Tuyên bố từ Jakarta (Indonesia) tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng sự ổn định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương phụ thuộc rất nhiều vào việc thiết lập một bộ luật hàng hải có tính chất ràng buộc giữa các quốc gia liên quan, qua đó giúp các nước giải quyết một cách ôn hòa những tranh chấp tại Biển Đông cũng như tránh được những mâu thuẫn quân sự xảy ra tại một trong những khu vực hàng hải chiến lược và quan trọng nhất thế giới. Thời gian qua, Hoa Kỳ đã tỏ ra bất bình với những gì chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực nhằm gia tăng quyền lực và tầm kiểm soát trên nhiều vùng biển châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt phải kể đến tuyên bố hôm 23-11-2013 về Khu nhận diện phòng không (ADIZ) ngay trong khu vực biển Hoa Đông bao gồm các quần đảo nằm trong tranh chấp với Nhật Bản. Trả lời báo giới tại thủ đô Indonesia nhân chuyến công du đến châu Á và Trung Đông, ông Kerry khẳng định rằng tương lai cho sự ổn định của khu vực lệ thuộc vào sự thành công và tính chất khẩn trương trong nỗ lực tạo ra một bộ luật hàng hải. Nếu quá trình mâu thuẫn càng kéo dài, căng thẳng sẽ càng bị kìm nén và có thể nảy sinh những tính toán sai lầm dẫn đến việc châm ngòi cho các hoạt động quân sự vốn không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Do đó, ông Kerry kêu gọi các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nên đoàn kết cùng nhau thảo luận và tìm cách thuyết phục Trung Quốc ký kết một bản thỏa thuận đa phương về việc sở hữu vùng biển kéo dài ngoài khơi phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) đến phía đông duyên hải khu vực ASEAN.
Tàu hải giám Trung Quốc hoạt động trên vùng biển tranh chấp
Hiện tại, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền của khoảng 90% trong tổng số 3,5 triệu km2 của Biển Đông vốn được biết đến là hình ảnh đường lưỡi bò trên bản đồ địa lý. Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan nằm trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ cùng lên tiếng về quyền sở hữu một phần trong khu vực Biển Đông. Theo báo cáo tháng 3-2008 đưa ra từ Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, “đường lưỡi bò” chiếm giữ một lượng dự trữ dầu mỏ và khí đốt chưa được khai thác vô cùng khổng lồ, với dự tính có khả năng sản xuất từ 28 tỉ đến 213 tỉ thùng dầu thô.
Lâm Kiên theo Reuters