Mức độ cạnh tranh tại hai nền kinh tế Nga và Ukraina đã giảm mạnh kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị bắt đầu từ tháng 4-2014 tại Ukraina, trong khi Mỹ tiếp tục vị trí dẫn đầu. Trong bản báo cáo thường niên do Viện Quản lý Phát triển (IMD) tại Thụy Sĩ phát hành tuần qua, Nga rớt từ hạng 38 xuống 45 trong danh sách 61 nền kinh tế được đánh giá. Trong khi đó, Ukraina đang chìm trong nội chiến bị hạ 11 bậc xuống hạng 60, chỉ đứng trên mỗi quốc gia chót bảng là Venezuela. Theo IMD, việc tụt hạng của hai nước phản ánh những tác động tiêu cực từ mâu thuẫn chính trị cho đến nhiều dấu hiệu bất ổn trong nền kinh tế khiến mức độ cạnh tranh của họ bị giảm sút mạnh trong mắt nhà đầu tư thế giới. Việc đối đầu giữa quân ly khai ủng hộ Moscow tại khu vực phía đông Ukraina và chính quyền Kiev đã khiến ít nhất 6.250 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rơi vào hoàn cảnh tỵ nạn. Không chỉ thế, hoạt động kinh tế tại Ukraina đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong năm qua khi chỉ số GDP ghi nhận mức tăng trưởng -6,5%. IMD cho hay Ukraina nhận được mức điểm số rất thấp trên mọi chỉ tiêu xét duyệt bao gồm hoạt động kinh tế, tính hiệu quả của nhà nước, tính hiệu quả của kinh doanh và cơ sở hạ tầng. Tương tự, tính cạnh tranh của kinh tế Nga bị tụt hạng vì châu Âu và Mỹ cắt đứt hầu hết mọi hoạt động kinh doanh với Moscow với mức độ cao nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Ngược lại, nền kinh tế Hoa Kỳ giữ vững vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, ba năm liên tiếp, nhờ vào hiệu quả kinh doanh cao, nền tài chính vững mạnh, khả năng sáng tạo và hiệu suất cao trong cơ sở hạ tầng. Hongkong tăng hai hạng, lên vị trí á quân trong khi Singapore xếp hạng 3. Trong khi đó, Thụy Sĩ rơi hai bậc xuống hạng 4. Thứ tự tiếp trong Top 10 là Canada (5), Luxembourg, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Đức (10). Bản báo cáo 2015 của IMD cho thấy năng suất và hiệu quả trong kinh doanh chính là yếu tố quyết định cao nhất ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh của một nền kinh tế khi so sánh với thị trường quốc tế. Giới doanh nghiệp tại các nước hàng đầu đã phải nỗ lực tối thiểu hóa mức độ tác động vào môi trường trong khi mang đến một cơ cấu tổ chức mạnh mẽ để người lao động có cơ hội phát huy bản thân. Trong nhóm những nền kinh tế đang phát triển, Brazil hạng 54, Nam Phi hạng 53, Trung Quốc hạng 22, Mexico hạng 39, Indonesia hạng 42 và Ấn Độ hạng 44.
Lâm Kiên theo AFP (DNSGCT)