Lực lượng an ninh Indonesia đang tiến hành chiến dịch truy lùng trên hòn đảo hẻo lánh Sulawesi để tìm kiếm nghi phạm bị truy nã gắt gao nhất, đồng thời đánh phủ đầu những phần tử trung thành với IS. Theo Reuters, Santoso, kẻ cầm đầu nhóm phiến quân và là người Indonesia đầu tiên công khai tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã lẩn trốn các cuộc truy quét suốt nhiều năm qua. Tên này được cho thời hạn tới ngày 9-1 để ra đầu thú với chính phủ.
Các cuộc bố ráp của lực lượng an ninh khắp đảo Java tuần trước đã bắt được một số phần tử ủng hộ IS, đồng thời phá vỡ âm mưu thực hiện một loạt vụ tấn công. Tuy nhiên cảnh sát cho biết những người bị bắt chỉ là những phần tử thừa hành cấp thấp, trong khi những kẻ cầm đầu đã cao chạy xa bay. Chính những tên này từng lên kế hoạch tấn công lãnh đạo chính phủ, các quan chức và tòa nhà cơ quan công quyền.
Trong khi đó những hồi chuông báo động đang vang lên ngay tại thủ đô Jakarta, khi IS đã thành công trong việc tạo dựng một mạng lưới những kẻ ủng hộ tại ngoại ô Jakarta. Những phiến quân này các năm qua chủ yếu tấn công vào cảnh sát, nhưng giờ đây có thể chuyển trọng tâm sang tấn công người phương Tây và dân thường.
Indonesia hiện đặt trong tình trạng báo động khủng bố mức cao nhất sau khi cảnh sát nước này phá vỡ một âm mưu tấn công tự sát nhằm vào Jakarta và bắt giữ nhiều phần tử cực đoan có liên hệ với IS. Gần 150.000 cảnh sát và binh sĩ quân đội được điều động để canh gác những địa điểm quan trọng ở Indonesia nhân dịp Giáng sinh và năm mới.
Tình báo quốc tế ước tính 1.000 người Indonesia và Malaysia đã đến Syria và Iraq để gia nhập IS. Đến nay có tới 76 công dân Indonesia trở về nước từ Syria, làm gia tăng các mối lo ngại về việc những người này sẽ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ngay trên quê hương mình.
Bộ trưởng Tư pháp Australia George Brandis, người có chuyến công du Jakarta tuần này để tăng cường hợp tác an ninh, tiết lộ với báo giới Australia rằng, ông “không chút nghi ngờ” việc IS đang tìm cách hình thành một “Nhà nước Hồi giáo phương xa” tại Indonesia.
Indonesia là điểm thu hút nhiều du khách Australia thứ hai trong giai đoạn 2014-2015 với 1,12 triệu người, chủ yếu tập trung về các khu nghỉ dưỡng trên đảo Bali.
Trong một diễn biến khác, Lầu Năm Góc hôm 25-12 thông báo sẽ không chia sẻ thông tin tình báo về các vị trí của Nhà nước Hồi giáo tại Syria với Nga và không nhận lời đề nghị hợp tác chống khủng bố, trừ khi Moscow thay đổi lập trường về tương lai Tổng thống Syria. Sputnik dẫn lời Michelle Baldanza, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng “Chúng tôi sẽ không hợp tác với Nga về vấn đề Syria trừ khi họ thay đổi chiến lược ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad”.
Trước đó, hôm 24-12, người đứng đầu bộ phận tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Trung tướng Sergei Rudskoy, một lần nữa khẳng định Moscow sẵn sàng chia sẻ thông tin với liên minh do Washington dẫn đầu về vị trí các cơ sở của IS ở Syria và hy vọng “Mỹ có động thái tương tự”. Theo ông Rudskoy, liên minh quốc tế nên xem xét thông tin Nga cung cấp để “có biện pháp phá hủy các cơ sở của IS”.
Mỹ cùng các đồng minh Trung Đông không coi Assad là tổng thống hợp pháp của Syria, muốn ông từ chức và chỉ hành động này mới giúp bắt đầu một tiến trình chính trị ở Syria.
Trong khi đó Moscow nhiều lần khẳng định chỉ có người dân Syria mới có quyền quyết định ai sẽ lãnh đạo họ và phản đối sự can thiệp từ nước ngoài vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
Tuy nhiên, Washington gần đây đã có lập trường uyển chuyển hơn, nói Assad có thể đóng vai trò nào đó trong “quá trình chuyển tiếp” và “cách thức cùng thời điểm ông từ chức” đang được quyết định.
Đ.N (DNSGCT)