Khi nói về làng Thanh Tiên, người Huế có câu ca:
“Làng Thanh Tiên có lịch có lề
Có sông Hương xanh mát có nghề làm hoa”.
Đó là hai câu thơ nói về nghề làm hoa giấy truyền thống của làng Thanh Tiên mà họ còn lưu giữ từ xưa đến nay.
Hoa giấy đón Tết
Làng Thanh Tiên xưa, có tên là làng Thanh Lan, thuộc tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghề làm hoa giấy xuất phát từ nhu cầu thờ cúng trong dân gian nên phần lớn nhà nào vào dịp Tết cũng đều có những cành hoa giấy trang trí ở nơi thờ tự như trang thờ Bà bổn mạng, trang Ông, trang Bếp,…
Bắt đầu từ tháng 10 đến tháng Chạp hằng năm, người dân trong làng bắt đầu làm hoa giấy để phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành lân cận. Thời gian làm bông giấy với các mốc thời gian như sau:
- Tháng 10, chặt tre về để chẻ tre làm chông, tăm.
- Tháng 11, làm giấy nhuộm, phơi khô, đục để tạo hình, dán cuốn tăm.
- Tháng 12, lên cây hoàn thiện sản phẩm, quấn bông.
Công đoạn làm hoa giấy Thanh Tiên rất công phu và tỉ mẩn bởi những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong làng. Các công đoạn làm cuống hoa (tăm), cành hoa (chông) thì phải phơi khô nhằm tránh ẩm mốc; nhuộm giấy, cắt giấy sao cho kỹ lưỡng, tận dụng tối đa diện tích giấy để làm hoa; cắt xếp từng chiếc hoa, kết hoa sao cho khéo. Lấy ruột cây sắn làm xốp, nhuộm đỏ, lấy dây chuối quấn kết các phần của hoa, hồ dán hoa được khuấy bằng bột lọc.
Ngày xưa, vật liệu để làm hoa giấy bao gồm giấy, chất liệu màu, tre làm cuống hoa, cành hoa tất cả đều tự cung tự cấp trong phạm vi địa phương hoặc có thể mua giấy ở các làng nghề khác. Trong những năm giữa thế kỉ XX, người dân mua giấy ở làng giấy Đốc Sơ. Giấy sau khi mua về được nhuộm màu và màu được chế biến từ hoa lá tự nhiên gồm cây hoa hòe, trái dành dành, bông ngót, trái mồng tơi,… nhằm tạo nên những mảng màu rất đẹp, tươi mới hòa hợp với thiên nhiên.
Giấy thủ công để làm hoa hiện nay thì đã có sẵn trên thị trường, ở quầy hàng chợ. Với nhiều chủng loại giấy dày mỏng, đậm nhạt, trơn nhám rất phong phú. Sau này, người làm còn dùng loại giấy kẽm hoặc tận dụng những mảnh giấy bạc từ bao thuốc lá để làm hoa giấy. Cũng có những người mua giấy trắng về và tự chế màu theo ý của mình và cũng như đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người mua.
Bộ đồ nghề làm hoa giấy gồm có bộ đục bằng sắt để đục cạnh, tạo hình dáng cho từng loại hoa như hồng, cúc, quỳ, nụ và rất nhiều chi tiết khác để kết thành cây hoa. Muốn làm được một loài hoa nào đó thì người thợ chỉ xếp chồng giấy và chắn đục cho ra hàng loạt sản phẩm theo ý mình. Tiếp đến là công đoạn chún, bấm, xoắn các loại hình hoa sao cho đúng kiểu, đúng màu. Mỗi gia đình làm nghề này có năm làm đến 1.000 – 1.500 cặp với giá bán từ .5000 – 7.000đồng/cặp.
Một cây bông kết từ 9 – 10 cành và có từ 100 – 200 bông, gồm bông ớt, bông quỳ, bông cúc, bông tường vi, bông huệ, bông lan, bông sứ… Người làm đã sắp xếp sao cho bông nhỏ nằm trên, bông to nằm dưới. Tùy người mua mà họ tự chọn bông và lấy ra khỏi cành. Một cây bông đã tạo nên một bức tranh đẹp với nhiều màu sắc chủ yếu là đỏ, trắng, vàng, lục, tím, xanh. Trong số các màu này thì các màu vàng, đỏ, tím, xanh là chủ đạo. Hoa giấy để được lâu thể hiện sự tôn kính trang nghiêm của người thân đối với tổ tiên, sau khi thờ xong 1 năm thì đốt cháy được. Sau này, nhiều nhà chuyển qua sử dụng vật liệu gỗ, giấy kẽm để làm hoa nhưng khi dâng hóa đốt khó cháy nên ít được người mua ưa chuộng.
