Đồng vốn và nhân lực là hai yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, nhưng hiện cả hai chưa được phát huy so với tiềm năng. Thời gian gần đây, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia bàn đến.
Trước tiên, nói về nguồn vốn, theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), một trong những giải pháp giúp mở rộng thị trường vốn của Việt Nam, đặc biệt nguồn vốn dài hạn, chính là làm sao huy động được tiền nhàn rỗi trong dân, mà theo dự kiến có thể lên đến 60 tỉ USD.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra vào hạ tuần tháng 8, ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp WB, cho biết cơ cấu tài sản tài chính cơ bản của Việt Nam hiện bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và vốn hóa thị trường chứng khoán. Mặc dù đạt được một số thành tựu nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể là sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nhiều, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa tăng trưởng đúng mức, đặc biệt là thị trường vốn tư nhân chưa được khai thác hết.
Điểm hạn chế ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay chính là tính minh bạch hạn chế, thông tin về nhà phát hành và thị trường không có sẵn đối với phần đông các nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức phi ngân hàng. Sự hạn chế này đã dẫn đến việc các doanh nghiệp không huy động được các nguồn vốn dài hạn và làm thị trường vốn Việt Nam mất cân bằng, với 70% nguồn vốn hiện nay là vốn ngắn hạn. Từ đó, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, phát triển thị trường chứng khoán, thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp chính là giải pháp để Việt Nam huy động được nguồn vốn dài hạn nhằm thực hiện những kế hoạch có tầm chiến lược.
Các chuyên gia WB cho rằng có hai vấn đề cần giải quyết để khuyến khích thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển. Thứ nhất là làm cách nào để Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút, trong khi hiện nay nhiều nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm đến Quỹ đầu tư cho người về hưu ở Việt Nam. Thứ hai là nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong xã hội rất cao, với khoảng 60 tỉ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết. Khi đầu tư dài hạn, cần nghĩ đến tiềm năng này, đồng thời tạo môi trường tốt để thị trường trái phiếu chứng khoán phát triển. Nhấn mạnh đến tiềm năng của nguồn vốn nhàn rỗi, chuyên gia WB cho rằng danh sách các nhà đầu tư tổ chức trong nước có số lượng ít, quy mô nhỏ, doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ bảo hiểm xã hội chỉ chiếm 16%.
Nếu nhìn vào từng nhà đầu tư, thấy có doanh nghiệp bảo hiểm, có đầu tư gián tiếp, đầu tư trực tiếp, có chứng khoán doanh nghiệp, có trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh… Nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng, hơn là chỉ tập trung vào một kênh đầu tư là bất động sản. Ngoài ra, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng hiệu quả, đầy đủ, không chỉ đảm bảo nguồn vốn dài hạn mà còn đáp ứng nhu cầu vay của người dân.
Bày tỏ quan điểm về thị trường vốn trong sự liên hệ mật thiết với thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng, thị trường vốn cần có chính sách để cân bằng thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Theo ông, hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 2.000 nhà đầu tư cổ phiếu, một con số khiêm tốn so với các nước khu vực, nên bài toán đặt ra là làm sao để phát triển nhà đầu tư có tổ chức.
- Xem thêm: Tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế
Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra từ ngày 18 đến 24-8 tại Hà Nội là chương trình hợp tác khoa học – công nghệ mang tính hội tụ, kết nối có ý nghĩa thiết thực, quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức với sự góp mặt của 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài.
Tại buổi gặp mặt, giới thiệu về chương trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ mong muốn các trí thức Việt kiều cùng chung tay góp sức tham gia vào việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, hướng tới một nền hành chính hiện đại, thông minh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển đất nước.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học trẻ người Việt đang sinh sống, làm việc tại các quốc gia trên thế giới cho rằng “đây là sự trở về của lớp lớp những người con Việt Nam ở xa Tổ quốc”. Cam kết đồng hành cùng Chính phủ xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0, các trí thức trẻ Việt kiều cho rằng, trong tiến trình này, phải hội tụ những yếu tố: Nguồn nhân lực 4.0, văn hóa 4.0 và tăng cường nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 trong toàn dân. Các trí thức trẻ cũng bày tỏ mong muốn sớm được hỗ trợ phối hợp với các đồng nghiệp trong nước bằng những chương trình, dự án cụ thể.
Các nhà khoa học trẻ cũng đề xuất Chính phủ đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu cơ bản, tạo ra thị trường về khoa học công nghệ và đặc biệt là cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nền kinh tế số, nhất là Chính phủ điện tử để không chỉ thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển mà còn bảo vệ quyền lợi cho những người bị thiệt hại trong quá trình này. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần hướng đến mục tiêu lâu dài là không chỉ hợp tác chuyển giao mà còn phát triển công nghệ với phương châm: “Dùng người Việt để phát triển công nghệ cho người Việt”. Để ngày càng có thêm những trí thức Việt kiều tài năng về góp sức cho Tổ quốc, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những chính sách thu hút, khuyến khích cụ thể; kết nối chuyên gia Việt Nam với trí thức người Việt tại nước ngoài.
Đến dự buổi gặp mặt này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nồng nhiệt chào đón các nhà khoa học trẻ người Việt trở về với mong muốn đóng góp trí tuệ xây dựng, phát triển đất nước bằng những ý tưởng, đề án cụ thể. Ông cũng cảm ơn các chuyên gia người Việt đã hướng về quê hương, quan tâm đến khoa học công nghệ – một lĩnh vực mà đất nước đang có nhu cầu rất lớn trong chặng đường xây dựng, phát triển đất nước.
Khái lược tình hình đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn có tinh thần đổi mới, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2017, môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng 30 bậc, năng lực cạnh tranh tăng 20 bậc. Nhắc đến những khó khăn mà đất nước còn phải đối mặt, Thủ tướng cho biết, mặc dù là quốc gia gần 100 triệu dân, nhưng nền kinh tế Việt Nam chỉ đứng thứ 48 trên thế giới. Do đó, nếu không phát triển mạnh mẽ thì khoảng cách với các nước phát triển sẽ càng xa.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ coi cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó cốt lõi là dữ liệu lớn, nền tảng mở, robot và trí tuệ nhân tạo là cơ hội lớn mà nếu không nắm bắt được thì sẽ tụt hậu. Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài có điều kiện phát huy kinh nghiệm từ nền khoa học công nghệ phát triển kết hợp với những trí thức trong nước. Xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0 không có nghĩa là yêu cầu các bạn về nước mà tiếp tục sinh sống, làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn có thể đóng góp xây dựng đất nước.
- Xem thêm: Kinh doanh FDI: Hai mặt, một vấn đề
Chính phủ sẽ quan tâm đến hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để các nhà khoa học người Việt khắp nơi đóng góp tài năng, trí tuệ và sức lực cho đất nước thông qua mạng lưới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu.