Chân quê là thi sĩ Nguyễn Bính nay tròn trăm năm sinh. Điển tích điển cố là nghệ thuật dẫn truyện lấy chữ như một thủ pháp nghệ thuật, biện pháp tu từ, dạng thức độc đáo để chuyển tải cảm hứng cảm xúc, ký thác tình cảm, xây dựng hình tượng nghệ thuật… mang phương thức chuyển nghĩa có tính ẩn dụ một cách ngắn gọn hàm súc phù hợp tư duy thơ phương Đông, được sử dụng lâu đời, quen thuộc và phổ biến trong văn học cổ Việt Nam và trở thành chất liệu tồn tại và hành chức trong Thơ Mới qua cái tôi trữ tình nội cảm.
Dấu điển xanh chân quê chân phố
Nguyễn Bính là một trong những đỉnh cao riêng biệt trong dòng Thơ Mới nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Đóng góp lớn nhất của ông là bằng sáng tạo độc đáo của mình đã đưa hồn dân tộc vào thi ca Việt Nam hiện đại.
Nhà thơ chân quê sở trường hai thể thơ là lục bát và thất ngôn với phong cách thấm đượm chất dân gian, bản sắc hồn dân tộc. Theo tiêu chí phong cách học, ta thấy lớp từ vựng trong thơ Nguyễn Bính vừa trong sáng dân dã mang hồn cốt làng quê Việt vừa mang dấu vết Hán học tri thức sách vở định danh ở lớp từ ngữ điển tích điển cố nhẹ nhàng tự nhiên.
Nếu xét tổng thể bộ Nguyễn Bính toàn tập (Nxb Văn học, 2008), 272 bài thơ viết trước Cách mạng của Nguyễn Bính, tính ra có đến 112 đơn vị điển rải rác trong 50 bài thơ. Mức độ sử dụng như vậy là đậm đặc, trội hơn hẳn các nhà thơ cùng thời. Không thuần túy dùng điển như một phương tiện điểm xuyết, tạo không khí cổ điển…
Nguyễn Bính dùng điển tự nhiên mượn cảm hứng sáng tạo, nâng cao khả năng biểu hiện và tính hàm súc của ngôn ngữ – hình tượng thơ, ngụ tâm tình đồng cảm… làm nên phong cách thi sĩ chân quê mà phố thị, tạo được diện mạo nghệ sĩ tự nhiên mà kiến văn dày dặn trong giọng điệu, âm hưởng riêng vừa cổ kính vừa hiện đại, gây nên những hiệu ứng thẩm mĩ và ấn tượng đối với người đọc, có lượng công chúng đông đảo nhất ở Việt Nam cả tầng lớp bình dân lẫn trí thức. Ngay cả bản thân Nguyễn Bính cũng thừa nhận thơ mình chỉ có “vài câu thơ tuyệt diệu… Tôi thích nhất hai câu thơ này trong bài Xóm Ngự Viên: Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng Phấn – Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên”.
Nếu xét riêng tổng số 133 bài thơ lục bát, có 14 bài thơ Nguyễn Bính sử dụng điển với số lượng trích dẫn là 20 lần. Trong đó, 19 điển khá quen thuộc trong văn học Trung Quốc. Và chỉ có bài Xây hồ bán nguyệt dùng điển thuộc về văn học Việt Nam – truyện Oan Thị Kính. Đầu xanh chịu mấy lần tang ái tình – Oan Thị Kính, oán tày đình – Bỗng nhiên rời bỏ kinh thành mà đi.
Cứ liệu sách vở qua thi pháp dân gian với hệ thống mã nhận thức – thẩm mĩ được mở rộng ở cái tôi nội cảm – đồng vọng, đưa vào những khái niệm mới, những hình tượng sinh động, những cảm xúc thẩm mĩ tươi mới, những nội dung tư tưởng mới của thơ hiện đại. Cải vỏ cấu trúc câu thơ trong ca dao được Nguyễn Bính giữ lại, thổi vào đó tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, nỗi niềm của kẻ chân quê bước ra phố thị, mang trầm tích văn hóa phương Đông giao thời phương Tây, nỗi đau thương nhớ của cái tôi dở dang mang ký ức văn hóa đồng bào mình, “hồn xưa của đất nước” (Hoài Thanh) tươi mới dung dị mà đau đáu dang dở.
