Sau một học kỳ đáng nhớ với hàng tháng trời chôn chân ở nhà khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, trại hè là lựa chọn của nhiều phụ huynh dành cho con em mình trong một mùa hè cũng đặc biệt khi chỉ kéo dài vỏn vẹn một tháng.
Trại hè: muộn và ngắn hơn
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các đơn vị tổ chức các trại hè đều bị động và không có nhiều thời gian để chuẩn bị cũng không tổ chức các chương trình hè xa và phức tạp. Nhiều trung tâm cắt hẳn các trại hè quốc tế, các chương trình hè trong nước cũng giảm hẳn số lượng.
Có khoảng 15 chương trình hè và trại hè thường niên nhưng năm nay ATY – Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á – Thái Bình Dương (TP.HCM) chủ yếu tổ chức trại hè và các khóa huấn luyện tại chỗ. Các chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ, các khóa hè ở châu Âu, Mỹ, Singapore… cũng ngưng hẳn. Các chương trình “đinh” của ATY như Boot camp cho các lứa tuổi được tổ chức ở các cơ sở tại TP.HCM.
“Mọi năm các chương trình hè của ATY bắt đầu từ cuối tháng 5 nhưng năm nay đến giữa tháng 7 chương trình mới khởi động. Số lượng người tham gia cũng giảm 50-60%. Hằng năm chúng tôi tuyển khoảng 4.000-5.000 bạn, năm nay chỉ khoảng 2.000. Do ảnh hưởng bởi dịch, phụ huynh cũng ngại cho con đi xa” – ông Lương Dũng Nhân, giám đốc đào tạo ATY, cho biết.
Năm nay, các chương trình hè của Trung tâm IZUMI – trung tâm đào tạo các kỹ năng và ngôn ngữ cho trẻ theo mô hình Nhật Bản – cũng phải thay đổi rất nhiều. “Kỳ hè năm nay chỉ kéo dài vỏn vẹn một tháng nên các chương trình đều phải tinh chỉnh gọn hơn, thay vì kéo dài 7-10 tuần thì giờ chỉ còn 1-5 tuần.
IZUMI có ba cơ sở, các chương trình chỉ tuyển khoảng 100 học viên tại mỗi cơ sở. Các chương trình dã ngoại, các hoạt động ngoài trời cũng hạn chế” – ông Lê Minh Kiên, đại diện IZUMI, chia sẻ. Ông cho biết hiện số lượng đăng ký chỉ bằng 25-30% so với năm ngoái.
“Đến tháng 4 chúng tôi thậm chí vẫn còn nghĩ rằng không tổ chức được trại hè. Do đó số lượng chiêu sinh giảm khoảng 50% so với các năm trước. Đây cũng là tình hình chung của hầu hết các trung tâm tổ chức các chương trình hè” – bà Khang Nguyễn Ngọc Trâm, trưởng phòng sáng tạo Trung tâm vẽ sáng tạo Wow Art, chia sẻ.
Trung tâm này chuyên về các hoạt động sáng tạo nghệ thuật như vẽ, nặn, làm thủ công, diễn xuất… cho trẻ em các lứa tuổi. Các trại hè của Wow Art là những chương trình dã ngoại để các bé thể nghiệm nghệ thuật ở ngoài thiên nhiên, các địa điểm triển lãm, công trình nghệ thuật.
Rèn luyện kỹ năng bán trú
“Cả năm học, bé con nhà mình đã học hành từ sáng đến tối. Nhưng ngẫm lại mình thấy vẫn chưa đủ: con học 2 buổi/ngày ở trường nhưng chủ yếu chỉ học văn hóa, buổi tối con có đi học thêm toán, văn, tiếng Anh.
Mùa hè chính là lúc mình phải cho con học bổ sung các kỹ năng cần thiết của cuộc sống” – chị Nguyễn Mai Thảo, có con đang học lớp 2 ở quận 6, TP.HCM, cho biết. Năm nay, chị Thảo đã ghi danh cho con học bơi và học võ, vì theo chị vừa rèn kỹ năng vừa tạo điều kiện cho con rèn thể lực.
Đặc trưng của những khóa hè trên địa bàn TP.HCM năm nay là nhiều nơi đều tổ chức bán trú, học sinh sẽ học từ sáng đến chiều, ăn trưa và ngủ trưa tại trường. “Bố mẹ đi làm suốt, để con ở nhà thì không yên tâm. Cho con đi học văn hóa thì không đành. Vì vậy tôi tìm những khóa rèn luyện cho trẻ theo kiểu “học mà chơi” nhưng ưu tiên số 1 là phải có bán trú vì tôi không thể đưa đón cháu vào buổi trưa” – chị Nguyễn Thị Hạnh, có 2 con đang học tiểu học ở quận 7, TP.HCM, cho biết.
- Xem thêm: Cu Tí không nhảy đầm
Chị Nguyễn Mai, ở quận Tân Bình, nói: “Gia đình tôi neo đơn, ông bà nội ngoại đều ở xa nên yêu cầu đầu tiên là tìm chỗ gửi con từ sáng đến chiều trong hè. Sau đó mới đến yêu cầu rèn kỹ năng mềm, nghe và nói tiếng Anh, biết tự phục vụ…”.
Trong khi đó, ở Trường song ngữ quốc tế Hoàng Gia, quận 7, TP.HCM có 70% phụ huynh đăng ký cho con hoạt động hè tại trường: “Trẻ ở thành phố thiếu nhiều kỹ năng lắm. Nhân dịp hè này mà rèn được cho các con tính tự lập, kỹ năng thoát hiểm, đối diện và ứng phó trong những tình huống khẩn cấp… là rất tốt” – chị Thu Huệ, có con học trường này, nói.
