Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2016 kết thúc trong màu xanh hy vọng, cũng chính thức đánh dấu một năm thành công của thị trường chứng khoán. VN-Index những tháng cuối năm dù chịu nhiều áp lực, trong nước cũng như thế giới, vẫn duy trì được quanh vùng giá 660, dừng lại ở 664,87 điểm, tăng 14,82% so với thời điểm cuối năm 2015. Quy mô thị trường chứng khoán của nước ta chiếm khoảng 38,5% GDP, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Thời điểm hiện tại, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ta đang “cao giá” hơn so với cổ phiếu của nhiều nước khác trong khu vực (giao dịch với P/E gần 16 lần, so với 14,7 lần ở thị trường chứng khoán Đông Nam Á), điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt được đánh giá khá cao. Dù những tháng cuối năm 2016 khối ngoại bán ròng, nhưng nếu xét cả năm thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ rõ sự quan tâm đến thị trường chứng khoán nước ta. Họ cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều không gian để phát triển, do được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2016) và lạm phát được duy trì khá ổn định. Các doanh nghiệp niêm yết đa phần có tiềm năng tăng trưởng cao, với lợi nhuận dự kiến tăng khoảng 23% trong năm 2017 (dự báo của Bloomberg). Thêm vào đó, thị trường chứng khoán nước ta vẫn trong giai đoạn đầu của phát triển, khi giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên của HSX năm 2016 mới đạt khoảng 109 triệu USD, quá thấp so với con số 768 triệu USD của thị trường chứng khoán Singapore.
Năm 2016 cũng chứng kiến một số thương vụ niêm yết rầm rộ của Bia Hà Nội (BHN), Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SAB)…, những đơn vị có giá trị vốn hóa lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Chính điều này đã làm thay đổi bảng xếp hạng các doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khi VCB (Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam) không còn xếp thứ hai (sau VNM – Công ty Sữa Việt Nam) nữa, do đã bị SAB thay thế. Trong năm 2017, nhiều doanh nghiệp lớn cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu, như VIB, Petrolimex, Vinatex, Vinafor…, được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chưa kể việc thoái vốn của SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) vẫn tiếp tục, càng giúp gia tăng quy mô cũng như nâng cao sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Chứng khoán năm 2017 sẽ bật mạnh hay “lình xình” có liên quan rất lớn đến động thái của khối ngoại. Với tiềm lực vốn lớn và “khẩu vị” ưa chuộng bluechip, khối ngoại luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự đi lên hay xuống dốc của các chỉ số. Nếu như từ năm 2016, một số lĩnh vực đã được “nới room” lên 100% từ mức 49% trước đó, thì năm nay, nhà đầu tư nước ngoài còn muốn quy định ấy sẽ mở rộng sang một số lĩnh vực khác. Nhưng dù có hay không việc “nới room”, năm 2017 cũng là khoảng thời gian tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thâm nhập thị trường chứng khoán nước ta, khi Chính phủ sẽ thúc đẩy quá trình thoái vốn khỏi các công ty nhà nước và thực hiện kế hoạch bán cổ phần tại các công ty lớn.
Ngoài ra, trong năm 2017, giới đầu tư sẽ được tiếp cận thị trường chứng khoán phái sinh. Các sản phẩm phái sinh là công cụ quản trị rủi ro rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, khi các biến số kinh tế như tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa, giá chứng khoán… không ngừng biến động. Khả năng có thể sử dụng đòn bẩy tài chính cao cũng khiến cho các sản phẩm phái sinh thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp, những người có kiến thức, kỹ năng cũng như tiềm lực tài chính vững mạnh. Một năm mới với nhiều hy vọng cùng thị trường chứng khoán!
- Ngọc Khang