Trong khi ngân hàng trung ương của nhiều nước vẫn đang cân nhắc tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trong khủng hoảng dịch bệnh, Việt Nam có thể sẽ không cần tới việc cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản như đã dự báo, nhờ sự phục hồi tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và lạm phát được kiểm soát một cách tương đối.
Không cần giảm lãi suất
Nhận định của Ngân hàng HSBC cách đây vài tháng cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có thể sẽ phải tiếp tục đợt cắt giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi dần trong thời khủng hoảng dịch Covid-19 nay không còn phù hợp. Ngân hàng này vừa công bố bản báo cáo mới, cho biết không còn nghĩ rằng cơ quan tiền tệ của Việt Nam sẽ phải cắt giảm 50 điểm lãi suất trong quý 3.
Theo HSBC, sau khi Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19 gây ra, nền kinh tế trong nước có những dấu hiệu phục hồi nhanh hơn so với dự đoán trước đó của ngân hàng HSBC.
Theo chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC, mặc dù Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng quý so với cùng kỳ yếu nhất trong lịch sử, nhưng trong qúy 2 vừa qua vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực gây ngạc nhiên cho thị trường. Trong khi khi ngành du lịch giảm gần 100% trong quý, khu vực sản xuất trong nước đã có những tín hiệu phục hồi nhờ đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, sản xuất liên quan đến ngành hàng điện tử đã phần nào bù đắp điểm yếu trong các lĩnh vực sản xuất truyền thống.
GDP trong quý 2 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 0,4% so với cùng kỳ, bất chấp những dự đoán của thị trường về sự thu hẹp trong hoạt động kinh tế của đất nước.
Trong khi đó, theo nhận định của Ngân hàng ING (Hà Lan), với nguy cơ xảy ra làn sóng Covid-19 thứ hai, nhiều ngân hàng sẽ phải tiếp tục sử dụng đến các chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Lấy ví dụ Ngân hàng Trung ương của Malaysia, cơ quan này đã cắt giảm lãi suất qua đêm tổng cộng 100 điểm cơ bản từ đầu năm tới nay, xuống còn 2% – mức thấp chưa từng thấy. Một lần cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản nữa có thể sẽ xảy ra trong tuần này, theo ING dự báo.
Nâng dự báo tăng trưởng
Quay trở lại với câu chuyện ở Việt Nam, theo HSBC, lĩnh vực dịch vụ là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng quý 2. Sau mức tăng trưởng trung bình 7% so với cùng kỳ trong những năm gần đây, lĩnh vực này đã giảm 1,8% so với cùng kỳ do tác động của giãn cách xã hội toàn cầu và tại Việt Nam. Dữ liệu GDP cho thấy dịch vụ chỗ ở đã suy giảm gần 30% trong khi dịch vụ vận tải giảm khoảng 5% so với cùng kỳ trong quý 2.
Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch vụ đều chịu tác động tiêu cực như nhau. Ngành bán lẻ và bán buôn vẫn tăng trưởng gần 3%, báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ hơn từ nhu cầu trong nước: doanh số bán lẻ tăng mạnh trở lại trong tháng 5 từ mức giảm 20% ghi nhận trong tháng 4 vừa qua.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác như tài chính, giáo dục và thông tin – truyền thông đã giữ được sự kiên cường chống chọi với dịch Covid-19.
Lĩnh vực sản xuất cũng giữ vững khả năng phục hồi hơn dự đoán. Không giống như dịch vụ, sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng 3,2% so với cùng kỳ trong quý 2. Khả năng phục hồi bất ngờ này có thể đến từ sản xuất công nghiệp trong tháng 6. Sau hai tháng suy giảm, sản xuất công nghiệp phục hồi 9,3%, với những cải thiện đến từ sản xuất điện tử.
Ngoài ra, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) tháng 6 của Việt Nam đã nhảy vọt lên 51,1. Các chỉ số phụ như đầu ra và đơn đặt hàng mới đã có sự hồi phục mạnh mẽ, báo hiệu một sự cải tiến liên tục trong lĩnh vực này.
Dưới góc độ thương mại, xuất khẩu trong quý 2 giảm 9,4% so với cùng kỳ – sự suy giảm lớn nhất trong 11 năm trở lại đây. Nhưng tác động của dịch bệnh không đồng đều khi xuất khẩu sản xuất dệt may và giày dép đã giảm đáng kể ở mức 25% so với cùng kỳ do nhu cầu giảm từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, tác động đến xuất khẩu điện tử thì ít hơn. Trong khi lô hàng điện thoại thông minh đã giảm với tốc độ tương tự như hàng may mặc, xuất khẩu linh kiện điện tử và máy tính đã giúp hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ trong các lô hàng công nghệ, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ.
Trong khi đó áp lực lạm phát của Việt Nam đã giảm dần do các tác động không đồng đều của Covid-19. Lạm phát tiêu đề giảm một nửa từ 5,6% trong quý 1 xuống 2,8% trong quý 2, nhờ giá dầu thấp hơn.
Tuy nhiên, giá cả thực phẩm vẫn tăng trong tháng 6. Lạm phát thực phẩm tăng 12% so với cùng kỳ trong quý 2, thậm chí tăng nhanh hơn so với quý 1(10%).
Vì những lý do trên, bộ phận nghiên cứu của HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 lên 3% từ mức 1,6% dự báo trước đó và giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2021 từ mức 9,1% xuống còn 8,5%.
“Ngoài ra, chúng tôi nâng dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2020 từ mức 2,7% lên mức 3,3% do giá thực phẩm dự báo tiếp tục tăng. Với sự phục hồi tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và lạm phát được kiểm soát tương đối trong năm nay, giờ đây chúng tôi không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cắt giảm 50 điểm lãi suất trong quý 3. Mức lãi suất tái cấp vốn của NHNN sẽ được giữ nguyên ở mức 4,5% trong suốt năm 2020”, báo cáo viết.