Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã đưa ra giải pháp xác đáng để sao cho vừa phát triển được tín dụng tiêu dùng ngân hàng nhằm chống tín dụng đen nhưng đồng thời vẫn bảo toàn vốn, giảm thiểu nợ xấu và bảo đảm an toàn hệ thống.
Cụ thể, một trong những giải pháp được đề cập đến để ngân hàng cho vay nhanh giúp người vay giải quyết được những nhu cầu bức thiết của cuộc sống nhưng vẫn phải bảo đảm được câu chuyện thu nợ, an toàn đồng vốn là phải có các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn, nhất là chính quyền địa phương, cơ sở hỗ trợ.
Vì thế, theo ông Tú “ngân hàng cần chủ động với chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở, thôn, xã, phường, tổ dân phố, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân, để được xác định đúng là người ở địa bàn, có nhu cầu khách quan, vì chỉ có những người hằng ngày sinh hoạt thì mới biết nhu cầu thật, chứ cán bộ ngân hàng không thể lúc nào cũng làm được việc đó. Đây là kinh nghiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chúng ta cần tiếp tục vận dụng cho tài chính tiêu dùng”.
Phó thống đốc chỉ ra thêm một kênh phát triển tín dụng nhỏ lẻ, hộ gia đình từ mô hình thành công của ngân hàng lưu động Agribank cho vay vốn sản xuất, cho vay hộ gia đình qua các tổ hội.
Cũng theo ông, ngoài vốn vay của Quỹ tín dụng nhân dân và hệ thống các công ty tài chính, giải pháp khác là NHCSXH cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống theo lãi suất thỏa thuận, thay vì chỉ cho vay hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên… như trước đây.
Có thể nói, các giải pháp mà NHNN đưa ra là rất đồng bộ và hợp lý để hỗ trợ người có nhu cầu vay cấp thiết, giúp họ không phải tìm đến tín dụng đen, trong khi không làm nợ xấu tăng lên và an toàn hệ thống được đảm bảo.
Nếu liên hệ lại với dự thảo Thông tư 43 gần đây của NHNN, theo đó có hướng siết chặt lại điều kiện cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, chúng ta sẽ thấy là những giải pháp phát triển tín dụng tiêu dùng mà NHNN đang chủ trương áp dụng với hệ thống ngân hàng hoàn toàn có thể áp dụng được với các công ty tài chính nhằm vừa hỗ trợ cho công ty tài chính mở rộng cho vay tiêu dùng, kể cả giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt, góp phần chống tín dụng đen, vừa vẫn giúp giảm thiểu rủi ro cho công ty tài chính và toàn hệ thống.
Theo đó, thay vì áp dụng những giải pháp hạn chế cứng nhắc trong dự thảo Thông tư 43 như hạn chế việc giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng và quy định công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đã và đang vay tại chính công ty tài chính đó, NHNN cần xem xét cho phép công ty tài chính được giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt cho mọi khách hàng nào có sự xác định, xác nhận của chính quyền, các tổ, hội, đoàn thể địa phương về khách hàng, về nhu cầu vay vốn thật… như với cách mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính vi mô đang thực hiện nêu ở trên.
Và cũng như với phát triển tín dụng tiêu dùng của ngân hàng thương mại, lãi suất của công ty tài chính cần là lãi suất theo thỏa thuận, không bị áp trần, và được tính toán theo lịch sử tín dụng của khách hàng (khách hàng có nợ xấu vẫn có thể được xem xét cho vay mà không nhất thiết bị từ chối như dự thảo Thông tư 43 và với lãi suất cao hơn thông thường).
- Xem thêm: Tín dụng tiêu dùng thu hút vốn ngoại
Tất nhiên, một khi đã có sự xác nhận của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội, tổ hội ở địa phương thì khả năng khách hàng vay tiêu dùng trả nợ là cao hơn, rủi ro không trả nợ sẽ thấp đi tương ứng, nên lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính vì thế tuy vẫn cao hơn lãi suất cho vay thương mại thông thường, nhưng cũng sẽ không trở nên quá cao đến mức đẩy người vay (chân thực) vào cảnh mất khả năng thanh toán.
Việc để mở lãi suất nói trên sẽ tạo điều kiện cho công ty tài chính tích cực mở rộng hoạt động cho vay của mình, tăng thêm lợi nhuận, bảo toàn được vốn đồng thời giúp Nhà nước đạt được mục tiêu chông gai là đẩy lùi tín dụng đen.
Đương nhiên, cũng như với ngân hàng thương mại, việc cho vay của công ty tài chính cho dù có đáp ứng được điều kiện có sự xác nhận của địa phương thì cũng vẫn cần có những chốt chặn ở tầm bao quát hơn để tránh khả năng phát triển nóng, quá mức, dễ gây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, và nguy hiểm hơn, sự đổ vỡ của hệ thống.
Đó chính là hạn mức tăng trưởng tín dụng tiêu dùng áp dụng với (từng) công ty tài chính, có điều chỉnh theo tình hình sức khỏe và chất lượng cho vay cũng như quản trị rủi ro của công ty tài chính đó.
Một chốt chặn an toàn khác nữa tương tự như trong hệ thống ngân hàng thương mại là giới hạn tỷ lệ cho vay trên tổng vốn chủ sở hữu, và/hoặc trên vốn huy động. Những chốt chặn như thế này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Tóm lại, cách thức quản lý tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính cần được tham khảo từ kinh nghiệm với hệ thống ngân hàng thương mại nhằm mục đích cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm thiểu rủi ro hệ thống. Nếu vận dụng thành công thì chắc chắn tín dụng đen sẽ bị đẩy lùi một cách hữu hiệu.