Lúc đó không ai nghĩ được rằng, bảy năm sau, mùa hè năm 2013, chương trình ấy đã không dừng lại ở tour xuyên Việt, mà sau khi xuyên Đông Dương vào năm ngoái, năm nay, chương trình sẽ xuyên châu Á.
Mọi ngả đường tìm đến với khán giả
Với ý tưởng mang âm nhạc cổ điển – một trong những tinh hoa văn hóa âm nhạc của loài người, đến với số đông công chúng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, vào tháng 7-2007 Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam cùng nhạc trưởng người Nhật Tetsuji Honna và nghệ sĩ khách mời Ai Okumura, một trong những tay đàn xuất sắc nhất của Nhật, đoạt nhiều giải thưởng cao nhất về trình tấu violon và từng chơi cùng rất nhiều dàn nhạc danh giá, mang chương trình Hòa nhạc Toyota xuyên Việt lần đầu tiên rong ruổi Bắc – Nam (biểu diễn tại năm thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nha Trang và TP.HCM. Trước đó, chương trình chỉ biểu diễn tại Hà Nội hoặc TP.HCM). Tác giả duy nhất được lựa chọn cho chương trình là Felix Mendelssohn – nhà soạn nhạc người Đức – một trong số những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của trường phái âm nhạc lãng mạn (Hành khúc đám cưới trích từ Giấc mộng đêm hè, Concerto cho violon và dàn nhạc cung Mi thứ, Giao hưởng số 4 cung La trưởng). Và giá vé thì được hạ xuống mức tối thiểu đối với một chương trình hòa nhạc, tại Hải Phòng, Huế và Nha Trang, chỉ 20-30 ngàn đồng/vé.
Nhưng con đường mang âm nhạc bác học đến với công chúng đông đảo không đơn giản chỉ bằng giá vé. Kiên trì và sáng tạo, hằng năm các chương trình Toyota xuyên Việt lại thêm nhiều “món” hấp dẫn mới, gần gũi hơn với công chúng, bên cạnh những giai điệu cổ điển quen thuộc của các tác giả hàng “kinh điển” như cha con nhà Strauss, Tchaikovsky, Leroy Anderson, Monti…, khán giả Việt Nam còn được nghe bản dân ca Trống cơm được soạn cho dàn nhạc giao hưởng. Và đặc biệt, lần đầu tiên một “trò chơi âm nhạc” được đưa lên sân khấu giao hưởng: các em bé từ năm tuổi trở lên có thể thử làm nhạc trưởng – nói như lời nhạc trưởng tài danh Nhật Bản Honna, đó là “trò chơi cực kỳ thú vị, chắc chắn sẽ tạo ấn tượng hết sức tốt đẹp về âm nhạc đối với các em nhỏ”. Và để tăng thêm sức lôi cuốn khán giả trẻ đến với âm nhạc cổ điển, trong hai mùa hè tiếp theo, 2009 và 2010, chương trình Hòa nhạc Toyota xuyên Việt có thêm sự góp mặt của hai khách mời là Mỹ Linh (2009), Thanh Lam (2010) với những ca khúc Việt Nam gắn liền với tên tuổi của họ.
Nhưng nỗ lực đi tìm khán giả (đặc biệt là khán giả trẻ) của những người thực hiện chương trình đã gặt hái kết quả nhanh chóng đến không ngờ. Cùng với những Hennessy Concert, Toyota Classic, Hòa nhạc Toyota đang trở thành món ăn tinh thần chất lượng cao được người yêu nhạc đón chờ hằng năm. Giá vé đã trở lại với “mức chuẩn” (vì sức hấp dẫn của chương trình nằm ở âm nhạc chứ không phải ở giá vé) và toàn bộ tiền bán vé được dành cho Quỹ Học bổng Toyota Hỗ trợ Tài năng trẻ Âm nhạc Việt Nam.
Nhưng Hòa nhạc Toyota không chỉ mang âm nhạc đến với khán giả…
Mà còn mang âm nhạc đi xa hơn nữa…
Năm ngoái, lần đầu tiên chương trình được mở rộng quy mô ra ba nước Đông Dương với tên gọi Hòa nhạc Toyota 2012 Việt Nam – Lào – Campuchia. Lần đầu tiên những giai điệu bất hủ của bản Tình ca (Hoàng Việt), Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn (Hoàng Hà) vang lên cùng với những hành khúc hân hoan, tưng bừng của Johhan Strauss II và những khúc nhạc tươi vui của nhà soạn nhạc người Mỹ Leroy Anderson trong nhà hát không còn chỗ trống ở thủ đô Vientian và Phnom Penh. Năm nay, chương trình còn đi xa hơn nữa…
Hòa nhạc Toyota 2013 sẽ mở đầu bằng đêm diễn tại Nhà hát TP.HCM vào ngày 30-7 và ngày 2, 3-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình được dàn dựng công phu và trình diễn bởi Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài ba người Nhật Bản Tetsuji Honna, hứa hẹn mang đến giá trị thưởng thức âm nhạc phong phú và những giai điệu tinh tế của Nhật Bản, Việt Nam và thế giới cho các khán giả yêu nhạc với hai tác phẩm của nhà soạn nhạc lãng mạn người Nga Tchaikovsky, giai điệu vui tươi Music for Symphony Orchestra của nhà soạn nhạc kiêm chỉ huy người Nhật Yasushi Akutagawa, và bài dân ca Quan họ Bắc Ninh Xe chỉ luồn kim được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng. Đặc biệt hơn, sau ba đêm diễn tại Việt Nam, Hòa nhạc Toyota 2013 sẽ tiếp tục lưu diễn tại bảy thành phố lớn của Nhật Bản trong thời gian từ 21-9 đến 1-10-2013. Trong các suất diễn của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Nhật, sẽ có thêm sự xuất hiện của NSND Lê Khanh với vai trò là người kể chuyện và nghệ sĩ piano Kodama Momo, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc, đặc biệt trong lĩnh vực nhạc cổ điển. Đây là một trong những hoạt động văn hóa nổi bật nhằm kỷ niệm Năm hữu nghị Nhật – Việt và 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Vậy là từ một đêm diễn duy nhất vào năm 1998 và từ chuyến xuyên Việt đầu tiên năm 2007, Hòa nhạc Toyota đã đi một chặng đường dài từ mục đích ban đầu hỗ trợ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam nâng cao chất lượng và trình độ biểu diễn đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đến mục tiêu mang những tinh hoa âm nhạc bác học đến với công chúng trẻ, nay chương trình còn trở thành một cầu nối giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ Việt Nam với khu vực và thế giới.
Thủy Phạm