Chính phủ Hàn Quốc mới đây ban hành quyết định miễn quân dịch cho những vận động viên thể thao nào thi đấu thành công ở Asiad 2018, kết thúc tại Indonesia ngày 2-9 vừa qua. Thế nhưng, quy định này đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt tại Hàn Quốc.
Cuối tuần trước, tiền đạo Hàn Quốc Son Heung-min, đang chơi cho câu lạc bộ Tottenham của Anh, cùng với đội tuyển Olympic đã đoạt huy chương vàng tại Asiad 2018 ở Indonesia. Chiến thắng này cho phép anh thoát 21 tháng quân dịch bắt buộc và như vậy anh sẽ có thể tiếp tục sự nghiệp thi đấu quốc tế.
Rất nhiều tờ báo Hàn Quốc đã chỉ trích quy định miễn quân dịch này. Theo luật Hàn Quốc, tất cả thanh niên trong độ tuổi 18-28 đều bị gọi đi quân dịch trong vòng 21 tháng, như một nghĩa vụ bắt buộc.
Thế nhưng, có một quy định miễn quân dịch được Tổng thống Park Chung-Hee ban hành từ năm 1973 dành cho những công dân Hàn Quốc nào có những đóng góp nhằm cải thiện hình ảnh và uy tín của đất nước ra bên ngoài. Kể từ đó, một huy chương vàng hay bạc tại các Thế vận hội là đủ để những vận động viên thể thao khỏi phải vào quân đội.
Tại Hàn Quốc ngày càng có nhiều lời kêu gọi bãi bỏ quy định này vì cho là bất công đối với nhiều người tài giỏi khác, cũng làm rạng danh đất nước. Tại sao chỉ có các vận động viên thể thao, mà không là các ca sĩ Kpop? Chẳng hạn như ban nhạc BTS vừa được xếp đầu bảng Billboard của Mỹ. Các fan hâm mộ đã mở chiến dịch ký kiến nghị đòi hỏi các nam ca sĩ trẻ này cũng được miễn quân dịch.
Tranh cãi chỉ mới bắt đầu và đây sẽ là một bài toán khó cho chính phủ Hàn Quốc và đặc biệt là quân đội – hiện đang phải đối phó với tình trạng thiếu hụt người tòng quân do tỷ lệ sinh con đang trì trệ. Ngày 3-9 vừa qua, một trong những đại diện của quân đội tuyên bố đã đến lúc phải xem xét lại chế độ miễn quân dịch và đề ra những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn. Một ngày sau, 4-9, đến lượt Thủ tướng Lee Nak-Yon tham gia vào cuộc tranh cãi, đề nghị chính phủ đưa ra các biện pháp để cải thiện chế độ quân dịch và giải quyết những bất cập bị chỉ trích gần đây.