Đời cha mẹ dồn sức nuôi con khôn lớn, cứ tưởng hạnh phúc đó đã tràn đầy thì một ngày họ bỗng thấy mình đang làm ảnh hưởng đến hạnh phúc con cái chẳng phải vì điều gì to lớn mà chính là vì sự bất lực của tuổi già.
NSƯT Việt Anh trong vai một người cha (ông Phong) chỉ vì lớn tuổi mắc chứng bệnh tay chân run. Ông cứ đụng vô cái gì là đổ bể cái đó. Khổ lắm, ông cứ càng cố giúp con thì chỉ làm cho chúng bực mình và chịu không nổi. Việt Anh diễn sự lóng ngóng vụng về của ông già như một cái duyên hài trời phú. Khán giả càng cười rần rần vì sự vụng về của ông, thì ông lại càng khổ sở đến quẫn cả người. Những mảng cười cứ ngấm ngầm một nỗi đau chia sẻ như thế cũng rơi vào ông bạn Nhớ (Trung Dân) của ông. Cái tật hay quên của ông Nhớ làm con cái bao phen hú vía. Thôi thì tốt nhất hai ông nên chọn viện dưỡng lão để trú thân, đỡ phải làm phiền con cháu…
Việt Anh trong vai người cha mắc bệnh tay chân run
Những câu chuyện đời vui nhộn lại tiếp tục xảy ra trong cái viện dưỡng lão bởi mỗi người lại có cái tật riêng của mình. Sự hài hước và hóm hỉnh trong đời sống của mỗi người làm ấm lòng nhau nhưng cũng cho thấy nỗi bi ai sâu thẳm trong lòng các cụ. Sự cuốn hút khán giả không còn ở câu chuyện mà bắt đầu nghiêng về cái duyên diễn hài rất riêng và rất tài tình của từng diễn viên. NSƯT Kim Xuân trong vai bà Bé điệu đà, yếu ớt đã làm hai ông bạn chảnh chọe gây nhau suốt ngày và ra sức cưng chiều “Bé”. Khán giả cười vui vì thấy hai cụ già vẫn có tính nết trẻ trung như tuổi mười tám đôi mươi. Bên trong vẻ dịu dàng yểu điệu của bà Bé lại ẩn chứa sức chịu đựng của người đàn bà đã mất dần người thân vì bạo bệnh. Phi Phụng trong vai bà Gấu lại là một tính cách ngược chiều với bà Bé. Trong cái vỏ ngoài cứng cỏi như đàn ông lại chứa đựng một câu chuyện về cuộc đời trống vắng, yếu đuối của một người đàn bà không thể sinh được con. Nỗi buồn và sự cô đơn lớn nhất của tuổi già là không được sống gần con cháu. Nỗi cô đơn trong tuổi xế chiều của họ đã chạm vào sự đồng cảm của mỗi khán giả. Như ông Phúc (NSƯT Công Ninh), mà đám bạn già ai cũng nghĩ ông là người sung sướng nhất vì có con là một đại gia, nhưng khi được biết ông đang chuẩn bị hy sinh quả thận của mình cho một ông đại gia khác, mọi người đã vỡ òa một sự bức bối. Vở kịch khép lại nhưng cũng đã kịp gởi đến khán giả thông điệp: “Hạnh phúc chính là sự biết chia sẻ, cảm thông và hy sinh cho người khác”.
Trung Dân trong vai ông bạn tên Nhớ mà hay… quên
Nếu xét về kịch bản, vở kịch không diễn tiến theo cao trào thẳng đứng đẩy kịch tính lên cao, mà dàn trải tâm lý theo chiều ngang thông qua những câu chuyện tự kể của mỗi nhân vật. Điều đó làm cho câu chuyện kịch có phần vắn tắt, đơn giản nhưng cũng cho thấy sức hấp dẫn của vở thuộc về tên tuổi và sở trường diễn hài của các diễn viên. Xem kịch là xem Phi Phụng, Việt Anh, Trung Dân, Kim Xuân, Công Ninh, Hà Linh diễn hài, cho dù ẩn bên trong số phận của mỗi nhân vật là cái bi. Vẫn là công thức thường thấy trong đa phần vở kịch hiện nay: Kịch diễn ra cái gì thì diễn nhưng phải có cái cho khán giả cười và thư giãn. Tâm lý khán giả ngày nay đi xem kịch cũng chỉ muốn như vậy.
Nhà hát sân khấu nhỏ một thời mạnh về sân khấu thể nghiệm. Những vở diễn tưởng như kén khán giả lại có sức hút riêng, tạo nên tên tuổi cho nhà hát và sức hút cho một điểm diễn chưa chuẩn về cơ sở vật chất. Nhưng khi phong trào sân khấu xã hội hóa nở rộ… những nghệ sĩ từng gắn bó với nhà hát bung ra chạy show làm cho nhà hát gặp nhiều khó khăn. Cánh diễn viên trẻ mới nổi cũng không chỉ trụ mãi ở nhà hát nhỏ vì sự mưu sinh. Tất cả chỉ coi đây là nơi làm nghề để được sung sướng vì có vai diễn ưng ý và tên tuổi và nghề nghiệp được nhiều người biết đến.
Trước kia kinh phí có khi phải do nghệ sĩ tự đóng góp và trang trải nhưng đến vở Hạnh phúc ở đâu?, Công ty Kết Nối cũng tham gia chia sẻ kinh phí. Đó là một tín hiệu vui cho sân khấu vì lâu nay các nhà đầu tư chỉ tham gia đầu tư trong lĩnh vực phim ảnh hay ca nhạc, còn sân khấu chưa ai dám mạo hiểm. Hy vọng đây cũng là một tín hiệu mới cho sân khấu và cũng là lực hút để diễn viên tên tuổi trở về nhà hát. Đạo diễn Công Ninh cho biết: “Tôi nhận thấy đây là một kịch bản mang ý nghĩa nhân đạo, nên muốn thông qua từng hành động tốt của từng nhân vật tạo nên sự đồng cảm của xã hội về tình yêu thương con người”. Khi dàn dựng đạo diễn Công Ninh cũng rất chú trọng tung ra những mảng miếng, chiêu trò để diễn viên có đất sáng tạo gây hưng phấn cho người xem, vì thế nét hài trong vở Hạnh phúc ở đâu? khá duyên dáng.
Việt Nga