Hai scandal kinh tế vừa diễn ra liên tiếp tại Hàn Quốc. Ngày 17-2-2017, tòa án nước này đã ra lệnh bắt giữ ông Lee Jae-jong, Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung, người được cho là sẽ kế vị cha ông là đương kim Chủ tịch Lee Kun-hee đang đau yếu. Việc bắt giữ này không có nghĩa là tòa án đã xác định ông Lee có tội hay không, song nó nói lên tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Các công tố viên buộc tội ông Lee hối lộ một khoản tiền tương đương 36 triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận được điều hành bởi bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Park Geung-hye. Dù gì thì sự bắt giữ Lee Jae-jong cũng là một đòn trí mạng đánh vào một trong những tập đoàn sừng sỏ nhất Hàn Quốc, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng của Samsung và tác động ít nhiều vào nền kinh tế của nước này.
Bên cạnh scandal hối lộ của Samsung là một biến động không nhỏ trong nền kinh tế Hàn Quốc, đó là quyết định của tòa án tuyên bố phá sản đối với Hanjin, tập đoàn vận tải đường biển lớn nhất Hàn Quốc và đứng hàng thứ 7 thế giới. Tính đến tháng 8-2016, Hanjin gánh khoản nợ khổng lồ 5,4 tỉ USD và không tìm được nguồn vay mới. Cuối cùng họ phải nhờ đến bản án tuyên bố tình trạng phá sản của tòa án. Một trong những hậu quả tức thời của sự kiện này là hiện các chuyến tàu của Hanjin phải lênh đênh dài ngày ngoài biển, do hầu hết cảng biển đều từ chối cho chúng vào, vì sợ rằng Hanjin không còn khả năng thanh toán chi phí bốc dỡ hàng hóa. Hậu quả kế tiếp là các thủy thủ của tập đoàn đang đứng trước nguy cơ mất việc, các nhà đầu tư có nguy cơ mất cả vốn lẫn lãi.
Trước hiện trạng của Tập đoàn Hanjin, các nhà quản lý từng đề ra hai giải pháp khả thi, một là tìm kiếm một nhà đầu tư có đủ điều kiện vực nó dậy, và hai là chính phủ Hàn Quốc ra tay cứu giúp bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến nay không một giải pháp nào đạt được và tiếp sau án lệnh tuyên bố Hanjin phá sản, tòa án Hàn Quốc đang tiến hành thủ tục thanh lý, bán những tài sản còn lại của Hanjin và trả nợ cho các chủ nợ. Vấn đề đặt ra hiện nay là sự sụp đổ của Tập đoàn Hanjin sẽ có những hệ quả nào trên bình diện quốc gia và quốc tế. Trước tiên, các nhà bình luận cho rằng đây là cơ hội tốt để đưa tình trạng quá tải của ngành vận tải đường biển thế giới về mức ổn định. Cái chết của Tập đoàn Hanjin tạo cơ hội cho Công ty Hyundai Merchant Marine (HMM) vươn lên ngôi vị số 1 ngành vận tải đường biển tại Hàn Quốc sau một năm cũng vất vả không kém gì Hanjin.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm:
Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm sau khi Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất