Hàng trăm khách sạn ở Tây Ban Nha đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do sự sụp đổ của Tập đoàn lữ hành lớn của Anh Thomas Cook.
Người đứng đầu Liên minh khách sạn và lưu trú khách du lịch của Tây Ban Nha, ông Juan Molas, cho biết hàng trăm khách sạn ở nước này đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do sự sụp đổ của Tập đoàn lữ hành lớn của Anh Thomas Cook.
Phát biểu trên nhật báo kinh doanh Cinco Dias, ông Juan Molas cho biết có 500 khách sạn có nguy cơ đóng cửa ngay lập tức do Tập đoàn Thomas Cook bị phá sản và tình hình có thể trở nên xấu hơn nếu chính phủ không triển khai ngay các biện pháp ứng phó.
Trong số những khách sạn có nguy cơ bị đóng cửa ngay lập tức, có 100 khách sạn với hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào Tập đoàn Thomas Cook trong khi số khách sạn còn lại phụ thuộc vào Thomas Cook cung cấp từ 30 – 70% khách hàng.
Tình trạng nghiêm trọng cũng xảy ra đối với những khách sạn trên đảo Canaries và Balearic, nơi 40% khách sạn chịu tác động từ vụ phá sản này.
Theo ông Molas, các hãng hàng không của Tây Ban Nha cũng bị ảnh hưởng bởi khách hàng của Tập đoàn Thomas Cook chiếm tới 30% lưu lượng vận chuyển hàng không của nước này.
Cùng ngày, Cơ quan Hàng không Dân dụng (CAA) của Anh cho biết các phòng đặt trước được Thomas Cook thực hiện bằng phương thức ghi nợ trực tiếp sẽ được hoàn lại tiền trong vòng 14 ngày tới, trong khi đặt phòng bằng các phương thức khác sẽ phải đợi tới hai tháng mới được hoàn lại tiền.
Theo CAA, cơ quan này đang triển khai một hệ thống mới xử lý việc hoàn lại tiền trong thời gian sớm nhất. Như vậy, khoảng 100.000 trường hợp đặt phòng trước bằng ghi nợ trực tiếp sẽ được hoàn tiền trong vòng 14 ngày tới.
Tuy nhiên, việc hoàn lại tiền cho những trường hợp đặt phòng mà Thomas Cook thanh toán bằng phương thức khác sẽ mất thời gian lâu hơn, khoảng hai tháng do CAA hiện chưa nắm bắt được toàn bộ thông tin cần thiết từ tập đoàn này.
CAA cho biết có khoảng 360.000 khách hàng sẽ được hoàn lại tiền đặt phòng sau khi Tập đoàn Thomas Cook phá sản, nhiều gấp 3 lần so với chương trình bồi hoàn trước đây.
Tuyên bố phá sản ngày 23-9 của Thomas Cook không chỉ làm hàng trăm nghìn khách du lịch trên toàn cầu bị “mắc kẹt”, mà còn khiến 21.000 người mất việc làm chính thức và nhiều người khác làm việc trong các ngành nghề liên quan đứng trước nguy thất nghiệp.
Ngày 23-9, Cơ quan Hàng không Dân dụng Vương quốc Anh (CAA) phải vật lộn tìm cách đưa khách du lịch trở về nước, với số lượng di chuyển được cho là lớn nhất trong thời bình của Anh.
Các vấn đề của Thomas Cook ngày nay được cho là bắt nguồn từ năm 2007, khi tập đoàn này sáp nhập với công ty chuyên tổ chức các kỳ nghỉ MyTravel của Anh. Việc sáp nhập với MyTravel đã trở thành gánh nặng trong bảng cân đối kế toán của Thomas Cook.
Sai lầm tiếp theo của Thomas Cook là sáp nhập với Co-operative Travel năm 2010.
Việc này đã gắn kinh doanh của Thomas Cook với một doanh nghiệp lữ hành và bán lẻ với 1.400 cửa hàng trên các phố lớn vào thời điểm mà khách hàng bắt đầu xu hướng đặt tour qua mạng.
Thomas Cook đã để lại một thành thích đáng nể trước tuyên bố phá sản: doanh thu thường niên ở mức 9 tỉ bảng Anh, 19 triệu khách hàng mỗi năm và 22.000 nhân viên hoạt động tại 16 quốc gia trên thế giới.