Hơn một tuần lễ đã trôi qua sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị quân đội phế truất, tình hình tại Ai Cập được đánh giá là đang rơi vào thế tình rất hỗn loạn. Dư luận đang lo ngại về một sự phản kháng quyết liệt của tổ chức Anh Em Hồi giáo và những người ủng hộ ông Morsi không chấp nhận cuộc chính biến mà họ cho là một cuộc đảo chính của lực lượng quân đội. Ít nhất đã có 36 người chết và hơn 1.000 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa hai bên tại thủ đôCairohôm cuối tuần qua.
Liệu rồi đây tương lai của Ai Cập sẽ ra sao và những tác động của nó tới tình hình khu vực sẽ thế nào?
Ngày 30-6, hàng triệu người Ai Cập đã tràn xuống các đường phố thể hiện quyết tâm phế truất Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi, đánh dấu sự thất bại của cuộc Cách mạng Hoa Nhài bùng nổ cách đây hai năm.
Ngày 4-7, Quân đội Ai Cập tuyên bố lật đổ Tổng thống Morsi và công bố thực hiện quá trình chuyển đổi chính trị với sự hỗ trợ của phần lớn các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và tầng lớp trẻở đất nước. Ngay sau đó, Chủ tịch tòa án hiến pháp tối cao Adly Mansour trở thành tổng thống lâm thời của đất nước, dưới sự hỗ trợ của Hội đồng lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới được tổ chức.
Tổng thống lâm thời Adly Mansour (giữa)
Sau bài phát biểu của Tướng lĩnh quân đội Abdel Fattah al-Sisi, hàng trăm ngàn người biểu tình chống Morsi ở quảng trường Tahrir trung tâmCairođã reo hò ủng hộ, bắn pháo hoa và vẫy cờ ăn mừng chiến thắng.
Có vẻ như hình ảnh cuộc Cách mạng Hoa Nhài lật đổ Tổng thống Mubarak cách đây hai năm rưỡi đang được tái hiện. Ông Mubarak đã buộc phải từ chức sau cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày của người dân Ai Cập, yêu cầu phải thay đổi một nhà nước dân chủ hình thức trở thành một nhà nước dân chủ thực sự.
Ai Cập đã phải tồn tại trong một năm dưới chế độ quân sự cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng hồi năm ngoái đã đưa Mohamed Morsi, người có lập trường Hồi giáo bảo thủ, lên nắm quyền với 51,7% phiếu bầu.
Tuy nhiên, Tổng thống Morsi không thể tại vị quá một năm khi mỗi ngày những chỉ trích về ông một nhiều. Cuối cùng, chính quân đội trước kia là lực lượng cho ông cơ hội để trở thành tổng thống thì nay cũng đã quay lưng lại và hạ ông xuống khỏi chiếc ghế này.
Không vượt qua được khủng hoảng
Trong một năm điều hành, trái với việc phải tập trung thay đổi các chính sách kinh tế mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, ông Morsi và tổ chức Anh Em Hồi giáo đã chỉ cố gắng củng cố quyền lực và ngày càng mất dân chủ trong cách lèo lái con thuyền Ai Cập vượt qua khủng hoảng chính trị.
Sau một năm, trong điều kiện đời sống càng lúc càng khắc nghiệt, đa số người dân Ai Cập cho rằng Anh Em Hồi giáo đang dần quay trở lại với chế độ độc tài trước đây của Tổng thống Mubarak và đang muốn “nhuốm màu” Hồi giáo vào hiến pháp của nước này.
Theo tạp chí Afrique, cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ những thất bại về kinh tế và chính trị của chính quyền Morsi, những thất bại do không tôn trọng đầy đủ quyền tự do cá nhân, kể cả quyền tự do kinh tế, vốn là cơ sở mang lại thịnh vượng. Hơn 50 người chết và 700 người khác bị thương trong các cuộc biểu tình bạo lực do thiếu xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác. Tình hình đó dẫn đến cảnh người tiêu dùng rồng rắn xếp hàng dài chờ mua hàng, bằng chứng cho thấy các chính sách của Tổng thống Morsi xung đột với cách tiếp cận thiên về thị trường và quyền tự do vốn là những yếu tố thuận cho việc nâng cao mức sống của người dân.
Nền kinh tế Ai Cập xấu đi nghiêm trọng. Sau cuộc cách mạng lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm xuống chỉ còn 2,2% trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức 5,1% trong thời kỳ 2009-2010.
Theo dự báo, tăng trưởng có thể sẽ còn giảm tiếp và chỉ còn 2% trong nửa đầu năm 2013. Hơn nữa, đồng livre Ai Cập mất 12,5% giá trị so với đồng USD.
Tăng trưởng kinh tế giảm làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp và tình trạng nghèo khổở Ai Cập, nước có tới 82,5 triệu dân.
Thế chân tường của tổ chức Anh Em Hồi giáo
Lực lượng quân đội Ai Cập xuất hiện trở lại trên các đường phốở thủ đô Cairo, tạo thành một hàng rào thép xung quanh trụ sở của tổ chức Anh Em Hồi giáo ở phía bắc thành phố này, nơi những người ủng hộ ông Morsi đang tập trung và dự định tổ chức các cuộc biểu tình lớn với quyết tâm đưa lãnh đạo của họ quay trở lại nắm quyền.
