Được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam là thị trường ôtô duy nhất sụt giảm doanh số trong tám tháng đầu năm nay ở khu vực Đông Nam Á với mức giảm tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Triển lãm ôtô Việt Nam 2012 (VMS 2012) lại là cuộc trình diễn hoành tráng nhất và hấp dẫn nhất trong lịch sử tám lần tổ chức, thu hút khoảng trăm ngàn lượt khách tham quan.
Nếu sự sinh động của các gian hàng trong triển lãm này khiến nhiều người hồ hởi tin vào sự khởi sắc của thị trường vốn luôn được các nhà đầu tư nước ngoài xếp vào hàng tiềm năng trong khu vực thì những gì được đưa ra tại hội thảo bàn về giải pháp để phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam (diễn ra trong khuôn khổ VMS 2012) lại khiến người ta ngao ngán.
Thị trường suy giảm duy nhất trong khu vực
Theo số liệu do ông Phạm Anh Tuấn – Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) công bố thì thị trường ôtô khu vực Đông Nam Á trong năm tháng đầu năm 2012 tăng trưởng 151%, trong đó Thái Lan tăng trưởng cao nhất, 208%. Đứng sau Thái Lan, thị trường Indonesia tăng 142%, rồi Philippines tăng 128%, Malaysia tăng 113%. Chỉ có Việt Nam là thị trường duy nhất suy giảm, chỉ đạt 78% so với cùng kỳ năm trước. Ông Andreas Klingler – Tổng giám đốc Porsche Việt Nam cho rằng thị trường ôtô Việt Nam đã bắt đầu suy giảm từ năm 2010 và dự báo tổng doanh số năm 2012 của toàn thị trường chỉ đạt 50% so với năm 2009. Ngược lại, cùng thời gian này (từ 2009 đến 2012), thị trường ôtô toàn cầu tăng gần 30%, riêng thị trường châu Á tăng tới 40%! Dù Việt Nam đã gia nhập WTO và ký hiệp định thương mại trong khối ASEAN nhưng thị trường ôtô nước ta đang trở thành một “ngoại lệ” trong khu vực. Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nặng thì “mặc dù các tác động vĩ mô của tình hình kinh tế thế giới có ảnh hưởng đến thị trường, nhưng tác động chính làm ảnh hưởng thị trường vẫn đến từ các yếu tố nội tại”. Và “yếu tố nội tại” chủ yếu ảnh hưởng tới sức mua của thị trường này, cũng theo nhận định của Vụ Công nghiệp nặng, là các chính sách (thuế, phí) thường xuyên biến động. Riêng trong năm 2012, phí trước bạ xe hơi tăng lần thứ hai liên tiếp, đồng thời hàng loạt dự thảo về các loại phí lưu thông được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái đã khiến thị trường xe hơi liên tục “cài số lùi”.
Khách tham quan rất chú ý đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là những mẫu xe mới như Luxgen
Người tiêu dùng không phải không có tiền mua xe
“Năm nay không phải người tiêu dùng không có tiền mua xe, cũng không phải đường sá Việt Nam đều đã tắc nghẽn hết” – ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định. Nhận định ấy không phải không có cơ sở. Sự đóng băng của thị trường bất động sản và yếu kém của thị trường chứng khoán là rào cản dòng tiền chảy về hai kênh đầu tư này. Trong khi đó, sự trồi sụt giá vàng khiến nhiều người khuân cả bao tải tiền đi mua vàng hoặc khi có tin xấu ACB thì hàng chục tỉ đồng tiền mặt lập tức bị rút ra. Trong những ngày diễn ra VMS 2012 tại Hà Nội, hàng chục ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày đến tham quan cũng cho thấy nhu cầu sở hữu và sử dụng xe hơi cá nhân là khá lớn ở nước ta.
Vào cả trong xe để tìm hiểu tính năng
Ôtô đã là phương tiện giao thông chủ yếu trên thế giới. Hiện nay, những nỗ lực đổi mới về công nghệ cơ bản tập trung vào việc nâng cao hiệu suất và tính thuận tiện trong sử dụng, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Một nước có dân số được dự báo sẽ lên tới 120 triệu người vào năm 2050 không thể không phát triển nền công nghiệp sản xuất ôtô. Tuy nhiên hiện nay lượng xe cá nhân tính bình quân trên đầu người ở nước ta đang ở mức thấp nhất trong khu vực, cho dù dân số Việt Nam đứng thứ 3 khu vực và thu nhập bình quân đầu người cũng tăng trưởng khá nhanh. Theo khảo sát được thực hiện năm 2010, bình quân cứ 100 người dân Việt Nam mới có hai chiếc ôtô, thấp hơn Philippines (3 ôtô/100 người) và Indonesia (8 ôtô/100 người), càng thấp hơn nhiều so với Singapore hoặc Thái Lan (16 ôtô/100 người), nhất là so với Malaysia (38 ôtô/100 người). Với tỷ lệ sở hữu ôtô thấp như vậy, thị trường ôtô Việt Nam được đánh giá là mới chỉ mấp mé ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển.
Chưa phát triển đã ngưng phát triển?
Phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, rõ ràng xe hơi là mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng ở Việt Nam. Từ năm 2003 đến nay, mức thuế này tăng khoảng chục lần: từ mức 5% cho dòng xe du lịch năm chỗ ngồi trở xuống và 3% cho dòng xe từ sáu đến 15 chỗ ngồi (năm 2003) lên mức 45 – 50% (hiện nay). Đến tháng 8-2008, khi lệ phí trước bạ tăng từ hai đến bảy lần thì cũng có thể hiểu rằng các nhà quản lý đã gửi thông điệp tới người tiêu dùng là nên hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có xe hơi. Thông điệp này tiếp tục được khẳng định vào cuối năm ngoái và trong năm nay khi lệ phí trước bạ tăng thêm lần nữa tại TP.HCM (từ 12 lên 15%) và Hà Nội (từ 15 lên 20%) cùng với đề xuất việc thu nhiều loại phí khác như phí môi trường, phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành xe, phí xe ra vào trung tâm thành phố…
Rồi tận mắt thấy công nghệ đỗ xe tự động lần đầu tiên trang bị trên Focus mới
Thông điệp này được đưa ra như một giải pháp cấp bách để giải quyết tình trạng kẹt xe ở các đô thị lớn, chủ yếu là Hà Nội và TP.HCM, nhưng trên thực tế là để che lấp một thực tế khác: cơ sở hạ tầng cho giao thông phát triển chậm chạp, không theo kịp sự phát triển của đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ 6,18% diện tích được sử dụng cho hệ thống giao thông ở Hà Nội trong khi ở ngoại ô, tỷ lệ này chỉ là 0,9%. Tại TP.HCM, khu vực trung tâm cũng chỉ có từ 8 đến 14% diện tích được dùng cho hệ thống giao thông, còn ở ngoại ô tỷ lệ này chỉ còn 2 – 2,8%, trong khi theo chuẩn thế giới, diện tích sử dụng cho hệ thống giao thông chung (cả khu vực nội đô lẫn ngoại vi) là 15 – 20%. Ông Andreas Klingler – Tổng giám đốc Porsche Việt Nam so sánh rằng Việt Nam và Đức có diện tích và dân số ngang nhau, nhưng điểm khác nhau nằm ở chỗ nếu lượng bãi đỗ xe ở Việt Nam chỉ đủ cho khoảng 750 ngàn chiếc thì ở Đức, các bãi đỗ xe đủ cho những 40 triệu chiếc!
Vậy thì có phải vì sự kém phát triển của một ngành mà các ngành khác phải phát triển chậm theo? Theo lộ trình thuế ưu đãi có hiệu lực chung giữa các nước ASEAN, thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực sẽ giảm dần tới 0% vào năm 2018 (năm nay đang ở mức 70%, sẽ tiếp tục giảm xuống 60% vào năm 2013, rồi 50% vào 2014, xuống còn 35% vào 2015, còn 20% vào 2016, đến năm 2017 chỉ còn 10%). Điều này cũng có nghĩa sự phát triển của thị trường ôtô là xu hướng khó cưỡng lại trong khu vực ASEAN. “Chính sách hạn chế xe hơi ở Việt Nam đang khiến các bạn rơi vào vòng luẩn quẩn, không biết nên chọn quả trứng có trước hay con gà có trước” – ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam bình luận. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Yoshihisa chia sẻ rằng sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Nhật chính là động lực cho sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở nước này. Tiền thuế thu được từ ngành công nghiệp xe hơi nếu được dùng hợp lý cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thì cùng lúc sẽ có cả hai kết quả: cơ sở hạ tầng giao thông và thị trường ôtô song hành phát triển. Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay hoàn toàn có thể giải quyết bằng cách áp dụng một loại phí lưu hành xe trong thành phố thay vì việc hạn chế xe hơi được áp dụng chung cho tất cả các địa phương, trong đó có cả những nơi lượng xe lưu thông còn rất ít.
Theo thống kê chỉ riêng thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), từ năm 2010 đến 8-2011 đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 2 tỉ USD (chưa tính phần góp của các nhà nhập khẩu và phân phối). Tuy nhiên, hiện tại trong cả nước vẫn chưa có một bãi đỗ xe tiêu chuẩn. Dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm đầu tiên ở TP.HCM được đề xuất đã tám năm, nay vẫn còn nằm trên giấy. Tại hội thảo trong khuôn khổ VMS 2012 để bàn về thực trạng, giải pháp để phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cũng như ở nhiều hội thảo có chủ đề tương tự được tổ chức trong các kỳ VMS trước đây, không thấy sự tham gia của đại diện các cơ quan xây dựng, hoạch định chính sách.
VMS 2012 thu hút rất đông sự quan tâm của người tiêu dùng
Không mấy quan tâm tới các vấn đề có tính vĩ mô nói trên, một khách tham quan triển lãm – anh Hoàng Hùng, thường trú ở đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) nhìn nhận rất thực tế: “Triển lãm năm nay rất ấn tượng. Các mẫu xe được giới thiệu phong phú và phù hợp với nhiều lựa chọn khác nhau của người tiêu dùng. Tôi cũng nhắm chọn cho gia đình một mẫu xe mới ra mắt trong dịp này, nhưng nhẩm tính các khoản cộng thêm để có được biển số xe thấy lên tới hàng trăm triệu đồng, rồi nghĩ tới cảnh đường kẹt cứng sáng chiều nên lại dùng dằng, chưa quyết được”.
Thủy Phạm