Bớt áp lực học hành
Nhiều bậc cha mẹ trẻ ngày nay đã không còn đặt nặng áp lực học hành nặng nề với con cái. Mùa nào việc nấy. Mùa hè là phải đi du lịch hè, đi trại hè. Ngày nay trại hè là nơi trẻ giải tỏa, rèn luyện, khám phá năng lực bản thân và cả những kỹ năng ứng phó với cuộc sống hiện đại ngày càng phức tạp.
Chị Hoài Sơn, mẹ bé Na 11 tuổi, năm nay đã đăng ký cho con đến 4 trại hè dài ngắn lẫn xa gần khác nhau. Kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu, Na vác balô lên đường dự trại hè đầu tiên của cô bé ở Thanh Đa kéo dài gần 1 tuần. Sau đó Na sẽ có hành trình Phú Quốc, Học kỳ hồng, trại Học từ thiên nhiên ở Cần Giờ…
“Năm nay do dịch COVID-19, con phải ở nhà nhiều, không được ra ngoài nên tôi muốn cháu tham gia các chương trình hè thiên về vận động nhiều hơn” – chị Hoài Sơn chia sẻ. Từ hồi 6 tuổi đến giờ, năm nào cứ đến mùa hè là con gái dành phần lớn thời gian tham gia các trại hè ở nhiều nơi khác nhau. Thuộc thế hệ cha mẹ mới, chị quan niệm mùa hè là thời gian để con vui chơi, thoát khỏi sách vở, khám phá những cái mới, khám phá chính bản thân con, học kỹ năng xã hội.
“Điều lớn nhất là mình cho con cơ hội để thử thách xem sức con đến đâu. Ở nhà cha mẹ cứ nói con không biết làm gì, không biết chăm sóc bản thân mình… nhưng có lẽ vì trong nhà các con luôn sống trong sự bảo bọc, ôm ấp của gia đình, không có cơ hội được bộc lộ những điều đó” – chị Sơn chia sẻ thêm. Với chị, cô con gái 11 tuổi đã thay đổi nhiều từ những trại hè.
“Ở nhà cháu hay ngủ nướng, kén ăn món này món kia, ngủ máy lạnh, tắm nước nóng, ngủ phòng riêng… Nhưng ở trại hè cháu phải dậy đúng giờ giấc, ăn ngủ tập thể, nằm quạt, nằm giường tầng… Với món không thích, cháu vẫn phải ăn dù ít hay nhiều vì không thể nhịn đói.
Cháu biết hài lòng với những gì mình có, có trách nhiệm hơn với bản thân” – chị Sơn nói về những điều con học được từ trại hè. Cô con gái 11 tuổi của chị giờ có thể tự sắp xếp quần áo, vật dụng cho mỗi chuyến đi, biết lựa chọn đồ phù hợp cho mỗi hoạt động.
“Chưa có mùa hè nào mà cháu phải đi học thêm cả. Tôi muốn mùa hè của con là thời gian ngoài sách vở, có những mối quan hệ khác ngoài trường học. Cháu gặp các bạn lớn hơn hoặc nhỏ hơn và biết cách tương tác với các anh chị em” – chị bày tỏ.
- Xem thêm: Con ta ngày càng… không khát vọng?
Cũng 11 tuổi nhưng năm nay là năm đầu tiên cô bé Nguyễn Thị Mai Linh tham dự một trại hè 5 ngày ở thành phố. “Với tôi hè là con phải được chơi hoặc vừa học vừa chơi theo ý thích của con. Tôi đã tìm hiểu về trại hè khá lâu rồi nhưng cũng muốn con lớn hơn, có thể tự chăm sóc bản thân rồi mới hướng con đi. Năm nay do dịch, cháu phải ở nhà nhiều nên việc đi trại hè rất thích hợp vì cháu sẽ chủ yếu tham gia các hoạt động ngoài trời” – chị Thu Thảo, mẹ bé Linh chia sẻ.
Mấy năm trước con chưa đi trại hè, chị cho con học vẽ, múa, học bơi ở các nhà thiếu nhi, cuối tuần thì đi nhà sách… “Nhiều bạn bè tôi chỉ thích con học đàn piano vì đó giống như thể ước mơ thuở nhỏ mà giờ họ muốn thực hiện. Nhưng tôi thì luôn để con tự chọn cái gì con thích” – chị Thảo nói.
4-36 triệu đồng/khóa hè
Các trường công lập, tư thục, trung tâm ngoại khóa… đã xây dựng chương trình hoạt động hè cho học sinh với nhiều tên gọi khác, mức phí cũng rất đa dạng: từ 4-36 triệu đồng cho 4-5 tuần hoạt động hè, tùy trường.
Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, việc các phụ huynh có nhu cầu và đăng ký cho con em tham gia các khóa học kể trên là đáng khích lệ vì đó là những nội dung cần thiết. Tuy nhiên, các phụ huynh nên cân nhắc về lịch học (tránh “bội thực”) và chỉ nên coi hè là dịp cho trẻ trải nghiệm các hoạt động thực tế mà thôi.
Các phụ huynh đừng quá kỳ vọng rằng sau khóa hè thì con mình sẽ đạt được kỹ năng A, kỹ năng B. Bởi kỹ năng phải được rèn luyện và lặp đi lặp lại nhiều lần, trong 4-5 tuần trẻ được học ở trường nhưng khi về nhà, phụ huynh không tiếp tục tạo điều kiện, môi trường để trẻ tiếp tục rèn luyện thì rất khó trở thành kỹ năng.