Các ban nhạc như BTS và Blackpink cháy vé tại Mỹ, Anh và các sân khấu quốc tế chỉ vài phút sau khi bắt đầu bán vé. K-pop đã chinh phục thế giới như thế nào? Đó là một câu chuyện gồm nhiều phần.
K-pop nay là ngành công nghiệp trị giá nhiều tỷ USD
Bernie Cho, làm việc tại MTV Networks trong thập niên 1990, nói thanh niên Hàn Quốc hầu hết đều nghe nhạc phương Tây, và nhạc Hàn là nhằm phục vụ cho thế hệ của cha mẹ họ. Thế nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi vào năm 1992. Bernie Cho nói: “Đó không hẳn là một tiến trình tiến hoá mà chính là một quá trình mang tính cách mạng”.
Nhóm nhạc nam Sao Taeji and Boys – gồm 3 thành viên Seo Taiji, Yang Hyun-suk và Lee Juno – đã hớp hồn tất cả mọi người chỉ bằng một tiết mục biểu diễn trong chương trình giải trí tìm kiếm tài năng trên truyền hình được truyền trực tiếp tới hàng triệu gia đình Hàn Quốc. Ban nhạc đã mở ra cánh cửa cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc, những người được truyền cảm hứng để sáng tạo ra thứ âm nhạc chịu ảnh hưởng từ các nơi khác trên thế giới.
Vào cuối thập niên 1990, các nghệ sĩ lớn như Clone cũng đã đạt được điều đó tại Trung Quốc và Đài Loan. Giải thưởng khi đó là thị trường âm nhạc Nhật Bản, và cú đột phá đã đến vào năm 2002, khi Hàn Quốc và Nhật Bản đồng đăng cai giải bóng đá World Cup. Ca sĩ được mệnh danh là “Nữ hoàng K-pop” BoA đã nhiều lần đứng đầu bảng xếp hạng tại Nhật. Cho bình luận: “Đó thực sự là chuyện hiếm xảy ra và là một thành quả truyền cảm hứng cực kỳ mạnh mẽ. Nữ ca sĩ thực sự đem lại những tham vọng to lớn cho rất nhiều người trong ngành công nghiệp âm nhạc”.
Từ năm 2008, các thế lực trở nên lớn mạnh hơn, đồng nghĩa với việc K-pop vươn ra bên ngoài phạm vi người hâm mộ châu Á. Khác với ở Trung Quốc và Nhật Bản, nơi các ca sĩ sử dụng mạng xã hội trong nước để phát triển, các công ty Hàn Quốc thử sức bằng mạng xã hội quốc tế – gồm Facebook, Twitter và YouTube. Và K-pop bắt đầu xuất hiện trên các nền tảng âm nhạc quốc tế.
Bernie Cho phân tích: “Các ủng hộ viên ở hải ngoại, nếu họ nhìn thấy, nghe thấy, thấy thích, thấy muốn, là họ lập tức có thể chuyển tải thông tin đó sang một trang khác, và hoặc là họ sẽ tải bài hát đó xuống, mua hoặc nghe ca khúc đó trực tuyến. Đó là một cơn bão hoàn hảo để làm marketing và quảng bá tại các thị trường quốc tế, kèm với việc bán nhạc và phát hành nhạc bằng hình thức streaming”.
Chúng ta không thể không nhắc đến chuyện cơn bão đã lên đến đỉnh điểm với nam ca sĩ Psy và ca khúc Gangnam Style hồi năm 2012. Psy đã hoàn toàn phá vỡ khuôn mẫu và sự bí hiểm để chiếm vị trí số một, không chỉ ở thị trường Mỹ mà là trên toàn thế giới. Psy không phải là một phiên bản Hàn Quốc của một ngôi sao nhạc pop lớn.
Điều này cho thấy bạn có thể đạt được thành công to lớn mà không cần phải hát hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc hát thứ đang thịnh hành. Sức mạnh của video âm nhạc vượt qua ngôn ngữ. Chỉ một trong các video chính thức ca khúc Gangnam Style trên YouTube đã thu hút được trên ba tỷ lượt xem – con số lớn nhất trong tất cả các loại video ăn khách nhất tính tại thời điểm đó.
