Chính phủ Hàn Quốc đã ấn định khoản ngân sách cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm tới là 3.500 tỉ won (3,16 tỉ USD). Chính sách đưa ra với trọng tâm đầu tư hỗ trợ các dự án nhằm giúp các nước đang phát triển “tự đứng vững trên đôi chân mình”.
Quyết định này đã được đưa ra trong một cuộc họp của Ủy ban trực thuộc chính phủ về ODA do Thủ tướng Lee Nak-yon chủ trì vào ngày 22-6 vừa qua. Lượng vốn ODA mà chính phủ Hàn Quốc dành cho các nước đang phát triển trong năm tới sẽ tăng 14,5% so với mức 3.000 tỉ won trong năm nay.
Khoản ngân sách này sẽ được phân bổ cho 1.472 dự án, tăng so với con số 1.312 dự án trong năm nay. Dự kiến, khoảng 60% ngân sách này sẽ được chi cho các dự án của các quốc gia châu Á và châu Phi trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh, như vận tải, y tế và giáo dục.
Trong tổng số 3.500 tỉ won này, khoảng 2.260 tỉ won (65%), sẽ được dành cho các dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc nhằm tạo nền tảng cho các nước đang phát triển “tự đứng vững trên đôi chân mình”. Khoảng 154,4 tỉ won sẽ được chi cho cung cấp lương thực và các dự án chống khủng hoảng nhân đạo khác. Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ đào tạo các chuyên gia về ODA và tạo việc làm cho họ.
Cuối năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định khung với Việt Nam cho các khoản tín dụng từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) lên đến 1,5 tỉ USD vốn ODA cho giai đoạn 2016-2020. Theo Hiệp định tín dụng khung 2016-2020, chính phủ Hàn Quốc cung cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản tín dụng ODA trị giá 1,5 tỉ USD cùng một số điều kiện cơ bản đi kèm. Khoản tín dụng này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án do chính phủ hai nước lựa chọn.
Theo đó, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt gần 60 tỉ USD với hơn 6.300 dự án, chiếm xấp xỉ 18% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt tại nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và hiện diện tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc đã lựa chọn Việt Nam để phát triển trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.