Lý giải điều đó, bà cho rằng có lẽ do ký ức về Huế đã đi sâu vào tiềm thức nên mỗi khi sáng tác, những hoài niệm xưa cũ về Huế chợt sống lại, để cứ vẽ hoa sen lại nhớ đến sen hồ Tịnh Tâm, vẽ thiếu nữ lại hình dung tà áo dài nữ sinh Đồng Khánh, còn trong tranh phong cảnh luôn có chút gì gợi nhớ núi Ngự, sông Hương… Bởi thế bạn bè gọi tranh của bà là “một bảo tàng về Huế xưa”.
Sinh năm 1947 tại Huế, là em của cố họa sĩ Tôn Thất Văn, từ bé Tôn Nữ Tường Hoa đã đam mê và thể hiện năng khiếu hội họa. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1971, bà dạy vẽ và sáng tác ở Huế cho đến khi “tòng phu” về vùng Bình Thuận nắng gió vào đầu những năm 1980 và vẫn tiếp tục công việc giảng dạy hội họa. Chồng bà – họa sĩ Nguyễn Khoa Nhy – cũng là bạn đồng môn nên chia sẻ, hỗ trợ và cùng bà tham dự triển lãm tranh tại nhiều nơi: Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh… Năm 2000, họa sĩ Tôn Nữ Tường Hoa được mời đại diện cho Việt Nam dự triển lãm “Diện mạo châu Á” tại Pháp cùng các nước nói tiếng Pháp trong hai tháng. Thời gian đó, bà còn được mời dạy vẽ tranh lụa cho những người lớn tuổi và một số em học sinh trung học.
Từ khi nghỉ hưu năm 2002, bà Tường Hoa về sống ở TP. Hồ Chí Minh và dành nhiều thời gian cho sáng tác. Số lượng tranh bà vẽ trong vài năm gần đây như của một họa sĩ đang thời sung sức. Vẽ với những hoài niệm về đất cố đô nhưng bà không khỏi bùi ngùi: “Huế bây giờ khác xưa nhiều lắm, dẫu biết đó là quy luật phát triển của cuộc sống, nhưng tôi vẫn thấy tiếc nuối, ngậm ngùi khi nhớ về ngày xưa… Vẽ tranh là cách tôi giữ lại Huế mãi mãi trong ký ức của mình”.
Những bức tranh lụa càng trở nên trầm mặc, sâu lắng qua ký ức của nữ họa sĩ. Đó là Ký ức xanh bốn bức tứ bình trên nền lụa chỉ hai màu đen trắng: những nữ sinh Huế thong thả trong tà áo dài trắng, che nghiêng nón lá, ôm cặp sách đi qua cổng Đại nội, đứng trên bến chờ đò, ngồi đò sang sông và bước vào cổng Trường Đồng Khánh. Là những Phượng mơ, Đò trên bến Tượng, Chân dung mùa hạ, Lời chim tình tự, Vườn mộng, Vườn trăng, Áo vàng Đại nội… – tất cả đều bảng lảng khói sương, hư thực quyện vào nhau. Là những đóa hoa vô ưu, hoa sen, hoa sứ… mãn khai, tận hiến khiến người xem như ngửi cả làn hương.
Sử dụng kỹ thuật cả vẽ khô và nước, riêng màu trắng bà vẫn giữ truyền thống để nguyên màu lụa – một kỹ thuật đòi hỏi tay nghề cao để giữ được màu trắng tinh khôi của lụa.
Nói về tranh lụa của bà, họa sĩ Đinh Cường nhận xét: “Tranh lụa Tường Hoa mang âm điệu xưa, những vũ khúc huy hoàng, những suối tóc mây (Tóc mây một món chiếc dao vàng/ nghìn trùng e lệ phụng quân vương – Đoàn Phú Tứ). Chất lụa chín chứng tỏ một kỹ thuật vững vàng”. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng: “Tranh Tường Hoa chạm đến một thứ lòng trắc ẩn đã biến thành giáo điều. Loại giáo điều không làm phiền lòng ai, ngược lại có thể dẫn ta vừa tới những hoài niệm gây được ít nhiều xao xuyến”.