Bờ Biển Ngà Côte d’Ivoire hiện là số 1 thế giới về ca cao, chiếm tới 40% thị trường toàn cầu và là cột trụ kinh tế quốc gia: 10% tổng sản phẩm quốc nội, 40% ngoại tệ xuất khẩu, nguồn sống của 4 triệu dân – 1/6 dân số. Nhưng cái giá phải trả quá đắt là rừng bị tàn phá hầu như bằng hết. Khôi phục rừng ư, phải đầu tư cả tỉ euro.
Kết thúc hội nghị bàn tròn các nhà tài trợ đầu tư, Bộ trưởng Thủy lợi – Lâm nghiệp Alain Richard Donwahi tuyên bố: Chính phủ đã thông qua dự án khôi phục rừng trong 10 năm với ngân sách 1 tỉ euro. Từ nay đến 2030, phải khôi phục bằng được rừng phủ 20% diện tích đất nước. Đó là cam kết sắt đá của chính phủ.
Nhiều cánh rừng được khai thác trồng ca cao phá hoại rừng khủng khiếp. Mục tiêu của dự án là làm thế nào để ca cao không những không phá hoại mà còn bảo tồn rừng.
Tháng 9-2017, Tổ chức phi chính phủ Mighty Earth (Mặt đất bao la) lên án các tập đoàn lớn khai thác bất hợp pháp để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ sô-cô-la của phương Tây. Mighty Earth chỉ ra rằng các công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã biến thành đồn điền cung ứng ca cao nguyên liệu ban đầu chế biến sô-cô-la theo yêu cầu của các thương hiệu quốc tế Nestlé, Cadbury, Mars…
Theo Bộ trưởng A.R. Donwahi, các đồn điền ca cao bí mật trong rừng mỗi năm cung cấp lậu không dưới 500.000 tấn hạt.
Tất nhiên, Bờ Biển Ngà cũng đứng đầu thế giới về rác thải ca cao, mỗi năm chất đống 26 triệu tấn rác quả ca cao đã tách lấy hạt. Bằng lượng sinh khối ấy cho chín nhà máy nhiệt điện, mỗi năm Bờ Biển Ngà hạn chế được 250.000 tấn khí CO2 thải ra làm ô nhiễm môi trường. Giám đốc Cơ quan năng lượng mới Soden, Yapi Ogou cho hay trong số các hiệp ước hợp tác kinh tế ký kết với Mỹ có nhà máy nhiệt điện đầu tiên chạy bằng phế liệu ca cao ở Divo, công suất 70 megawatt. Sang năm 2019, sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật nhà máy nhiệt điện sinh khối ca cao do Phòng Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ USTDA tài trợ 1 triệu USD.
Ngân sách đầu tư cho chín nhà máy nhiệt điện này là 235 triệu euro. Một hiệp ước kinh tế được chính quyền đặc biệt công bố là thỏa thuận với tập đoàn khổng lồ dịch vụ thanh toán điện tử Visa triển khai rộng rãi quy mô trên cả nước các dịch vụ thanh toán điện tử qua điện thoại di động. Mục tiêu là phục vụ thanh toán trực tuyến cho 1,1 triệu nhà sản xuất ca cao, hạt điều, cà phê, tổng cộng chiếm tới 20% tổng sản phẩm quốc nội, cũng như cho giao thông công cộng, trả lương cho người làm công ăn lương, học bổng cho sinh viên, thanh toán hóa đơn các tiện ích kinh doanh, sinh hoạt.
Giám đốc Visa châu Phi, Andrew Torre xem đây là một hiệp định hợp tác kinh tế phổ quát. Chừng 70% dân số Bờ Biển Ngà hiện nay không tiếp cận các dịch vụ tài chính. Phổ cập thanh toán điện tử là một bước tiến minh bạch tài chính. Cũng như nhiều nước châu Phi, Bờ Biển Ngà đối diện với các vấn đề nghiêm trọng tham nhũng, hà lạm công quỹ.
Hoa Kỳ đã cử phái đoàn thương mại do Thứ trưởng Ngoại thương Gilbert Kaplan dẫn đầu sang Bờ Biển Ngà đàm phán và ký kết các hiệp ước hợp tác kinh tế, mở lại Phòng Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ ở Abdjan sau 16 năm vắng bóng để năm 2025 giao thương hai nước Hoa Kỳ – Bờ Biển Ngà cán mức 3 tỉ USD/năm.
– Theo Le Point