Trong năm 2021, chương trình Chống hàng giả và Gian lận ACF từ HP đã thu giữ hơn 3,5 triệu sản phẩm, bộ phận và linh kiện in ấn (bao gồm số lượng lớn mực in và hộp mực) giả mạo trên khắp các khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA), châu Á – Thái Bình Dương (APAC) và châu Mỹ.
Theo báo cáo ACF, từ tháng 11/2020 đến tháng 10/2021, HP đã thu giữ 646.000 sản phẩm in ấn giả mạo khắp Trung Đông và châu Phi, hơn 400.000 mặt hàng khắp châu Mỹ và 2,5 triệu sản phẩm khác ở khu vực APAC. Đồng thời, hơn 159.000 sản phẩm giả đã bị bắt giữ trên toàn khu vực châu Á. Thái Lan được ghi nhận là quốc gia có số lượng hàng giả cao nhất khu vực với 143.700 sản phẩm được phát hiện.
Tại Việt Nam, hơn 5.200 mặt hàng giả bị tịch thu, bao gồm hộp mực, túi mực, nhãn bảo mật mực, nhãn bảo mật mực giả và nhãn thân hộp mực giả.
Ông Guillaume Gerardin – Tổng giám đốc cung cấp dịch vụ in ấn HP toàn cầu cho biết: “Những cá nhân giả danh đang ngày càng sử dụng các thủ đoạn tinh vi hơn và dần lấn sân sang không gian trực tuyến. Điều này gây những khó khăn rất lớn cho người tiêu dùng khi không thể trực tiếp kiểm tra sản phẩm mực in giả ngay tại thời điểm mua hàng. Để truy lùng các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, HP đã và đang nỗ lực rà soát hàng triệu trang web buôn bán trực tuyến nhằm phát hiện, xoá sổ các đơn vị giả mạo và truy tìm nguồn gốc những mặt hàng bất hợp pháp này”.
Theo HP, trong kỷ nguyên số, vấn nạn hàng giả càng trở nên nghiêm trọng với các hình thức buôn bán trực tuyến tinh vi hơn. Dưới tác động của đại dịch, xu hướng này ngày càng tăng cao, đẩy tỉ lệ tiêu huỷ các mặt hàng giả trực tuyến của HP tăng đến 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đấu tranh trước thực trạng này, HP đã và đang hợp tác cùng đơn vị chợ trực tuyến và các bên thứ ba nhằm đưa ra những quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn để có thể phát hiện các sản phẩm và đối tượng lừa đảo tình nghi. Đồng thời, HP cũng đầu tư vào đào tạo và nâng cao nhận thức người tiêu dùng thông qua các sự kiện trực tuyến với sự tham gia của hàng triệu đối tác, khách hàng.