Tất nhiên, không vì vậy mà các ngân hàng buộc phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Sau những tháng đầu năm tăng trưởng chậm chạp, đến cuối tháng 10 tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 7,02% và chạm mốc 9% một tháng sau đó. Mục tiêu cả năm như vậy là có thể, do tháng cuối năm thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Dù vậy, từ thực tế vấn đề nợ xấu, nợ quá hạn mà các ngân hàng thương mại phải gánh trong mấy năm qua và hiện vẫn còn lơ lửng trên đầu, các ngân hàng thời gian qua đã có sự thận trọng hơn khi cho vay. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong một khảo sát gần đây, có tới 40% số doanh nghiệp đang vướng vào nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và đây chính là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn vốn nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đình trệ do kinh tế suy thoái. Việc Ngân hàng Nhà nước gần đây có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp sẽ giúp các đơn vị đang khó khăn với các khoản nợ cũ có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn mới. Nhưng điều đó không đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ được vay vốn, mà quan trọng là họ phải chứng minh được hiệu quả kinh tế của dự án, nghĩa là có một dòng tiền tốt trong tương lai. Với ngân hàng, đó chính là sự linh hoạt trong khâu thẩm định và xét duyệt, chứ không phải hạ chuẩn cho vay, để vẫn đảm bảo được chất lượng tín dụng. Muốn được vay vốn trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp có nợ cũ phải cải thiện được năng lực tài chính và kinh doanh, thể hiện được khả năng sử dụng vốn vay một cách an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải quan tâm đến việc xử lý các khoản nợ đọng, có phương án giải quyết lượng hàng tồn kho, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường… để tạo niềm tin từ phía ngân hàng.
Việc các ngân hàng thương mại chấp nhận tài sản đảm bảo bằng dòng tiền của doanh nghiệp trong tương lai là một bước tiến đáng kể trong khâu quản trị rủi ro của ngân hàng, chứng tỏ họ đã nâng cao được nhận thức cũng như có các chính sách tốt về quản trị rủi ro trong khâu tín dụng. Trước nay, điểm yếu của nhiều ngân hàng thương mại là xét duyệt cho vay chỉ dựa trên tài sản đảm bảo chứ không chú trọng đến dòng tiền kinh doanh của khách hàng. Theo chiều ngược lại, để có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải quản trị được dòng tiền, có kế hoạch sử dụng đồng vốn một cách hợp lý, không vì lợi nhuận cao trong ngắn hạn mà quên đi sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thực ra, con số tăng trưởng tín dụng 11 – 12%/ năm của hệ thống ngân hàng là mức khá thấp so với nhu cầu về vốn của nền kinh tế. Để tốc độ tăng GDP trở lại mức 6 – 7%, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng phải tăng tương ứng. Với việc những nút thắt của nền kinh tế đang dần được tháo gỡ, nền kinh tế đang có những chuyển biến theo hướng tích cực thì sang năm 2014, nhu cầu về tín dụng và khả năng giải quyết tín dụng của các ngân hàng tăng lên, dự báo sẽ trong khoảng 14 – 15%. Bởi nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại hiện không thiếu, hàng ngàn tỉ đồng với lãi suất tối đa chỉ 9%/năm đang được các ngân hàng lên kế hoạch tung ra thị trường. Ngoài năm nhóm lĩnh vực ưu tiên vay vốn lãi suất thấp, hiện các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay phi sản xuất, như mua nhà đất, xe hơi…
Minh Hằng