Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp sau một thời gian dài đình trệ, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng sẽ có khoảng mười ngàn tỉ đồng được bơm vào nền kinh tế. Mục tiêu đã rõ, nguồn vốn mới sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội.
Tuy nhiên, không dễ để nền kinh tế hấp thụ hiệu quả số tiền này trong điều kiện hiện nay. Nhiều tháng qua, do lượng hàng tồn kho lớn, một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất – kinh doanh, hệ quả là nhiều người mất việc, không còn nguồn thu nhập, nhiều người khác thu nhập giảm. Điều này lại kéo theo sự suy giảm tổng cầu. Nếu chỉ rót vốn vào khu vực sản xuất – kinh doanh mà không tăng được lượng hàng tiêu thụ và mở rộng thị trường thì vấn đề hàng hóa tồn kho sẽ càng là thách thức lớn. Vậy nên, khuyến khích tiêu dùng nội địa là một giải pháp. Những chính sách có hiệu lực trong thời gian gần đây cũng thúc đẩy điều này, khi thu nhập của một bộ phận dân cư trong xã hội tăng lên. Đó là việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và đối tượng chính sách từ đầu tháng 7, hay việc tăng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân lên 9 triệu đồng/tháng khiến cho hơn 2 triệu người được ra khỏi diện nộp thuế… Tất cả giúp cho thu nhập thực tế của nhiều người tăng lên, trong khi giá cả được dự báo sẽ không “ăn theo” tăng giá, từ đó sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng trong xã hội.
Lãi suất cho vay thấp như hiện nay là động lực khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó kích thích kinh tế tăng trưởng. Nhưng các doanh nghiệp phải dự báo được nhu cầu tăng đối với hàng hóa do mình sản xuất ra thì họ mới muốn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Còn nếu như hàng sản xuất ra không bán được, doanh nghiệp sẽ chẳng vay vốn để làm gì, hệ lụy là các ngân hàng gặp khó trong khâu giải ngân. Vốn huy động vẫn chảy vào đều đều, các ngân hàng phải tìm mọi cách để cho vay, không có khách hàng doanh nghiệp thì phải tìm khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng, có khi phải cho vay với lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động. Để cạnh tranh thu hút khách hàng vay vốn tiêu dùng, mua, sửa chữa nhà cửa…, các ngân hàng liên tục tung ra các gói ưu đãi lãi suất, thậm chí chỉ… 0% cho một vài tháng đầu tiên. Không chỉ ưu đãi lãi suất, nhiều ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo với các khoản vay tiêu dùng. Nhưng nhìn chung, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện vẫn ở mức khá cao, dù so với một năm trước đã giảm gần một nửa. Lĩnh vực cho vay nhiều nhất vẫn là bất động sản, năm ngoái lĩnh vực này chiếm hơn 80% trong tổng dư nợ vay tiêu dùng. Kế đến là cho vay mua ôtô, mua xe máy, đồ điện máy,…
Một lý do quan trọng khiến các ngân hàng không dám đẩy mạnh cho vay với khách hàng doanh nghiệp chính là khả năng thu hồi nợ. Dù tỷ trọng nợ xấu có giảm so với trước, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn chưa được cải thiện, nếu không muốn nói là còn tệ hơn trước. Nhiều khoản nợ đã được cơ cấu nợ trước đây có khả năng xấu hơn, tiếp tục gây áp lực với các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay là khả thi, thì việc mở rộng tín dụng vẫn cần phải rất cân nhắc, nếu không tỷ lệ nợ xấu sẽ quay trở lại, là gánh nặng cho nền kinh tế.
Minh Hằng