Nhắc đến thành phố Hamburg của Đức là nhắc tới một đô thị nằm sôi động bên bờ sông Elbe và nối liền với biển Bắc Hải cũng nhờ dòng trường giang này. Là một thành phố cảng quan trọng nhất cả nước, Hamburg suốt ngày rục rịch vào ra bao nhiêu con tàu trên hàng trăm kênh đào và cũng tương ứng với số tàu thuyền phong phú ấy là những dòng xe cộ nườm nượp đi trên hơn 2.500 cây cầu, mà cây cầu nào cũng tráng lệ, hấp dẫn. Vì có nhiều cầu như vậy nên Hamburg thường được mệnh danh là “kiều thị”, thậm chí là thủ phủ cầu đường của châu Âu.
Cũng vì nhiều cầu đa dạng nên nếu hỏi đâu là những cây cầu đẹp nhất Hamburg thì ai cũng sẽ ngập ngừng, khó nói bởi vì mỗi công trình đều có một nét đẹp riêng. Thế nhưng, tựu chung hay lọt vào các catalog du lịch là một số cây cầu sau:
Thứ nhất là Cầu Kohlbrandbrucke, một trong các danh lam thắng cảnh đông khách nhất thành phố. Ra đời từ năm 1974, đây là một cầu đường lớn nhất hiện tại với chiều dài lên tới 3.940m, trong đó sải chính dài 325m và cao trên mặt nước tới 55m, cho phép loại tàu nào cũng lọt qua, trong khi chiều cao lớn nhất của nó lên đến đỉnh trụ là 135m.
Công trình đã được thi công từ năm 1970 với phong cách của một cây cầu cáp treo và liên kết khu vực hải cảng trên đảo Wilhelmsburg giữa hai phụ lưu Norderelbe và Suderelbe của sông Elbe với quốc lộ số 7 hay Exit Waltershof. Đến nay, công trình đã phục vụ mỗi ngày hơn 35.000 xe cộ, đi lại trên 4 làn đường rộng 17,5m. Để làm ra cây cầu vĩ đại này, người ta đã phải đổ hơn 81.000m3 bê tông, dùng 12.700 tấn thép, 75 cột trụ, 88 sợi cáp, mỗi sợi có đường kính từ 10 đến 11,8cm.
Chính vì sự hùng tráng ấy, ở đâu cũng thấy Kohlbrandbrucke, trong đó brucke theo tiếng Đức là cầu. Từ khi khánh thành tới năm 1991, nó đã từng là cầu cáp treo có sải dài nhất thế giới, và hiện giờ tuy rằng danh hiệu trên không còn nữa, Kohlbrandbrucke vẫn là cầu đường dài thứ hai ở Đức.
Thứ hai, cũng bằng sắt song là cầu nhịp cuốn, vòm treo lâu đời nhất thành phố là Cầu Brooksbrucke. Một công trình lịch sử, chứa nhiều sự kiện trọng đại, cũng là cầu lộng lẫy nhất và cửa ngõ vào một khu phố sầm uất, có nhiều nhà kho, bến bãi nhất hành tinh, khi mà khắp nơi là những storehouse và container.
- Xem thêm: Cầu đường sắt, kỳ quan thế giới trên cao
Vào thế kỷ 17, ở đây đã từng có một cầu gỗ, gọi là Cầu Muhlenfleth, song vì yếu ớt đến năm 1870 đã được thay bằng một cầu đá và năm 1887 tiếp tục được xây mới bằng thép để phù hợp với một tân quận đang hình thành: đó là quận Speicherstadt, mà mục đích để làm bến bãi.
Chính quyền đã trang trí cho cầu với rất nhiều pho tượng đồ sộ, thế nhưng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vì bom đạn chúng đã bị phá hủy, và những tượng đài hôm nay là những sáng tác mới của một nghệ sĩ tài ba – ông Jorg Plickat.
Nhằm tái hiện vẻ đẹp huy hoàng xưa, vào năm 2006, nhà điêu khắc đã cho lắp đặt tại hai đầu cầu một tổ hợp lớn, về phía bắc là tượng nữ thần Europea (châu Âu), nữ thần Hammonia (người bảo hộ Hamburg) và về phía Nam là hình ảnh của thánh St. Ansgar cùng hoàng đế F. Barbarossa, trong đó Europea biểu thị cho việc Đức hòa nhập thế giới, còn Hammonia ngụ ý an ninh quốc phòng, St. Ansgar là người dẫn dắt tôn giáo và F. Barbarossa là người tiên phong trong mậu dịch tự do, giúp thành phố phát triển.
Với cấu trúc vòm treo dây cung, dài 119m, Uberseebrucke lại là một cầu thép, sàn gỗ duyên dáng ai cũng phải ghé thăm khi đến Hamburg. Cây cầu này đã xuất hiện từ năm 1927 và làm một điểm gặp gỡ, neo đậu của nhiều tàu thuyền ra vào bến cảng.
Bên dưới của nó là chỗ đỗ của các phương tiện đường thủy, song bên trên là đường đi của những du khách bộ hành từ bờ biển ra tàu, và để tránh mưa nắng suốt chiều dài thân cầu đều có mái che, tạo nên một hình dạng thú vị như những con sóng nhấp nhô.
Chính bởi vẻ gợi cảm, cong cong mềm mại, sau khi bị oanh tạc bởi Chiến tranh thế giới thứ hai, nó vẫn được tu sửa vào những năm 1957-1968 để làm một lối vào bảo tàng tàu thủy Cap San Diego. Nối liền giữa cảng Hamburg và đê chắn sóng lớn nhất hải cảng, công trình không chỉ xinh đẹp mà còn có 5 khúc thích ứng với sự dâng hạ của thủy triều.