Ngày nay, các nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc là chuyên gia trong lĩnh vực làm ra các sản phẩm thành công tới mức kinh ngạc. Hannah Waite, nữ sinh viên từ một trường đại học ở Mỹ, nói: “Tôi tình cờ thấy một video K-pop do ai đó đăng lên, và tôi đã bị chinh phục hoàn toàn bởi giá trị sản xuất của nó, từ màu sắc cho đến âm thanh. Mọi thứ quá là tuyệt vời. Tôi nhớ là khi tôi lần đầu tiên nghiên cứu về hiện tượng này, mọi người thường nói là, ‘Đây là một thành công ăn may chớp nhoáng vậy thôi, rồi sẽ giống như ca khúc Macarena thôi’, bạn biết nó là một bản ăn khách và sau đó là thôi, nó sẽ nhạt nhoà dần và sẽ chỉ được nghe ở trong khu vực thôi”.
- Xem thêm: PSY chinh phục những đỉnh cao
Macarena là một bài nhạc dance tiếng Tây Ban Nha của ban nhạc Los del Rio về một người phụ nữ cùng tên. Được thu âm cho album phòng thu A mí me gusta (1993) của họ, bài hát chỉ thực sự trở thành hiện tượng toàn cầu với phiên bản phối lại Macarena (Bayside Boys Mix)”, và tiếp tục lan tỏa sức hút về sau. Đây là một trong những bài hát biểu tượng cho dòng nhạc dance thập niên 1990, Macarena” được liệt kê ở vị trí thứ nhất trong danh sách “Những One-Hit Wonder nổi tiếng nhất mọi thời đại” của VH1 công bố năm 2002.
VH1 (với tên gọi VH-1: Video Hits One trong giai đoạn 1985–1994) là một kênh truyền hình cáp của Mỹ có trụ sở ở thành phố New York, và là một nhánh của MTV Networks. Nhưng âm nhạc không hề giống với Macarena. Khi Waite bắt đầu tìm kiếm, cô không thể tìm được bất kỳ tin bài nào trên Internet bằng tiếng Anh.
Thế là cô bắt đầu mở một trang web riêng của mình, Moon-ROK, cung cấp thông tin, tin tức thời sự và tình hình giải trí của K-pop. Ngày đầu tiên trang mạng này ra mắt vào năm 2014, nó đã bị sập. Waite nói: “Chúng tôi đã không chuẩn bị đủ mức để đón 15.000 người vào xem trang đó chỉ trong một đêm. Chúng tôi thậm chí còn không có cả máy chủ để thực sự phục vụ được chừng đó người”. Waite bắt đầu đam mê tìm hiểu nguồn gốc các ban nhạc.
Hợp đồng nô lệ
Ở phương Tây, các nhóm nhạc pop là được “sản xuất” ra. Nhưng tại Hàn Quốc, việc này được đẩy lên tới mức cực đoan. Nó được lựa chọn gắt gao vô cùng. Trẻ em được phát hiện, được chiêu mộ. Họ bắt đầu nhắm vào những đứa trẻ còn rất ít tuổi. Có thể từ 10 đến 14 tuổi, và thế là bạn được tuyển mộ chỉ đơn giản là bởi một đại diện nào đó của hãng nhìn thấy bạn trong một trung tâm mua sắm chẳng hạn, và người đó nghĩ rằng trông hình thức của đứa trẻ này thật là sáng sủa.
Có một công thức cụ thể và một bộ các điều kiện trong việc tạo ra một ngôi sao K-pop. Có vài công ty lớn thống lĩnh thị trường, mỗi công ty có tới 200 đối tượng được đào tạo. Cạnh đó là có nhiều các công ty nhỏ hơn cũng hoạt động sôi nổi. Toàn bộ các ban nhạc K-pop đều đi qua hệ thống này. Những đối tượng được chiêu mộ sẽ hoặc là sống ở nhà, hoặc là vào ký túc xá. Các em sống theo một chế độ rất nghiêm ngặt.
