Ẩn mình tại ngôi làng Le Sentier ở Thụy Sĩ là một trong những thương hiệu đồng hồ xuất sắc nhất thế giới: Jaeger-LeCoultre. Với hơn 200 thợ đồng hồ và nghệ nhân chế tác, Jaeger-LeCoultre có thể được coi như thương hiệu tiên phong cho nhiều thành tựu cải tiến, hiện đại.
Nằm gọn trong phân xưởng chế tác nhộn nhịp của Jaeger-LeCoultre là bộ phận Rare Handcrafts, đơn vị chuyên phụ trách lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nơi diễn ra quy trình phủ men, chạm khắc và nạm đá thượng hạng. Có thể nói, đây chính là cái nôi sản sinh ra những mẫu đồng hồ phi thường.
Guilloché
Kỹ thuật guilloché đã được đẩy lên một tầm cao mới ở Jaeger-LeCoultre. Qua đôi bàn tay kỳ diệu và cảm quan nghệ thuật tinh tế của người nghệ nhân, từng mặt số đồng hồ đơn điệu sẽ được chạm khắc theo motif hình tròn hoặc đường thẳng ấn tượng. Để thổi hồn vào một tạo tác vô tri, người nghệ nhân cần có tình yêu mãnh liệt, niềm đam mê cháy bỏng và sự kiên trì đáng ngưỡng mộ. Có thể nói, những tạo tác trang trí bằng họa tiết Guilloché của Jaeger-LeCoultre đã mang đến cho mặt số đồng hồ sự rạng ngời độc đáo mà chỉ bàn tay con người mới có thể tạo ra.
Chạm khắc và chế tác khung xương
Người nghệ nhân Jaeger-LeCoultre luôn tìm được phương thức tiếp cận nhằm lồng ghép nghệ thuật thủ công vào từng tạo tác thời gian. Người thợ thường mất khoảng hai tiếng để chạm khắc những chi tiết nhỏ như các chữ cái, nhưng công việc sẽ kéo dài cả tuần để tái hiện thủ công một gương mặt hay một chiếc gia huy. Tuy nhiên, tài năng của thợ chạm khắc được thể hiện tài tình nhất khi họ chế tác khung xương những cơ cấu chuyển động cực kỳ nhỏ. Đầu tiên, người nghệ nhân phải dựa trên sơ đồ của cơ cấu chuyển động, và cẩn thận tìm thiết kế cho phép họ giữ lại mọi bộ phận cần thiết giúp đồng hồ vận hành mượt mà. Sử dụng một chiếc cưa nhỏ xíu, chuyên gia làm khung xương sẽ tái tạo motif được vẽ sẵn. Jaeger-LeCoultre mất ba tuần tập trung cao độ để làm khung xương cho bộ chuyển động calibre 101, và chỉ gọt đi 0,2 gram trong tổng cộng 0,98 gram vật liệu.
Phủ men
Phủ men là sự chiến thắng của màu sắc trước thời gian. Jaeger-LeCoultre lựa chọn một kỹ thuật cao quý và đặc biệt khó có tên Grand Feu. Motif thiết kế bằng cách sử dụng các mảnh men được tạo màu bằng bột oxide kim loại trộn với dầu và đem đi nung trong lò ở nhiệt độ 800°C. Sau đó, họ phủ lên mặt số từ sáu đến mười lớp men bảo vệ trong suốt. Mỗi chiếc được nung từ 12 đến 22 lần trong quá trình thủy tinh hóa, và mỗi lần, men có thể nứt, và đưa tất cả trở về con số không. Kỹ thuật phủ men Grand Feu sẽ mang lại cho sản phẩm vẻ đẹp tinh khiết và tuổi thọ trường tồn.
Nạm đá
Với Jaeger-LeCoultre, không phải cứ thật nhiều đá quý là đẹp. Thay vào đó, tác phẩm phải gợi lên cảm xúc và cảm giác thích thú. Ban đầu, người nghệ nhân tạo ra các chấu giữ đá. Ở bước này, Jaeger-LeCoultre đã cải tiến bằng cách điều chỉnh để đưa kỹ thuật chuyên dụng trong lĩnh vực trang sức sang lĩnh vực chế tác đồng hồ, nhờ đó nghệ nhân trực tiếp tạo ra họa tiết theo suy nghĩ và cảm hứng, dựa trên những viên đá có đường kính khác nhau. Các viên đá quý nằm tựa vào nhau để che phủ toàn bộ bề mặt vàng, qua đó đảm bảo bề mặt mượt mà, không bị phá vỡ do các ngạnh hay cạnh sắc. Một số kỹ thuật đặc trưng khác của Jaeger-LeCoultre có thể kể đến như nạm đá vô hình hay nạm tuyết – một kỹ thuật gây bất ngờ cho giới mộ điệu, bởi một khi người thợ bắt đầu công việc, không ai có thể dự đoán sản phẩm sẽ trông như thế nào.mi