải thật “cứng cựa” lắm mới vượt qua nỗi thất vọng. Thường các tay vợt trẻ chỉ đấu có một trận mỗi tuần vì đã thua từ vòng một. Nhưng tuần sau họ lại phải hăm hở bước vào giải khác. Trong hoàn cảnh như thế, thật khó có được tự tin để thành công.
Anh đã đoạt hầu hết các danh hiệu ở bậc đại học trong bốn năm ở trường. Có phải kết quả đó khiến anh muốn tạo dựng sự nghiệp trong quần vợt?
Tôi chỉ nghĩ mình có thể thử vận may, trước tiên là làm huấn luyện viên. Nhưng tôi tự nhủ nếu thi đấu để một ngày nào đó lọt vào Top 100 thế giới thì cũng đã là thành công. Và rồi tôi đã vượt xa mọi mong đợi.
Ở Mỹ, anh có được xem là một tấm gương đối với giới trẻ?
Tôi tin rằng liên đoàn quần vợt và các trường đại học sử dụng tôi làm hình ảnh, dù trong trường hợp này tôi không phải là tay vợt học đại học duy nhất. Kevin Anderson (Nam Phi) theo học tại Đại họcIllinois, Somdev Devvarman (Ấn Độ) và Benjamin Becker (Đức) cũng thế. Tôi thường đụng độ họ tại các giải ở bậc đại học. Nay tôi có cảm giác rằng các tay vợt trẻ có khuynh hướng khởi đầu chuyện học hành một hoặc hai năm trước khi bước vào sự nghiệp thể thao.
Khi thi đấu chuyên nghiệp, anh có còn thời gian cho riêng mình và những sở thích khác?
Có chứ. Tôi có nhiều thời gian rảnh ở các giải. Tôi mê thể thao và xem tất cả những gì trên truyền hình, trừ quần vợt. Tôi cũng đọc rất nhiều, khi du đấu tôi luôn có quyển sách bên mình. Mỗi tháng tôi đọc hết một quyển. Khi tập luyện tại nhà ở Bắc Carolina, tôi kết thúc bài tập lúc 16 – 17g nên có nhiều thời gian cho mình và gia đình.
Về lối chơi, chiều cao 2m06 mang đến cho anh những lợi thế và bất lợi gì?
Tất nhiên lợi thế là giao bóng, nhưng cả cú thuận tay nữa. Khi có thời gian đánh trả từ cuối sân, tôi có thể dồn lực vào cú đánh nặng hơn. Với chiều cao của mình, tôi nghĩ tôi di chuyển cũng không nỗi tệ. Về bất lợi, tôi gặp khó khăn khi lên lưới và các cú bỏ nhỏ.
Liệu chiều cao có gây khó khăn cho anh trong cuộc sống?
Tôi hài lòng với những gì mình có. Nếu không cao to thì có lẽ tôi không đạt trình độ hiện nay. Tất nhiên là có những bất lợi, chẳng hạn một số cánh cửa quá thấp. Khi đi máy bay, đó là một địa ngục thật sự và tôi phải trả nhiều tiền hơn vì phải mua vé hạng thương gia để được ngồi thoải mái.
Minh Trường lược dịch