Ấy là Xóm Ngự Viên như một nước Việt Nam thu nhỏ với phong cảnh tuyệt trần, con người thanh cao… thuộc căn tính văn hóa truyền thống dân tộc. Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển – Là đây hoa cỏ giống vườn tiên. Nhưng vườn ấy đã dần đô thị hóa, thực dân hóa… rỏ máu Đỗ quyên đau thay đất nước. Trong buổi giao thời mưa Âu gió Á, người quê có Nho học ấy cứ mãi dùng dằng làm khách ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên giữa cũ mới, mất còn… làm nên một phong cách thơ, một diện mạo nhân sinh nhìn ra thế giới.
Chữ đôi bờ nội cảm đồng vọng
Để tiện theo dõi, phân loại và đánh giá, có thể thấy điển trong thơ Nguyễn Bính được phân làm ba nhóm: điển địa danh, nhân danh và các điển truyện – thơ ca.
Đất mang tên hóa thạch chứa đựng hồn trầm tích văn hóa. Hệ thống từ ngữ điển tích điển cố trong thơ Nguyễn Bính mang rất nhiều địa danh ở hai dạng. Dạng 1 có giá trị tự thân như một biểu tượng, dạng 2 địa danh liên quan đến nhân danh, tên đất gắn với tên người. Tên đất được sống lại qua cái tôi trực cảm.
Dạng 1 khó sử dụng. Đòi hỏi người dùng có trầm tích văn hóa căn cốt, biết chọn lựa, thấu cảm nhập hồn và tự nhiên trực cảm trong nghệ thuật sử dụng sáng tạo, gọi ra tên những đường Sạn Đạo, hồ Ba Bể, Bát Tràng, sông Tương, mây Tần… cụ thể quen thuộc mà hàm nghĩa rộng và giàu cảm xúc thẩm mĩ liên tưởng hơn cả biểu tượng tự thân.
Chân quê mà lang thang phố thị, nguyên sơ quê mùa mà hoa phấn bao thay đổi… Mùa đông gửi cố nhân là thổi hồn buồn khát khao ký gửi vô vọng. Buồn đến lòng tôi rồi hạ trại – Đốt đường Sạn Đạo luôn ở đây. Trương Lương đốt đường Sạn Đạo – con đường xây bằng cầu treo, ván gỗ đi qua núi non hiểm trở – để quân sĩ của Lưu Bang chẳng nghĩ ngày về, một lòng một dạ với chủ. Nói điển mà như không. Như không mà đau đáu đầy nỗi buồn mãi trong lòng người chẳng có đường ra.
Hồ Ba Bể là cái tên quen thuộc với người Việt, gắn liền với câu chuyện người đàn bà ăn mày vốn là con giao long bị dân làng ruồng bỏ nên đã nhấn chìm cả làng trong cơn đại hồng thủy, chỉ cứu lại hai mẹ con bà góa đã giúp đỡ người ăn mày. Trong Chị đã ghen, Nguyễn Bính dùng điển nhẹ gọn tự nhiên diễn tả cơn ghen đàn bà. Sóng hồ Ba Bể dâng cao quá – Con trạch Ngân hà vỡ tứ tung.
Dạng 2 là địa danh gắn liền với nhân danh, sự vật sự việc. Nguyễn Bính sử dụng dạng này gắn chuyện việc lý thú xa xưa làm cho thơ vừa bàng bạc lớp rêu thời gian hoài vọng vừa tự nhiên nhẹ nhàng, như sợi dây tơ lòng mong manh nối liền tâm thế thi nhân xưa nay vốn mang. Tập thơ Hậu đình hoa được Trần hậu chủ thời Nam Bắc Triều phổ nhạc, như một khúc ca mất nước.
