Theo nhận định của Goldman Sachs Group: Đầu tư vào các tài sản rủi ro cao như chứng khoán và trái phiếu có lợi suất cao đã giảm bớt, các yếu tố tiêu cực có thể chỉ mang tính tạm thời. Ngân hàng này vẫn đánh giá tích cực đối với thị trường chứng khoán các nước phát triển trong 6 – 12 tháng tới.
Viết trên Bloomberg, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs dựa trên những diễn biến dao động trong phạm vi hẹp của chỉ số S&P 500 kể từ lần sụt giảm mạnh đầu tháng 2-2018 cho thấy các chuyên viên giao dịch đang tỏ ra bối rối và chưa có lập trường rõ ràng.
Trong báo cáo công bố vào tuần đầu tháng 5, các chuyên gia kinh tế thuộc Goldman Sachs, Charles Himmelberg và James Weldon, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các lý do giải thích tại sao nhà đầu tư vào tài sản rủi ro nên bình tĩnh hơn”. Họ nhấn mạnh rằng tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ vẫn được duy trì, qua đó giảm bớt các tác động tiêu cực từ Trung Quốc và những thị trường mới nổi.
Ngoài ra, Goldman Sachs cũng cho rằng kinh tế của các nước phát triển có thể tăng tốc nhờ giá năng lượng xuống thấp. Các chuyên gia chiến lược của Goldman Sachs cho biết rủi ro tại Trung Quốc là nguyên nhân chính gây ra sự lo lắng của nhà đầu tư và làm giảm sự tự tin trước các cơ hội đầu tư tiềm năng.
Goldman Sachs vẫn duy trì quan điểm từ đầu năm đến nay là khuyến nghị nhà đầu tư nên đổ tiền vào các thị trường phát triển thay vì các thị trường mới nổi. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng sự lo ngại về lợi nhuận doanh nghiệp có thể giảm bớt tại thời điểm này khi mùa báo cáo tài chính quý I-2018 tiến triển khá tốt đẹp và phần lớn công ty đều công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra một số quan ngại nhất định như: giá cổ phiếu còn khá cao – nhất ở là Mỹ, việc xuất hiện rủi ro thị trường lao động Mỹ tăng trưởng quá nhiệt và khả năng suy thoái ngày càng tăng cao. Vì thế, Goldman Sachs khuyến nghị nhà đầu tư nên chi đầu tư vào thị trường Nhật Bản và châu Âu nhiều hơn là thị trường Mỹ trong giai đoạn tới. Ngân hàng này dự đoán chỉ số Topix Nhật Bản, Stoxx 600 châu Âu và S&P 500 của Mỹ sẽ tăng tương ứng 26,9%; 24,3% và 12,6% trong 12 tháng tới.
Goldman Sachs đã hạ mức dự đoán chỉ số chứng khoán MSCI châu Á – Thái Bình Dương trong ba, sáu và 12 tháng xuống tương ứng 405-430-455 điểm. Nguyên nhân chủ yếu Goldman đưa ra là do lợi nhuận dự đoán năm 2016 của các công ty tại đây vẫn chưa có dấu hiệu tích cực. Ngoài ra, rủi ro trên thị trường chứng khoán vẫn gia tăng trừ khi tăng trưởng kinh tế của các nước được cải thiện.