Một trong những biểu tượng của xã hội phương Tây vào thế kỷ XX là chiếc quần blue jeans. Không chỉ dành cho tuổi trẻ mà nó còn là biểu tượng cho sự phản kháng, sự tự do và chủ nghĩa cá nhân của các tầng lớp dân chúng. Chiếc quần blue jeans là y phục được bán nhiều nhất trên thế giới. Cho dù đã xuất hiện trên sàn diễn thời trang từ vài chục năm nay, nhưng mấy ai biết được chiếc quần đặc biệt này đã nổi tiếng như thế nào.
Lịch sử đến từ mỏ vàng
Năm 1850, cũng như bao gia đình nghèo khổ khác, chàng thanh niên Levi Strauss đã dời cư đếnSan Francisco, Californiatheo cao trào tìm vàng. Nơi đây về sau chính là nơi tạo nên sự nghiệp giàu có cho Levi Strauss. Dù mang tiếng là đi tìm vàng nhưng Levi Strauss không tìm được gì ngoài việc nhận xét là các người đồng hành đi đào vàng với áo quần thật rách rưới trong khi chung quanh nơi sinh sống cắm trại thì lại có nhiều vải thô để dựng lều che mưa nắng.
Sáng kiến nảy ra trong đầu Strauss từ đây, từ những mảnh vải may lều, ông đã cắt may thành quần cho người đi đào mỏ vàng. Để cho quần được bảo đảm hơn nữa ở những mối chỉ may, qua sáng kiến của Jacob Davis, ông ta cho đóng những đinh tán vào những điểm dễ rách nhất để cố định phom dáng cho chiếc quần. Chiếc quần của Levi dần dần được các thợ mỏ vàng yêu chuộng vì không nhanh sờn rách như trước đây. Levi đặt tên cho chiếc quần của ông là “Waist overall”.
Chuỗi chiến thắng của chiếc quần jeans bắt đầu từ đây với màu vàng nâu ban đầu, sau đổi qua màu xanh đậm. Từ loại vải thô dùng để căng lều Levi đổi qua dùng loại vải dệt theo phương pháp “Serge de Nimes” của Pháp. Loại vải này đặc biệt ở chỗ, thay vì tất cả những loại vải khác được dệt thẳng hoặc dệt kim, vải denim lại được dệt xéo, tạo độ bền và sự khác biệt so với tất cả các loại vải thông thường.
Chỉ vài năm sau Levi Strauss trở thành người giàu có. Năm 1890 là năm ra đời “Levi Strauss & Companay”, đặt cơ sở đầu tiên tại San Francisco. Chiếc quần “Waist overall” của Levi được đặt tên hiệu sản xuất là “501®”. Quần dần dần được thêm thắt nho nhỏ nhưng mang đầy tính lịch sử như là hai đường chỉ chạy cong vòng sau túi quần (Arcuate). Tấm nhãn hiệu da với hình hai con ngựa (Two Horse Patch) cộng thêm nhãn hiệu màu đỏ của công ty (Red Tab). Cho đến năm 1920 “Waist overall” mới được đổi thành Blue Jeans.
Quần vải thô màu xanh này xuất hiện tại châu Âu rất trễ so với thời gian lúc ra đời tại California. Sau Thế chiến thứ II, lính Mỹ đã du nhập loại quần này vào châu Âu. Vào thập niên 1960, khoảng thời gian của phong trào hippies và phản kháng, chiếc quần jeans trở thành bộ đồng phục cho những người muốn sống tự do không ràng buộc. Thời gian này khi nói đến tự do, nói đến phản kháng, đến chối từ thì phải nói đến quần jeans. Qua đó, chỉ với quần jeans tuổi trẻ cảm nhận mình “đã sống, đang sống và biết sống” hơn người. Sau khi “cách mạng đời sống” chấm dứt thì triết lý “quần jeans” cũng tàn lụi theo. Jeans trở thành loại quần áo cho các tầng lớp xã hội bình thường. Từ biểu tượng cho “tự do” nay jeans trở thành chiếc quần của thời gian rảnh rỗi khiến biểu tượng của jeans trở nên buồn chán. Jeans không còn “sôi nổi” nữa.
Jeans – đẳng cấp thời trang
Để chặn đứng tình trạng xuống dốc của quần jeans, các nhà tạo mode đã thay đổi nhiều kiểu mẫu: lúc quần ống rộng, khi thì bó mông. Nhờ vào hóa chất acid và đá bọt, chiếc quần jeans mới được bỏ vào trong máy giặt để trở thành loại “stone-washed”, “double-stone-washed” cho đến “destroyed”. Ai mà thích quần rách rưới thì có loại “Shotgun Denim” – vải quần được bắn nát với đạn Schrotflinte. Một số trong giới thanh niên thiếu nữ ngày nay cho rằng quần càng hư hỏng rách rưới người mặc mới được xem là “ngầu”. Ngoài màu sắc kiểu cách người mua quần jeans hiện cũng để ý nhiều vào nhãn hiệu của quần. Dĩ nhiên quần Levis vẫn còn giữ hàng đầu nhưng nay nó cũng đang điêu đứng vì bị cạnh tranh bởi những nhà tạo mode may quần áo rất đắt từ Mailand cho đến New York. Một số tài tử Hollywood hoặc nhiều nhà triệu phú, trong số này có cả cựu Tổng thống Bush của Hoa Kỳ và Tổng thống Putin của Nga, thay vì chưng diện bộ đồ “lớn” thì nay họ lại thích mặc một chiếc quần jeans thật “chick”, trông trẻ trung và lại “mode” nữa.
Từ xuất thân là vải may lều bạt, cho đến những chiếc quần cho những người thợ đào vàng, quần jeans dần dần được phái đẹp yêu chuộng và biến thành một biểu tượng của sự tự do khi các ca sĩ nhạc rock diện chiếc quần jeans rách rưới lên sân khấu. Những năm 60-70, tín đồ thời trang chứng kiến sự lên ngôi của jeans trên sàn diễn thời trang, trên màn ảnh rộng và trở thành một phong cách thời thượng Unisex.
Từ những năm 80, jeans ngày càng nổi bật trên sàn diễn khi thoát ra khỏi cái bóng của những chiếc quần jeans thông thường và biến tấu ra đủ loại đầm, áo, váy… dưới bàn tay tài hoa của các nhà thiết kế lừng lẫy. Giờ đây, khi nhắc tới jeans người ta không chỉ nghĩ đến quần jeans, mà là cả một nền công nghiệp thời trang thời thượng, dễ mặc mà bất kỳ một người nào với độ tuổi, nghề nghiệp, đất nước nào đều sở hữu một vài chiếc trong tủ quần áo của mình.
- Quyên Bùi