Nuối tiếc quá vãng, thương cảm một thời, đau bạc lòng thực tại mà Xóm Ngự Viên ngân lên. Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa – Khúc Hậu đình hoa hát tự nhiên. Địa danh Ô Giang gợi lại một thời gió mưa tranh chấp, nỗi đau lỡ bước Hạng Vũ hay mộng đau lỡ làng Nguyễn Bính trong buổi giao thời. Phải đâu Ba Thục hay bờ Ô Giang…
Nhóm 2, điển nhân danh gắn liền với tên hiệu, tên gọi chức danh, cách xưng hô… của một nhân vật trong lịch sử, truyền thuyết, văn hóa văn học… chiếm tỷ lệ lớn trong thơ Nguyễn Bính. Hầu hết điển nhân danh đều có nguồn gốc Hán nhưng được Nguyễn Bính sử dụng đa dạng sinh động, cụ thể quen thuộc dễ hiểu mà khái quát, ngầm ẩn ý nghĩa sâu sắc. Chuyện Chiêu Quân cống Hồ rất phổ biến, Nguyễn Bính sử dụng nhẹ nhàng đau đáu như Một con sông lạnh thở dài. Lạy trời đừng sáng đêm nay.
Ai chẳng biết hiệp khách Kinh Kha qua sông một đi không trở lại. Đây là nhân vật nam được nhắc nhiều nhất, những 4 lần. Và chỉ một lần dùng đến chính danh. Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén – Ai kẻ dâng vàng kẻ biếu tay. Nó gợi lại câu chuyện được biệt đãi tặng đôi ay đẹp mỹ nữ và lời thề đi qua sông Dịch đầu không ngoảnh lại ở dũng sĩ họ Kinh.
Nó cũng ngầm chứa nỗi niềm mộng tha hương của kẻ Hành phương Nam. Ấy là hiệp khách tài cao mà cũng là nỗi niềm Con nhà Nho cũ có học ý thức về mình trong thời thế. Có tài kẻ chuốc người mua – Chặt tay mĩ nữ ném rùa vàng thoi. Tài tình tráng sĩ – nghệ sĩ nhiều khi Cùng một lứa bên trời lận đận như trò chơi thí tốt. Cờ chưa tàn, pháo chưa hoàn – Con sông Dịch đó còn sang tốt đầu. Tráng sĩ kỳ tài đi không về, sông Dịch vẫn lạnh chảy. Nghệ sĩ trời phú mãi dở dang lận đận, con chữ lạnh gió mưa phùn.
Xuân vẫn tha hương trong đau đáu khát khao vô cùng. Sông lạnh thấy đâu người gọi gió – Trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm. Am hiểu và thấu cảm. Lẩy ra một vài đặc điểm mang tính điển hình, hình tượng trong điển tích hiện ra rõ nét sinh động. Và soi vào đó thấy chủ thể trữ tình sáng tạo đầy nỗi niềm. Ấy là tài dùng điển mà không sính sách vở.
Thi sĩ chân quê mà lãng du, sống thực mà lãng mạn mộng mơ, đa tài mà lụy tình… Phải rất đồng cảm, trong Thi tiên Lý Bạch tự do cá tính, hai lần nhắc đến mà không gọi tên. Đó đều là những khách trời đày. Cho tôi ly nữa phóng túng bất cần. Tôi say mơ thấy vị trích tiên – Vua gọi mà không chạy xuống thuyền. Ấy là ký ức tốt đẹp Xóm Ngự Viên như một thời hoàng kim lưu giữ trời xanh. Mẫu đơn nở đỏ nhà vua nhớ – Câu chuyện hô lai bất thướng thuyền.
Tất nhiên, trong nhóm điển liên quan đến nhân danh trong thơ Nguyễn Bính, số lượng nhân vật nam nổi trội hơn nữ. Ấy là do đặc điểm văn hóa truyền thống phương Đông và phù hợp với kẻ sớm tự lập, thích giang hồ gió bụi như Nguyễn Bính. Dù Tạ từ, mộng không thành, vẫn thèm một “mắt xanh” gợi nhớ điển Nguyễn Tịch. Mắt xanh may được chàng thương tiếc. Mặt khác thi sĩ chân quê vốn mang tâm hồn đa cảm đa tình, khát khao say mê bóng Đẹp, điển nhân vật nữ chiếm tần số xuất hiện trội… với những Hằng Nga (4 lần), Chức Nữ (6 lần), Tây Thi (8 lần), Huyền Trân (8 lần)…
Ấy cũng là tâm thức mang thiên tính nữ trong văn hóa Việt. Mùa xuân là cả một mùa xanh… Bắt đầu là cái thắt lưng xanh. Nó nói lên quan điểm sống, lý tưởng, chí hướng, tính cách… người sử dụng điển, lấy xưa nói nay, dùng người nói mình. Nàng thơ là nguồn cảm hứng cho người thơ được biểu hiện đa dạng sinh động. Nàng Tây Thi, những 5 lần gọi tên, gián tiếp gợi nhớ tích truyện người đẹp bắn liền với địa danh Trữ La.