Kibbelsteg trong thực tế là hai cây cầu chồng khít lên nhau hai tầng, bắt đầu tại Zollkanal và nối trung tâm Hamburg với Speicherstadt và HafenCity. Chức năng của nó vẫn là đảm bảo sự an toàn của người đi bộ trong mùa lũ lụt của sông Elbe và chia đa tầng để tiện đi lại khi nước dâng cao từng cấp. Về đại thể, công trình có một nhịp cuốn ở phía trên và được dựng 100% từ thép vào cuối thế kỷ 19 đầu 20.
Do lúc này nhiều lũ, người ta đã xây cầu cách mặt đất 7,5m và nối với nhiều độ cao khác nhau trong khoảng 200m. Suốt 100 năm qua, nó đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ phòng thủy và đến nay là một cảnh đẹp không thể không xem của thành phố nhờ màu xám nổi bật giữa các tòa nhà gạch đỏ không trát.
Ellerntorsbrucke lại là một cầu gạch cổ nhất Hamburg với ba nhịp cong cong soi bóng mặt nước như 3 vầng trăng vằng vặc. Tuy chỉ dài 36,2m và rộng 12,7m song nó là một huyết mạch của vùng. Công trình đã ra đời từ năm 1668 trên kênh Herrengrabenfleet và trong hàng thế kỷ làm đại lộ giữa khu phố cổ Altstadt và khu phố mới Neustadt, nay là một quận của Hamburg.
Nó cũng xuất phát từ một cầu gỗ vào năm 1530 và đến năm 1668 thì được xây lại, rồi tu bổ nhiều lần. Cái tên Ellerntorsbrucke được đặt theo một đại môn kế cận với nó: đó là cổng Ellerntor bước vào thành phố. Ngày xưa, mọi người đều đi qua cổng này và cây cầu trên mà hiện giờ là một di tích lịch sử của Hamburg.
Cũng có 3 nhịp và chỉ dài 69m, phân chia hồ trong và hồ ngoài Alster, tạo nên một phong cảnh trữ tình là Cầu Lombardsbrucke. Một cây cầu đường bộ và đường sắt kết hợp cùng bắc qua thái hồ của Hamburg. Nó cũng được đặt tên theo Lombard Pfandleihhaus, một cầu gỗ đã tọa lạc tại đây từ năm 1651 và được thay thế bằng một cầu đá vào năm 1865.
Công trình có tất cả 4 làn, gồm 4 đường bộ và 4 đường sắt song song. Tuy nhiên, do không thể đáp ứng được với mật độ giao thông ngày càng cao, nên vào năm 1953 nó có thêm một phần nối tiếp về phía Bắc và vào năm 1963 mang tên là Cầu Kennedybrucke.
Khánh thành năm 1884, Cầu Feenteichbrucke cũng là một công trình ấn tượng, trên đầm tiên Feenteich – hồ Alster, và do cảnh đẹp mê hồn, đường qua cầu cũng được gọi là đường xinh đẹp Schone Aussicht. Từ đây, bạn có thể chiêm ngưỡng được rất nhiều cảnh đẹp ngoạn mục ở trên hồ cùng các villa sang trọng bên bờ biển.
Tựu chung, nó là một cây cầu nhịp cuốn bằng gạch, với một sải dài khoảng 8m và ở dưới chân có các tượng đá sư tử cùng một mặt nước nở đầy hoa súng. Vì thế, từ lâu gần đó đã có một nhà thuyền cho du khách ngắm cảnh.
Trước khi là một công trình bê tông cốt thép vững chãi và được trang trí cầu kỳ bằng gạch clicker, gạch gốm và huy hiệu Hamburg đặc sắc, Cầu Krugkoppelbrucke vốn dĩ là một cầu gỗ cuối cùng và khá mộc mạc của thành phố trên hồ Alster. Nó cũng có 3 nhịp, song các trụ được xây tròn như những bức tường của tòa lâu đài, và trên đó ốp gạch đất nung song có màu xám nâu hùng vĩ, dù rằng chiều dài chỉ vỏn vẹn 72m.
Băng qua phía Bắc của hồ Alster, giữa Hamburg-Harvestehude, Winterhude và lập nên một tuyến phố cùng tên Krugkoppel, công trình đã ra đời từ năm 1928, và tới giờ vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoành tráng cả về kiến trúc lẫn phong cảnh. Ở thân cầu có ốp khá nhiều họa tiết dây lá, sinh vật biển hai đuôi trong khi ở hai đầu cầu là những vỏ sò đa dạng cùng huy hiệu hình sư tử và thành lũy. Đứng trên cầu, có thể thưởng ngoạn rất nhiều phong cảnh, ví dụ như những cánh buồm lộng gió xa xa và những mái nhà thờ nhọn hoắt, lô xô.
Nhờ khung cứng với chân hình chữ V, Baakenhafenbrucke là một trong những cây cầu sắt tiên tiến và mới lạ nhất của Hamburg. Hoạt động từ năm 2013, dài 170m, gồm các sải 44,1m, 77,9m, 38,3m, nặng 2.300 tấn, nó cũng là cầu đường lớn nhất quận HafenCity và sự ra đời của nó là một điểm mốc quan trọng trong việc kiến thiết thành phố. Chưa hết, phần giữa cầu dài 30 m còn có thể được nhấc lên, hạ xuống bằng cần cẩu để cho phép những tàu thuyền lớn đi qua.