Để chuẩn bị thực hiện bộ phim The Assassin (Thích khách Nhiếp Ẩn Nương), đạo diễn Hầu Hiếu Hiền đã bỏ ra bảy năm trời để chuẩn bị, và thời gian quay bộ phim cũng kéo dài đến hơn một năm rưỡi. Diễn viên chính trong phim là cặp đôi “đệ tử cưng” của ông: Thư Kỳ và Trương Chấn. Bộ đôi này đã từng hợp diễn cùng nhau trong bộ phim Three Times của Hầu Hiếu Hiền vào năm 2005. Từ dàn diễn viên đến quy mô đầu tư, tác phẩm Nhiếp Ẩn Nương làm mọi người phần nào nghĩ đến bộ phim Nhất đại tông sư của đạo diễn Vương Gia Vệ được ra mắt vào năm 2013, khi mà dòng phim võ hiệp của làng điện ảnh Hoa ngữ đang có dấu hiệu đi xuống, thì hai vị đạo diễn bậc thầy này lại dùng phong cách của riêng mình để khám phá thế giới võ hiệp.
Một trang sử mới cho dòng phim võ hiệp
Ngày quay phim đầu tiên của Nhiếp Ẩn Nương là tại Đài Loan. Toàn bộ diễn viên đã được yêu cầu tập trung đầy đủ lúc 6 giờ 30 sáng để hóa trang, và chuẩn bị cho đến tận 8 giờ. Hầu Hiếu Hiền nói: “Ngày quay đầu tiên của phim võ hiệp thường là như vậy”. Hầu Hiếu Hiền là một đạo diễn xử lý những tác phẩm đề tài lịch sử tốt hơn những câu chuyện đương đại, nhưng lần này hướng đi của ông có vẻ xa hơn khá nhiều. Bối cảnh của tác phẩm Flowers of Shanghai năm xưa là thế kỷ XIX, còn Nhiếp Ẩn Nương có câu chuyện xảy ra vào thế kỷ IX của thời nhà Đường, là thời kỳ đỉnh cao của văn minh Trung Hoa.
Nhiều người không nghĩ đến rằng, Nhiếp Ẩn Nương của Hầu Hiếu Hiền lại là một bộ phim võ hiệp. Ở dòng phim có nhiều điều phong phú để phát triển này thì không thể không nhắc đến tên đạo diễn Hồ Kim Thuyên, là đạo diễn nổi bật của dòng phim võ hiệp với những tác phẩm đã làm nên cuộc cách tân vào những năm 1960, 1970. Hồ Kim Thuyên người gốc Trung Quốc đại lục tuy nhiên bắt đầu sự nghiệp tại Hongkong, nhưng tại Đài Loan ông đã cho ra đời tác phẩm xuất sắc của mình, trở thành nhân vật có vị trí đặc biệt ở lĩnh vực phim võ hiệp. Hồ Kim Thuyên không những yêu cầu gắt gao tính chân thực của phục trang và bối cảnh, mà còn có một phong cách dựng phim rất riêng rất đặc biệt, có những cảnh rất nhanh, chưa đến một giây. Nhiệt huyết trong việc đeo đuổi theo tính chân thực của Hầu Hiếu Hiền cũng không hề thua kém Hồ Kim Thuyên, nhưng về phương diện dựng phim thì phong cách của Hầu Hiếu Hiền khác hoàn toàn. Trong phim của ông rất ít khi xuất hiện những cảnh quay ngắn, thường một cảnh quay đơn của ông có thể đạt đến 1 phút thậm chí dài hơn, như trong Flowers of Shanghai, có cảnh quay kéo dài hơn 3 phút. Khi được hỏi với xu hướng truyền thống của dòng phim võ hiệp Trung Quốc hiện nay liệu có khiến ông từ bỏ những cảnh quay dài đặc trưng của mình, Hầu Hiếu Hiền trả lời đầy ẩn ý: “Trừ phi đến ngày khởi quay thật sự, chứ không bản thân tôi cũng không biết đáp án”.
Phim nhựa là bút lông, không phải bút bi
Điều chỉnh ánh sáng thường là công việc hao tốn thời gian nhất tại trường quay, còn Hầu Hiếu Hiền thì hao tốn thời gian hơn những đạo diễn khác rất nhiều lần. Với những ai đã xem qua các bộ phim như The Puppet Master và Flowers of Shanghai đều thấy rõ, ánh sáng tuyệt đẹp đem đến nhiều lớp cảm xúc trong các tác phẩm trên được xem là một trong những đặc trưng trong tác phẩm của Hầu Hiếu Hiền. Phụ trách quay phim là Lý Bình Tân, nhà quay phim nổi tiếng của Đài Loan với hàng loạt giải thưởng mà điển hình là với tác phẩm In the Mood for Love của Vương Gia Vệ, Lý Bình Tân được nhận giải Cannes.
Ông luôn để ý từng sự thay đổi của mỗi chi tiết nhỏ và không ngừng đối thoại cùng Hầu Hiếu Hiền mỗi sự thay đổi tạo nên ảnh hưởng ra sao cho cảnh quay. Lý Bình Tân cũng là cộng sự đắc lực của Hầu Hiếu Hiền trong tất cả các bộ phim do ông đạo diễn, cách đánh ánh sáng của Lý Bình dường như tạo nên một bối cảnh huyền ảo cho những bộ phim của Hầu Hiếu Hiền. Và dù rằng, nếu sử dụng quay phim bằng kỹ thuật số sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều chi phí, nhưng Lý Bình Tân vẫn kiên quyết sử dụng phim nhựa của Kodak để quay phim. Lý Bình Tân cho biết: “Dùng kỹ thuật số thay phim nhựa quay phim sẽ giống như bị yêu cầu dùng bút bi để vẽ tranh chứ không phải dùng bút lông”. Chỉ đến khi bộ phim đi vào giai đoạn hậu kỳ mới cần sử dụng đến kỹ thuật số ở một số công đoạn.
Với Nhiếp Ẩn Nương, Hầu Hiếu Hiền giành giải Cannes
Hầu Hiếu Hiền bảy lần tham dự Liên hoan phim quốc tế Cannes, hai lần thắng giải. Tác phẩm Nhiếp Ẩn Nương mang một phong cách võ hiệp rất riêng của mình đã giúp Hầu Hiếu Hiền nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất, tiếp nối tác phẩm The Puppet Master vào năm 1993 với giải thưởng Jury Prize. Tuy vậy, đối với những ai yêu thích tác phẩm của Hầu Hiếu Hiền cũng như đối với điện ảnh Hoa ngữ mà nói thì điều đáng tiếc lớn nhất chính là Nhiếp Ẩn Nương không thể tiếp nối Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca sau 22 năm để trở thành bộ phim Hoa ngữ thứ hai giành được giải Cành cọ vàng.
Lúc lên sân khấu nhận giải, Hầu Hiếu Hiền phát biểu với nhiều cảm xúc trong lòng: “Lần này thắng giải đối với tôi mà nói là một sự cổ vũ to lớn. Quay phim không dễ chút nào, tìm nhiều tiền hơn cũng rất khó. Cảm ơn Thư Kỳ, Trương Chấn, biên kịch Chu Thiên Văn và đội ngũ mỹ thuật, cảm ơn các vị”. Còn trước đó khi tiếp nhận phỏng vấn trên thảm đỏ, Hầu Hiếu Hiền bày tỏ thẳng thắn: “Dù giờ đây không còn ai quay phim kiểu như vậy nữa, nhưng không còn cách nào khác, tôi chỉ biết quay những tác phẩm như thế này”. Đối với việc bị vuột mất giải Cành cọ vàng, Hầu Hiếu Hiền cho biết lý do không phải bởi sự cách biệt văn hóa: “Văn hóa dù quay thâm thúy đến đâu đi nữa cũng đều nói về sự tồn tại và cuộc sống của con người. Ở bất kỳ nơi nào trên thế gian này quay phim, chỉ cần liên quan đến con người, bất luận là nơi đâu, đều có thể xem hiểu được”. Ông cũng tỏ rõ lập trường của mình: “Đến nơi đây, không phải là vấn đề giành được giải hay không, bản thân bạn có làm được không bạn sẽ rất rõ, nhưng đối với một người sáng tác nghệ thuật mà nói, nếu trong lúc sáng tác lòng chỉ nghĩ đến việc giành giải, thì coi như là kết thúc”.
Thanh Vân (DNSGCT)