Người làm hoa giấy tuy không cần nhiều vốn, nhưng lại thì tốn nhiều thời gian và công sức, đặc biệt phải đòi hỏi ở người làm có một đức tính kiên trì, cần mẫn, giàu ý sáng tạo để gửi gắm tâm hồn mình vào những bông hoa. Và ở làng Thanh Tiên, làng Mậu Tài vẫn còn các nghệ nhân, như: Nguyễn Hóa, Trần Dũng (làng Thanh Tiên), Hoàng Khiêm, Thanh Tâm (làng Mậu Tài) luôn gắn bó với nghề và mong sẽ giữ được mãi nghề này. Đặc biệt, tại vườn nhà của họa sĩ Thân Văn Huy đã nâng hoa giấy lên diện mạo mới đó là đưa hoa giấy vào nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trang trí gần gũi với người dân.
Sản phẩm mới hiện nay ở làng Thanh Tiên là phát triển hoa sen giấy với các sắc màu hồng, hồng đậm, vàng, trắng, xanh. Thân sen bằng tre, hóp, mây phải qua các công đoạn cắt, uốn, xoi lỗ, nhuộm màu cọng tre, 1 hoa từ 9 – 12 cánh sen, do họa sĩ Thân Văn Huy, nghệ nhân Nguyễn Hóa đều ở làng Thanh Tiên thực hiện, thu hút nhiều bạn trẻ và khách du lịch đến trải nghiệm tại tư gia.
Hoa tre/ bông đũa đầu năm
Sau những ngày Tết, trong mỗi gia đình người Huế bắt đầu lễ cúng đầu năm thì ở trang Bà bổn mạng còn có sử dụng thêm một loại bông đặc biệt đó là bông đũa, và làng nghề làm bông đũa ở Thanh Tiên cũng đã trở thành sản phẩm thủ công truyền thống góp phần làm đa dạng bản sắc Tết Cố đô.
Để làm bông tre, trước hết phải chọn là tre còn tươi, sau đó cưa tre thành từng đoạn dài khoảng 20cm, tạo thành hình tròn to bằng ngón tay cái, rồi dùng rựa để vót tre. Rựa, dao càng bén thì đường tre vót ra càng cong vút và sắc nét, người dùng dao sắc tước mỏng hoặc vót từng thớ tre lên đến đầu thì dừng lại, cứ thế tước tròn quanh thân tre, tạo nên cái hoa xoắn chằng chịt mà cánh hoa chính là các thớ tre tươi mỏng. Sau khi các cọng tre được vót ra đầy đặn thì dùng tay vo cho bông tre được tròn trịa hơn, phía dưới vót nhọn để khi cúng cắm vào đĩa xôi gọn gàng hơn.
Bông tre được nhuộm màu đỏ, màu gạch, màu cánh sen, màu vàng đậm để người mua tùy sở thích mà chọn lựa. Thông thường, người mua chọn màu đỏ nhiều hơn vì người ta quan niệm rằng cúng đầu năm sẽ được gặp nhiều may mắn, cái gì cũng đỏ như bông tre.
Hằng năm, từ ngày 4 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch, bông tre được bày bán khắp các chợ quê, chợ phố. Bông tre là lễ vật không thể thiếu trong cúng bổn mạng đầu năm thường vào ngày 8 – 9 tháng Giêng là cao điểm. Lễ vật dâng cúng bổn mạng đơn giản gồm hoa quả tươi, bánh trái, cau trầu rượu, một đĩa xôi, miếng thịt heo tợ, cặp bông tre.
Những nghệ nhân làm bông tre bây giờ không còn nhiều. Ông Trần Đình Luyện (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy), bà Lê Thị Quỳnh (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) đều cho hay chỉ cần 3 ngày ngồi làm thì có thể cung cấp đủ cho thị trường trong địa bàn, còn nếu bán thêm ra phố thì chừng 1 tuần đến 10 ngày, nếu đủ nguyên vật liệu.
Ngoài loại đũa bông tre thì ở Huế còn có dùng thêm loại bông lùng được Minh Trí mô tả trong bài “Ngày xuân với làng tranh, làng hoa thủ công ở Huế” đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ (1995), như sau “Trên trang thờ bổn mạng tại nhiều gia đình ở Huế, người ta còn dùng loại bông lùng để cúng. Lùng là tên gọi của một loại cây thân thảo, ruột trắng và xốp nên rất nhẹ và dễ uốn cong. Người thợ Thanh Tiên cắt thân cây lùng thành từng đoạn theo kích thước định sẵn rồi dùng một cây tròn cứng (tựa như chiếc đũa) để lấy phần ruột ra một cách nguyên vẹn (gọi là thụt phao). Ruột lùng được cuộn tròn theo những vòng tròn đồng tâm, thành loại hoa tròn và phẳng rồi dùng giấy màu xanh cắt thành lá để cuốn vào tăm làm cuống hoa, tạo nên một loại bông lùng khá lạ mắt, mà người đời nay hầu như đã quên đi nguồn gốc và ý nghĩa của việc thờ cúng bằng loại hoa đó”(*).