Waite nói: “Bạn thức giấc, có thể là vào 5 giờ sáng. Bạn tập tành một chút, hoặc là tập trong lớp học vũ đạo, hoặc là có buổi luyện giọng. Bạn có một thời khoá biểu được lập riêng cho mình, tuỳ vào vai trò của bạn trong ban nhạc là gì. Sau đó bạn đi học cho tới 3 giờ chiều, quay trở về công ty giải trí nơi bạn sẽ phải có thêm các giờ học khác cho tới 11 giờ đêm.
Tại Seoul, các chuyến tàu ngừng hoạt động vào lúc nửa đêm nên các em phải bắt chuyến tàu cuối cùng để về nhà, ngủ khoảng 5 giờ đồng hồ rồi lại lặp lại quy trình đó”. Cần lưu ý là các mầm non hứa hẹn sẽ thành “ngôi sao” này thậm chí còn chưa hề ra mắt công chúng. Và khi ra mắt thì chúng thậm chí đã có những khởi đầu từ trước đó rồi. Waite nói đôi khi những người được đào tạo sống trong cảnh chỉ ngủ hai tiếng mỗi đêm.
Một khi đã ra mắt ca khúc đầu tiên và có buổi biểu diễn đầu tiên, chiếc đồng hồ cho riêng bạn lại bắt đầu hoạt động cho tới khi bạn không còn liên hệ gì với giới giải trí nữa. Waite nói: “Ngay sau lưng bạn là một nhóm các thiếu niên đói khát thành công, nhiều tham vọng hơn đang đặt mục đích phải soán ngôi của bạn. Cho nên bạn phải tự đẩy bản thân mình tiến lên, để đảm bảo là bạn sẽ lấy lại được từng xu từng cắc từ những nỗ lực đã bỏ ra”.
Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều ngôi sao K-pop thừa nhận họ có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Trong năm 2017 đã có một làn sóng tự tử ở các tên tuổi có tiếng: Jonghyun, ca sĩ hát chính của một trong những nhóm nhạc thành công nhất, SHINee, tự kết liễu đời mình khi mới 27 tuổi, và một tin nhắn được cho là của anh gửi cho một người bạn đã nói về những căng thẳng mà anh phải vật lộn để đối phó với chứng trầm cảm và sự nổi tiếng.
Một ngôi sao nổi danh khác là T.O.P thì đã dùng quá liều các loại thuốc chống căng thẳng thần kinh. Các ngôi sao K-pop từng bị ràng buộc bởi các hợp đồng 13 năm. Thời hạn này về sau đã được giảm xuống 7 năm theo quy định của pháp luật. Waite nói: “Đó thực sự là kết quả của việc một cặp đôi ngôi sao K-pop đứng ra nói công khai rằng những hợp đồng này là lố bịch: Tôi ngủ 2 tiếng mỗi đêm. Tôi không muốn đi tới các show diễn đó. Nhưng nếu tôi không xuất hiện, tôi sẽ bị phạn và tôi bị mắc kẹt cho tới khi tôi 30 tuổi, bởi các hợp đồng này là quá dài. Họ gọi điều khoản đó là hợp đồng nô lệ”.
Làn sóng Hàn Quốc – Hallyu
Nhưng K-pop càng trở nên thành công thì giới chức lại càng trở nên quan tâm. Yung Lee, Giáo sư Xã hội học Đại học California, Berkeley (Mỹ), người đã viết về K-pop, nói: “Các lãnh đạo doanh nghiệp và giới chính khách Hàn Quốc tìm cách cần thiết nhằm mở rộng sang các lĩnh vực khác. Điều duy nhất mà giới trẻ đặc biệt hay nhắc đến là kịch Hàn Quốc hoặc nhạc pop Hàn Quốc”.
