Google vừa bị một cú đánh nặng sau khi các quan chức chống độc quyền của châu Âu phạt người khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm này với mức kỷ lục 2,7 tỉ USD vì được cho là đã có những vi phạm quy định chống độc quyền của châu Âu. Mức phạt kỷ lục này nhấn mạnh quan điểm cứng rắn của quan chức châu Âu trong việc quản lý các công ty công nghệ lớn trên thế giới.
Bà Margrethe Vestager, Giám đốc chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) nói hôm 27-6: “Những gì Google đã làm là bất hợp pháp theo Quy tắc chống độc quyền của EU”.
Sự việc cũng làm dấy lên quan ngại EU đang đối xử không công bằng với các công ty đến từ thung lũng Silicon của Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức EU phủ nhận những cáo buộc đó.
Thực tế, những năm gần đây, EU đã yêu cầu Apple trả lại 14,5 tỉ USD tiền thuế ở Ireland, mở một cuộc điều tra về thực tiễn nộp thuế của Amazon tại châu Âu và bày tỏ lo ngại về việc thu thập và xử lý dữ liệu của Facebook.
Các chuyên gia cho biết, bằng việc nhắm vào hoạt động của “những gã khổng lồ” công nghệ, nhà chức trách châu Âu muốn thể hiện mong muốn mạnh tay quản lý hoạt động của thế giới số.
Khoản phạt 2,7 tỉ USD là không lớn so với doanh thu hằng năm 90 tỉ USD của Google, nhưng cũng nhấn mạnh sự sẵn sàng của EU trong việc áp dụng các hình phạt lớn hơn.
Cổ phiếu của Google đã giảm trong hai ngày liên tiếp sau tin tức về vụ xử phạt, mất 2,5% giá trị.
Châu Âu được cho là đang tìm cách kiềm chế các công ty công nghệ do lo ngại thung lũng Silicon sẽ thống trị cách mà 500 triệu công dân châu Âu tương tác trực tuyến.
Trong bản tuyên bố hôm thứ Ba tuần trước, bà Vestager nói rằng Google giữ vị trí thống lĩnh trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và yêu cầu công ty phải có những biện pháp bổ sung để đảm bảo rằng các dịch vụ số của Google không chèn ép đối thủ cạnh tranh.
Các nhà phân tích cho biết những sản phẩm “tìm kiếm theo chiều dọc” (loại công cụ tập trung tìm kiếm vào một phân đoạn cụ thể của nội dung trực tuyến) đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong doanh thu hằng năm của Google. Công ty không công bố số liệu doanh thu từ công cụ này trong báo cáo tài chính.
Google cũng đang đối mặt với hai cáo buộc chống độc quyền khác tại châu Âu liên quan đến Android, phần mềm di động phổ biến và một số sản phẩm quảng cáo khác của hãng.
Cũng ngay trong ngày 27-6, Google bác bỏ tuyên bố của EU và cho rằng các dịch vụ của Google đã giúp cho nền kinh tế số của khu vực phát triển. Hơn nữa, vẫn còn rất nhiều đối thủ cạnh tranh “đáng kể” của Google trên thị trường như Amazon và eBay.
“Chúng tôi không đồng tình với kết luận công bố hôm nay (27-6)”, Kent Walker, Trưởng ban pháp chế của Google cho biết trong một văn bản. “Chúng tôi sẽ xem xét lại quyết định của ủy ban một cách chi tiết và sẽ xem xét khiếu nại”.
Một vài khiếu nại khác liên quan tới những kết quả tìm kiếm chuyên biệt khác của Google cũng đã được gửi tới EU và bà Vestager cho biết vụ phạt về chống độc quyền này có thể được sử dụng như khuôn mẫu cho những điều tra tiếp theo. Điều này ám chỉ tới những khoản phạt tiếp theo nếu như các cơ quan chức năng của EU phát hiện thêm những yếu tố được cho là sai phạm của Google.
Các nhà phân tích và đối thủ cạnh tranh của Google đã yêu cầu một cuộc giám sát độc lập đến các dịch vụ số của Google tại châu Âu, bao gồm cả việc giám sát các thuật toán tìm kiếm, một trong những sở hữu trí tuệ quan trọng nhất của Google. Và chắc chắn công ty này sẽ phản ứng dữ dội với đề xuất đó.
Bất kể kết quả ra sao, các nhà phân tích cho biết một cuộc chiến tranh pháp lý sẽ kéo dài trong nhiều năm.
- Thùy Dung