“Học ngành Thư viện làm gì, ai cũng làm nghề cho mượn sách được mà?”, đây là câu hỏi mà không ít sinh viên ngành Khoa học thư viện thường gặp. Nếu nói rằng ngành này cũng như Kinh doanh xuất bản phẩm, Quản lý văn hóa hay Nhân học là những ngành học tiềm năng, thị trường đang khát nguồn nhân lực từ khối Xã hội – Nhân văn liệu mấy ai tin?
Tên ngành học kém hấp dẫn
Năm ngoái, trong một buổi hội thảo bàn về nội dung vì sao nhóm ngành Xã hội – Nhân văn luôn gặp khó khăn khi tuyển sinh, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh từng đề cập đến việc đổi tên một số ngành để hấp dẫn sinh viên hơn là việc cần làm. Thật vậy, khi nghe đến ba ngành Kinh doanh xuất bản phẩm, Khoa học thư viện và Quản lý văn hóa, phần lớn sinh viên đều không muốn tìm hiểu vì không thấy hấp dẫn.
Chính vì vậy, các trường đào tạo về ba ngành này đều có chung một thực trạng đó là số lượng người học mỗi năm mỗi giảm xuống mặc dù đây được xem là những ngành học quan trọng, rất nhiều tiềm năng, nhất là trong thời kỳ hội nhập sâu rộng về mọi mặt như hiện nay. “Em nghĩ rằng ngành Kinh doanh xuất bản phẩm là để ra bán sách, học ngành Khoa học thư viện là để giữ sách hay cho mượn sách, học ngành Quản lý văn hóa chỉ làm việc về mặt giấy tờ, văn bản”, nhiều sinh viên đều có câu trả lời gần giống nhau như vậy.
Riêng ngành Khoa học thư viện còn kém uy tín hơn, vì nhiều năm trước, những người không có chuyên môn cũng được bố trí làm công tác thư viện, ai cũng có thể làm được công việc này nên ít nhiều làm giảm giá trị của ngành.
Thực chất, xuất bản phẩm là một bộ phận thiết yếu của hoạt động văn hóa thông tin, là một trong những sản phẩm trí tuệ, là công cụ để nâng cao trình độ, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của con người. Kinh doanh xuất bản phẩm là một lĩnh vực kinh doanh hàng hóa đặc thù (mang giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần) ngày càng phát triển, đòi hỏi một lực lượng lao động lớn để đáp ứng xu thế phát triển chung của ngành, nhất là trong cơ chế thị trường.
Theo TS Quách Thu Nguyệt – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, Phó giám đốc Công ty Đường Sách TP. Hồ Chí Minh thì hiện nay, ở Việt Nam có 63 nhà xuất bản, khoảng hơn 100 công ty sách tư nhân và hàng nghìn đơn vị hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực đáp ứng xu thế phát triển của ngành Kinh doanh xuất bản phẩm là rất cao. Ngoài ra, kinh doanh xuất bản phẩm là một ngành tiềm năng bởi đây là một ngành của tương lai, của nền kinh tế tri thức, của sự phát triển dân trí… Đây là một ngành học khá sang trọng bởi vì khi được đào tạo trong lĩnh vực này chúng ta được tiếp cận với nền tri thức, tiếp cận với mỏ đất vàng của tri thức.
So với các ngành tuyển dụng khác mang tính thời thượng thì ngành Kinh doanh xuất bản phẩm vẫn là ngành có tương lai bởi vì tri thức luôn phát triển và sách luôn là một nhu cầu thiết thân với mọi người. Những người học chuyên ngành Kinh doanh xuất bản phẩm chính là đang sống trong mảnh đất vàng với những cơ hội nghề nghiệp rất cao.
Trên cả nước hiện đang có rất nhiều thư viện được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hoành tráng như Trung tâm học liệu Cần Thơ thuộc Trường Đại học Cần Thơ có tổng kinh phí đầu tư gần 10 triệu đôla, thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở TP. Hồ Chí Minh được đầu tư 130 tỉ đồng – đây là một trong những thư viện trường đại học hiện đại nhất Việt Nam hiện nay và đạt tiêu chuẩn quốc tế… Vì thế, nếu không được đào tạo bài bản, chắc chắn không thể đáp ứng được về mặt chuyên môn, kỹ thuật mà ngành Khoa học thư viện yêu cầu.
Và cũng có thể thấy đầu ra của ngành này rất phong phú chứ không phải sẽ thất nghiệp như nhiều người lầm tưởng, đây là ý kiến của Thạc sĩ Lâm Ngọc Uyển Trân – Trưởng khoa Văn hóa – Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Một trong những ngành Xã hội – Nhân văn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của sinh viên là ngành Nhân học. Đây là ngành vô cùng tiềm năng, người học có cơ hội việc làm ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt trong việc tổ chức hành chính, quản lý nhân sự.
Theo Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh: “Sinh viên ngành Nhân học sẽ được trang bị đầy đủ khả năng lý luận và kiến thức chuyên môn cho các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến nhân học, văn hóa, xã hội với các khả năng tư duy: tổng hợp và khái quát; phân tích, so sánh và phản biện. Nhờ vậy, sinh viên ngành Nhân học khi ra trường có thể tiếp tục theo đuổi nghiên cứu, giảng dạy, hoặc làm truyền thông tổ chức sự kiện hay phù hợp nhất là quản lý nhân sự tại các công ty”.
Không chỉ làm tốt công tác tuyển sinh
Hiện nay một số trường có đào tạo những ngành học liên quan đến sách như Kinh doanh xuất bản phẩm, Khoa học thư viện hay Nhân học mà thí sinh có thể tham khảo là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ĐH Tôn Đức Thắng… Để thu hút sinh viên quan tâm đến các ngành như Kinh doanh xuất bản phẩm hay Khoa học thư viện, các trường này đang ra sức tuyên truyền, thông tin đến thí sinh.
Thạc sĩ Lâm Ngọc Uyển Trân cho biết: “Hằng năm những thí sinh nộp đơn vào những ngành liên quan đến xuất bản phẩm hay sách đều giảm hẳn, trong khi rất nhiều đơn vị công ty, nhà xuất bản cần nhân lực nhưng chúng tôi lại không thể cung cấp người làm cho họ. Từ việc thiếu hụt người học đó, trường đã và đang cố gắng làm công tác tuyển sinh sâu rộng hơn nhằm giúp thí sinh hiểu được vai trò, tầm quan trọng và cả tiềm năng của những ngành này”.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ đối với công tác tuyển sinh ngành Nhân học, trường cũng đang đưa các em học sinh cấp 3 tham quan, trải nghiệm ngành học hoặc tích cực truyền thông thông tin nhiều hơn đến thí sinh về cơ hội việc làm và tiềm năng rất lớn của ngành này.
Nỗ lực của các trường trong công tác tuyển sinh thể hiện khá rõ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một nền giáo dục Xã hội – Nhân văn không chỉ dạy nghề mà là sự nghiệp giáo dục trọn đời. Vì vậy, một giáo trình cốt lõi của nhóm ngành này phải có hai năm đào tạo các môn nghệ thuật, văn hóa và khoa học, để thiết lập một nền tảng vững chắc để sinh viên có thể hiểu biết về sự đa dạng của các ngành. Ngoài ra, người dạy cũng nên tìm cách làm cho bài giảng của mình hấp dẫn và sát với thực tế hơn, để sinh viên có thể lĩnh hội được những kiến thức thật sự hữu ích cho công việc của mình về sau.