Này là xóm Trữ La thu hẹp không – thời gian ngóng nhớ. Con đường sang xóm Trữ La – Cách một ngày ngựa với ba ngày đò… Này là Trữ La thôn trong Mùa đông gửi cố nhân ấm vàng sợi nắng… Để nhớ một hôm vàng những nắng – Đưa nàng trở lại Trữ La thôn. Này là bến Trữ La, thuyền mãi trôi, nhớ bến… Nhớ người trong nắng hồn nguyên sơ căn nguyên trong máu thịt khát khao. Hồn này lãng đãng trôi trong nắng – Cho được trôi về bến Trữ La…
Chẳng những sành văn hóa Hán học, am hiểu tường tận về điển, thấu cảm trong một nét mà hồn người và hồn mình hòa như một giải cứu dở dang. Không sính lý trí hàn lâm mà hồn chủ thể trữ tình biến hóa đậm tính dân tộc làng quê sông nước đầy thương cảm.
Dạng thức dùng điển lấy chữ trong thơ Nguyễn Bính rất phong phú đa dạng và tự nhiên. Có rất nhiều lối như minh dụng, ám dụng, tá dụng, tục tự… thông qua tâm trạng, cái nhìn, giọng điệu cá thể mang hồn thời đại. Còn có thể kể đến dạng điển tích truyện, mô típ ca dao, điển thơ ca từ thơ Đường cho đến thơ cổ điển dân tộc với những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Dạng này dễ nhận ra tạo hiệu ứng nội cảm đồng vọng và đã được nhiều người nhắc đến ở biệt tài ứng khẩu thành thơ tự nhiên của Nguyễn Bính như một khách lỡ làng mộng Mưa xuân…
Hạt mưa ôm nguyên vẹn Xuân thương
Nguyễn Bính có một vị trí riêng và bền lâu trong Thơ Mới là vậy. Tả cảnh quê thì không chân thực, tự nhiên, sắc nét chi tiết như Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ. Dùng điển thì không Tây hiện đại như Xuân Diệu, không hàn lâm, sang trọng, uyên bác như người cũ trong Thơ Mới như Vũ Hoàng Chương. Nhưng Nguyễn Bính không tả cảnh quê mà nhập thân vào hồn quê hồn cảnh, chữ đơn sơ, cảnh bình thường được nhìn bằng tâm tưởng làm nên những câu thơ như điện tích tâm hồn dân tộc.
Dùng điển tự nhiên mà nhuần nhuyễn, vận dụng sáng tạo làm nên những câu thơ trữ tình hấp dẫn. Những tích chuyện, những câu từ cũ được sử dụng tự nhiên phù hợp ngữ cảnh bảo đảm tính khái quát tường minh, tính hình tượng, tính liên tưởng, tính cô đọng hàm súc, tính đa dạng linh động của cái tôi nội cảm đồng vọng, phù hợp với suy nghĩ, tính cách, tâm hồn người Việt trong vẻ đẹp giản ước, ý tại ngôn ngoại.
Chén xuân chan chứa bao tình – Cỏ thơm xơ xác, con oanh thẫn thờ – Sáng mai chàng đã đi chưa – Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng. Ấy là bài thơ cổ Hoa Hạ qua bản dịch tài hoa của Nguyễn Bính như một linh cảm mệnh bạc. Khách giang hồ tự nhận Tôi là thi sĩ của thương yêu quá giang trên hai bờ tâm tưởng Một mình làm cả cuộc phân ly.
Mất sớm năm 49 tuổi trong 30 tết ở nhà bạn. Đời thơ nặng tình mà mãi dở dang. Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng. Và chính cái dở dang, đau đẹp ấy sống mãi. Ấy là nhờ chân thật, tự nhiên mà giao hòa, mộc mạc mặn mà và sâu sắc tế nhị, dân gian – cổ điển mà hiện đại trong con chữ giàu cảm xúc, thoáng tư duy, ngân ý tình hình nhạc… hợp với phong cách, tâm hồn Á Đông. Dở dang trong Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân…