Họ sẽ đầu tư mạnh hơn vào các hoạt động sản xuất xe hơi tại khu vực này, tập trung ở hai cơ sở chính là Thái Lan và Indonesia, đồng thời tranh giành thị phần ở các thị trường mới nổi như Lào và Campuchia. Như vậy, Việt Nam gần như không nằm trong chuỗi cung ứng và sản xuất mới của GM.
Cơ hội mới từ các thị trường nhỏ
“Đối với toàn bộ khối ASEAN, chúng tôi nhìn thấy một sự tăng trưởng mạnh và những cơ hội lớn. Chiến lược bao trùm của GM là sản xuất tại nơi bán và thiết lập nguồn cung cấp tại nơi sản xuất” – ông Martin Apfel, Chủ tịch của GM khu vực Đông Nam Á đã tiết lộ như vậy về ý đồ hiện nay của tập đoàn này. Trước mắt, GM đang tập trung thiết lập mạng lưới các đại lý bán hàng tại ASEAN, trong đó có những đại lý tại hai thị trường mới nổi là Campuchia và Lào.
Đầu năm 2013, thương hiệu Chevrolet đã chỉ định United Auto Trading – một trong những nhà nhập khẩu và phân phối xe hơi lớn nhất của Campuchia làm nhà phân phối chính thức xe hơi, phụ tùng và cung cấp các dịch vụ hậu mãi. Một nhà xưởng và phòng trưng bày với diện tích hơn 2.000m2 đã được GM khai trương giữa tháng 2 vừa qua ở thủ đô Phnôm Pênh.
Các nhà quản trị của GM cũng tin tưởng rằng thị trường xe hơi tại Campuchia còn tiếp tục phát triển với tốc độ khá ấn tượng, khoảng 10 – 15%/năm và 1/3 trong số đó là xe bán tải (pick-up) cỡ trung bình. Tâm lý của nhiều hộ dân Campuchia là muốn sắm một chiếc xe dành cho cả mục đích kinh doanh lẫn sử dụng cá nhân, vậy mục tiêu chiến lược của GM là tạo ra những chiếc xe đúng với nhu cầu của họ và có chế độ bảo hành, bảo trì tốt nhất bằng phụ tùng chính hãng.
Chevrolet Colorado – chiếc bán tải mà GM đã bán tại Việt Nam từ vài tháng trước xem ra rất phù hợp với thị trường Campuchia, nơi GM đang mong đợi đến cuối năm nay nâng được thị phần lên tới 10%. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi nền kinh tế Campuchia đang có những điều kiện phát triển thuận lợi và tầng lớp trung lưu tại nước này đang gia tăng. Bên cạnh đó, GM sẽ mở đại lý đầu tiên tại Lào vào cuối năm nay.
Tại Thái Lan, Chevrolet dự tính đến cuối năm nay phải có ít nhất 120 đại lý, tức là tăng tới 29% số đại lý so với năm ngoái. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong khu vực ASEAN theo ý đồ chiến lược sản xuất tại nơi bán và thiết lập nguồn cung cấp tại địa phương dưới dạng nội địa hóa, năm nay GM đang mua một lượng phụ tùng xe hơi trị giá tới 2 tỉ USD từ các nhà cung cấp trong khu vực Đông Nam Á, nhiều hơn hẳn so với con số 300 triệu USD cách đây ba năm. Với mức tăng trưởng gấp bảy lần, GM đang thể hiện rõ sự cam kết đầu tư lâu dài và chắc chắn trong khu vực này.
Trung tâm chiến lược của GM ở Đông Nam Á
Trong việc thực hiện ý đồ chiến lược nói trên, GM xác định vẫn tiếp tục sử dụng Thái Lan và Indonesia là hai cơ sở sản xuất chính. Tháng 5 vừa qua, GM đã khai trương một nhà máy trị giá 50 triệu USD ở Bekasi, cách thủ đô Jakarta khoảng 16km, sử dụng 700 công nhân. Sản phẩm chính của nhà máy này là Chevrolet Spin – chiếc xe đa dụng MPV bảy chỗ từng được sản xuất trước tiên tại Brazil với công suất khoảng 40.000 chiếc/năm.
Indonesia là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của GM. Năm ngoái, doanh số của GM đã tăng tới 17% tại quốc gia Hồi giáo này so với năm 2011. Việc xây dựng và đưa nhà máy mới vào hoạt động như một hành động cụ thể nhằm khẳng định niềm tin của GM là có thể sản xuất xe hơi cũng như thiết lập mạng lưới các nhà cung cấp tại chính nơi tiêu thụ. Theo dự kiến, sẽ có khoảng 80% lượng xe Spin từ nhà máy Bekasi được bán tại Indonesia, phần còn lại sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan và Philippines.
Trong quý I-2013, GM đã bán được tổng cộng 21.899 chiếc Chevrolet tại thị trường ASEAN, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đánh giá rằng nền kinh tế khu vực còn tiếp tục bùng nổ và thu nhập của người dân ngày càng tăng, GM hy vọng sẽ bán được nhiều xe hơn trong năm nay.
Tập đoàn xe hơi Mỹ ấy cũng đang thể hiện những cam kết trong việc đóng góp cho nền kinh tế khu vực ASEAN thông qua ngành công nghiệp xe hơi. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại nhất định trước những thách thức to lớn là an ninh năng lượng chưa đảm bảo, giá nhiên liệu tăng cao, giáo dục và đào tạo chưa nâng được chất lượng nguồn nhân lực và những thay đổi về chính sách trong khu vực, nhất là những quyết định liên quan đến lộ trình miễn giảm thuế, thủ tục hải quan…
Đánh giá tình hình thị trường ở góc độ rộng hơn, ông Apfel cho rằng những căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh hải giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã có tác động tích cực tới doanh số bán hàng của GM. Nguyên nhân đơn giản là khách hàng Trung Quốc chuyển sang chọn mua các loại hàng hóa Mỹ để thay thế hàng Nhật.
Mặc dù chậm chân hơn các tập đoàn và công ty xe hơi khác nhưng GM đã tỏ rõ quyết tâm và nỗ lực củng cố chỗ đứng tại khu vực ASEAN – một thị trường xe hơi tiềm năng – bằng những khoản đầu tư xứng đáng.
Quang Hiệp (DNSGCT)