Ông Gehad El Haddad, người phát ngôn của tổ chức Anh Em Hồi giáo cho biết: “Bắt đầu là một cuộc đảo chính quân sự. Và giờ đây mọi việc đang dần đi xa hơn cả một cuộc đảo chính. Từ đêm qua tới giờ, người ta đang đặt ra câu hỏi về những âm mưu của quân đội nhằm giải tán tổ chức Anh Em Hồi giáo”.
Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng công tố Ai Cập Meguid Mahmoud đã ban bố lệnh cấm đi lại đối với Tổng thống bị phế truất Morsi và 35 thành viên của tổ chức Anh Em Hồi giáo để điều tra về các cáo buộc sát hại người biểu tình.
Với làn sóng bắt giữ hàng loạt các thủ lĩnh và các thành viên của tổ chức Anh Em Hồi giáo, lực lượng này dường như đang bị dồn vào thế chân tường. Một lực lượng chính trị cầm quyền giờ đây phải tìm kiếm sự trú ẩn an toàn phía sau hàng rào những người ủng hộ của mình sẽ phản kháng ra sao? Đây là điều mà dư luận đang lo ngại khi tổ chức Anh Em Hồi giáo đã bác bỏ sự hợp tác với chính quyền mới. Trong khi đó, hàng nghìn người ủng hộ ông Morsi đã tập trung ở các thành phố lớn của Ai Cập tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình ngồi và thề sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ vị tổng thống hợp hiến của họ.
Thách thức trước mắt đối với Ai Cập là lực lượng nào sẽ đủ khả năng thay thế tổ chức Anh Em Hồi giáo lâu này được đánh giá là một phong trào có tổ chức tốt không chỉ riêng ở Ai Cập, mà còn ở nhiều quốc gia Ả Rập khác. Việc gạt Anh Em Hồi giáo ra khỏi tiến trình chính trị sẽ đẩy tổ chức này vào con đường cực đoan nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.
Tất cả những thách thức này được xem sẽ là những trở ngại không dễ gì vượt qua đối với bất kỳ chính quyền mới nào tại Ai Cập.
Ai Cập sẽ đi về đâu?
Những diễn tiến mới nhất tại Ai Cập có phải là cơ hội để nước này có điều kiện sửa chữa những sai lầm của cách mạng, hay là bước khởi đầu dẫn đến bạo lực và chia rẽ nguy hiểm hơn?
Khi Tướng Abdul Fattah al-Sisi, Tư lệnh tối cao của quân đội, thông báo đình chỉ bản Hiến pháp mới mang màu sắc Hồi giáo và công bố lộ trình trở lại nền dân chủ, ông đã thể hiện sự thận trọng bằng cách chỉ định người đứng đầu Tòa Hiến pháp Tối cao là Adly Mansour làm tổng thống lâm thời cho đến khi tổ chức bầu tổng thống và Quốc hội mới.
Người dân Ai Cập ăn mừng chiến thắng
Sự khôn khéo của vị tướng này là xuất hiện để đọc một bài diễn văn được phát trực tiếp trên truyền hình Ai Cập, bên cạnh ông là các lãnh đạo tôn giáo và chính trị quan trọng. Đây là hình ảnh đầy biểu tượng cho thấy rằng sau một thời gian xung đột giáo phái gia tăng, người đứng đầu Viện Hồi giáo al-Azhar và Giáo chủ của Giáo hội Ki tô phái Coptic đều ủng hộ Tướng Sisi.
Lãnh đạo của khối đối lập chính có tư tưởng tự do, ông Mohammed ElBaradei cũng lên tiếng rằng nguyện vọng của quần chúng đã được đáp ứng và cuộc cách mạng năm 2011 đã được tái khởi động.
Số lượng ủng hộ viên Morsi biểu tình hậu thuẫn tổng thống ở Quảng trường Rabba al-Adawiya ở Thành phố Nasr trong tuần vừa qua chẳng thấm vào đâu so với số người phản đối ông ở trung tâm thủ đô, nhưng rõ ràng đây là dấu hiệu cho thấy căng thẳng ở quốc gia này vẫn chưa được giải quyết.
Tổ chức Anh Em Hồi giáo là tổ chức Hồi giáo lớn nhất và lâu đời nhất ở Ai Cập và cũng là tổ chức chính trị mạnh nhất ở nước này. Kể từ khi họ thành lập một đảng chính trị hợp pháp sau cuộc nổi dậy năm 2011, tổ chức này đã chứng tỏ mình có thể huy động một mạng lưới trong dân chúng trên toàn quốc để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống, cho nên sẽ rất sai lầm nếu tìm cách loại họ ra khỏi đời sống chính trị Ai Cập.
Mặt khác, theo giới phân tích, những diễn biến vừa qua ở Ai Cập nhắc nhở rằng quân đội vẫn là thế lực hùng mạnh nhất khẳng định vai trò của mình là người bảo vệ các giá trị thế tục.
Tất cả tùy thuộc vào liệu họ có thể lập lại trật tự mà không đổ máu hay không. Sau đó sẽ là thử thách liệu họ có thực hiện được lời hứa thành lập một chính phủ gắn kết và đại diện đầy đủ để dẫn dắt Ai Cập qua thời kỳ sóng gió phía trước hay không.
Nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ sắp tới sẽ là giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng: đầu tư và du lịch đã bị tàn phá trước tình trạng bạo loạn và quản trị tồi.
Chính phủ mới không giải quyết được thì chuyện gì sẽ xảy ra? Rất có thể những cuộc biểu tình phản đối lại tiếp tục khiến tương lai Ai Cập trở nên càng mù mịt hơn.
V.Đ tổng hợp