- Xem thêm: Sức mạnh mềm của Hàn Quốc
Chính phủ bắt đầu hỗ trợ cho ngành công nghiệp âm nhạc với ưu đãi hoãn thuế. Họ trao tiền cho các học viện đào tạo để tăng cao tính phổ biến của dòng nhạc này, và trao tiền cho các đại sứ quán nước ngoài để họ quảng bá các nhóm nhạc Hàn Quốc. Đây là cách làm hiệu quả, và nó đã đem về những mối làm ăn lớn. Nhưng, như Lee chỉ ra, đó không phải là tất cả.
Tất nhiên là tác động của việc này, không phải là nói về tiền bạc mà là về mức độ được yêu thích và mở rộng tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc (hay còn gọi là quyền lực mềm) ra nước ngoài. Thậm chí còn có một từ riêng dùng để chỉ làn sóng văn hoá Hàn Quốc này – Hallyu. Và K-pop đã trở thành tâm điểm cho rất nhiều các ngành công nghiệp ăn theo khác, chẳng hạn như dịch vụ làm đẹp.
Yung Lee cho biết: “Ví dụ như đồ mỹ phẩm và dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ cùng các mảng khác trong ngành công nghiệp làm đẹp thực sự là dựa vào K-pop, đặc biệt là nhằm khuếch trương hình ảnh rằng nếu bạn dùng các sản phẩm, dịch vụ đó của Hàn Quốc, bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn, trông đẹp hơn, quyến rũ hơn giống như các ngôi sao K-pop vậy. Tôi nghĩ là phần lớn thanh thiếu niên Hàn Quốc đều ít nhiều có can thiệp dưới hình thức này hoặc hình thức khác vào khuôn mặt hoặc cơ thể người họ. Vì vậy, đó là thứ thực sự đang làm thay đổi Hàn Quốc, và tôi e là đó không phải lúc nào cũng là thay đổi tốt”.
Giáo sư tin rằng nó đem lại cho xã hội truyền thống Hàn Quốc chứng lãng quên văn hoá. Điều đó thực sự tăng tốc trong vài thập niên gần đây, và K-pop là một phần của tiến trình thay đổi ghê gớm trong xã hội Hàn Quốc. Với thay đổi đó và sự khẩn cấp trong một số vụ bê bối nghiêm trọng, nỗi lo lắng hiện nay là điều đó sẽ làm xấu đi thương hiệu Hàn Quốc. Và điều đó có thể sẽ trở thành thế tiến thoái lưỡng nan cho chính phủ.
Yung Lee lập luận: “Họ có thể làm được gì? Họ đã cưỡi lên lưng cọp rồi và hầu như là bị trói buộc với nó vào lúc này, và họ đã đầu tư quá nhiều danh tiếng của Hàn Quốc vào K-pop. Vì vậy, họ không có lựa chọn nào khác vào lúc này, ngoài việc phải tiếp tục đầu tư, tiếp tục tìm cách khống chế con cọp mà họ đã trót leo lên lưng”.
Vậy thì làm thế nào mà K-pop đã chinh phục được thế giới? Đó là nhờ vào thiết kế thông minh và hoạt động marketing vô cùng khôn khéo. Nhưng với một ban nhạc K-pop thì còn có nhiều hơn thế. Đó là sự thể hiện văn hoá Hàn Quốc, và chính phủ quá đỗi vui mừng lợi dụng sự thành công của K-pop.
Tuy nhiên, những phần cấu thành nên sản phẩm K-pop là con người, mà có những đối tượng chỉ mới 10 tuổi. Họ có thể phải chịu đựng thứ bị gọi là các hợp đồng nô lệ và chế độ luyện tập hàng ngày hà khắc. Vào thời điểm đen tối nhất, văn hoá K-pop đã bị cáo buộc là liên quan tới các vụ bê bối. Đó không phải là phương diện của Hàn Quốc mà chính phủ muốn quảng cáo. Toàn bộ những thứ này có thể sẽ không ảnh hưởng tới việc bán nhạc. Nhưng đó là cái giá nặng nề phải trả để K-pop chinh phục thế giới.